Hội thảo khoa học về dạy và học tiếng, chữ dân tộc thiểu số
(Baonghean) - Vừa qua, tại tỉnh Sơn La diễn ra Hội thảo khoa học về dạy - học tiếng, chữ dân tộc Thái, Mông.
Tới dự hội thảo có Vụ Dân tộc - Bộ Giáo dục và đạo tạo; Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ học; lãnh đạo tỉnh Sơn La, cùng đại diện sở giáo dục đào tạo các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Hoà Bình, Thanh Hoa, Lào Cai. Giám đốc, Phòng đào tạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên và đại diện dân tộc Thái của tỉnh Nghệ An tham dự.
Hội thảo đã đưa ra hệ thống quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về sự bảo tồn và phát triển ngôn ngữ chữ viết của các dân tộc Việt Nam. Qua 20 bản báo cáo tham luận và nhiều ý kiến phát biểu về các vấn đề dạy-học tiếng, chữ dân tộc, hội thảo thống nhất lấy bộ chữ dân tộc Thái Việt Nam làm chuẩn và bộ tài liệu (sách giáo khoa dạy chữ Thái) do Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La biên soạn làm tài liệu dạy, học chữ dân tộc Thái cho các địa phương có người dân tộc thiểu số trong cả nước.
Tại Hội thảo, ý kiến giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Nghệ An cho rằng: Nghệ An là địa phương có nhiều dân tộc thiểu số, việc đưa tiếng và chữ vào dạy cho các địa phương, vùng dân tộc ít người là rất cần thiết. Thiết nghĩ ngành giáo dục tỉnh Nghệ An cần có kế hoạch, chương trình đưa chữ và tiếng dân tộc Thái, Mông vào dạy và học trong các trường thuộc các huyện miền núi có người dân tộc thiểu số, và cả đội ngũ CBCNVC các cơ quan, lực lượng vũ trang công tác tại các vùng dân tộc thiểu số. Việc dạy tiếng và chữ dân tộc như một ngoại ngữ và có chứng chỉ cấp cho người học, ghi nhận trình độ đã được đào tạo, để bổ sung văn bằng, chứng chỉ vào hồ sơ làm cơ sở pháp lý khi xét tuyển hoặc tham dự thi tuyển dùng cán bộ và dự thi chuyển ngạch công chức… cho cán bộ, công chức công tác tại các các huyện có nhiều dân tộc thiểu số.
Lang Mạnh Hùng