Hội thảo toàn quốc tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phát triển toàn diện
(Baonghean.vn) - Hội thảo nhằm tạo sự thống nhất quan niệm về giáo dục phát triển đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Sáng 4/12, Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo và Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo “Giáo dục phát triển toàn diện: Thực trạng và giải pháp, xét từ bình diện tâm lý học và giáo dục học”.
Để trẻ em phát triển toàn diện
Tham dự hội thảo có PGS.TS Trần Kiều - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam cùng đông đảo các giáo sư, tiến sỹ, đại diện các nhà giáo dục, tâm lý, các nhà giáo đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: M.H |
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Luật Giáo dục mới đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Trong đó, một trong những mục tiêu của giáo dục hiện nay đó là "nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân...".
Từ khái niệm này, tại hội thảo, các đại biểu đã có các tham luận bàn giải pháp phát triển toàn diện con người. Theo đó, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - PCT kiêm Tổng hội Thư ký Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng "Việc phát triển toàn diện con người không phải là phát triển phiến diện, què quặt, đứa trẻ được đào tạo không phải là những đứa trẻ chỉ biết chúi đầu vào sách, khiếm khuyết về thể lực, thiếu sự năng động, thiếu khả năng cảm thụ nghệ thuật, hạn chế về kỹ năng sống, thiếu trải nghiệm cuộc sống thực tế".
Hội thảo Khoa học có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học và các nhà giáo trong toàn quốc. Ảnh: M.H |
Liên quan đến việc phát triển con người toàn diện, nhiều câu hỏi cũng đặt ra vấn đề, đó là thầy, cô phải làm gì để phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh".
Phân tích nguyên nhân, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển giáo dục toàn diện đang có những khó khăn như đang có thực trang chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền. Nhiều nơi cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học còn thiếu, lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong thời kỳ đổi mới.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành cũng cho rằng: Việc phát triển giáo dục toàn diện hiện nay là hết sức ý nghĩa để tạo ra sự công bằng trong việc hưởng thụ giáo dục cho tất cả các học sinh, các vùng, miền và là động lực để phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội.
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương). Ảnh: M.H |
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đề xuất vấn đề tự chủ ở các trường công lập, đó là, được tự chủ về tài chính, tự chủ về con người, tự chủ về chương trình. Đồng thời, tạo cơ chế, chính sách để các trường có điều kiện triển khai các chương trình dạy học tiên tiến và triển khai các chiến lược nhà trường.
Tìm giải pháp để phát triển toàn diện giáo dục
Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long khẳng định, hội thảo là cơ hội rất tốt để đội ngũ cán bộ lãnh đạo, các nhà giáo của tỉnh được trao đổi, học tập kinh nghiệm về phát triển giáo dục toàn diện.
Đồng thời, giúp cho ngành Giáo dục Nghệ An sớm đạt được mục tiêu, yêu cầu, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực người học đạt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã nêu bật về những thành tựu của Nghệ An trong những năm qua. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, Nghệ Anđã và đang kiên trì triển khai đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ. Tập trung chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại, hội nhập. Chú trọng đổi mới nâng chất lượng Ngoại ngữ, Tin học.
Đồng chí Bùi Đình Long phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: M.H |
Hiện Nghệ An đã đề ra 3 nhiệm vụ, giải pháp đột phá và 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm hướng mục tiêu đến năm 2030, phát triển bền vững giáo dục và đào tạo, chất lượng giáo dục, đào tạo dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ, thuộc tốp đầu cả nước.
Từ thực tế của tỉnh nhà và xu hướng phát triển của ngành Giáo dục, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long mong muốn Hội thảo “Giáo dục phát triển toàn diện: Thực trạng và giải pháp, xét từ bình diện tâm lý học và giáo dục học” sẽ có những đóng góp quan trọng giúp cho ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An nói riêng định hướng và có những giải pháp đột phá để thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo.
Tại hội thảo lần này, Ban Tổ chức cũng đã nhận được 83 báo cáo khoa học của các nhà tâm lý học, giáo dục học, các nhà quản lý các nhà trường... Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều vấn đề khác nhau xoay quanh vấn đề giáo dục phát triển toàn diện.
Từ đó, nhằm tạo sự thống nhất quan niệm về giáo dục phát triển đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Đồng thời làm rõ thực trạng giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học đối với giáo dục ở vùng thuận lợi, vùng khó khăn, giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thực hiện giáo dục phát triển toàn diện ở mọi cấp học, ngành học, khắc phục sự chênh lệch giáo dục giữa các vùng, miền.
Học sinh Trường Tiểu học Nậm Cắn 2 (Kỳ Sơn) được hướng dẫn rửa tay để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: M.H |
Tại hội thảo lần này, ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Nghệ An đã có bài tham luận với chủ đề: Những giải pháp mang tính chất đột phá nâng cao chất lượng giáo dục cho các trường phổ thông trên địa bàn vùng núi cao Nghệ An.
Bài viết đã đánh giá khách quan về những tồn tại của giáo dục miền núi Nghệ An trong những năm qua. Bên cạnh đó, đưa ra 5 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng, đó là nâng nhận thức, nâng chất lượng cho giáo viên, cán bộ quản lý, đổi mới công tác quản lý, bổ sung thêm chế độ, chính sách cho các trường THPT miền núi và làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội.