Hợm

Người Việt lâu nay có câu cửa miệng “giải quyết khâu oai trước”. Thế đấy, “khâu oai” phải được ưu tiên lên hàng đầu, và hình như nó là sự khởi xướng, là manh nha, là cấp độ một của bệnh hợm.

gày 27 tháng 5 năm 2016, UBND xã Bình Thành tổ chức lễ hợp long cây cầu Kênh 500 thuộc ấp Thạnh Mỹ C, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Cây cầu có chiều dài 16,5m, chiều ngang 2m, kết cấu bê – tông cốt thép; tổng kinh phí xây dựng 70 triệu đồng do mạnh thường quân và nhân dân đóng góp. Để có được niềm hân hoan vô bờ bến đó, những người dân nơi đây đã phải chắt chiu từng củ khoai, hạt gạo. Chỉ có điều trong những ngày tháng thắt lưng buộc bụng ấy mảy may không ai biết rằng vị phó chủ tịch tỉnh phụ trách mảng xây dựng cơ bản của họ đang đeo trên tay chiếc đồng hồ có trị giá 39 tỷ đồng!

Phong trào ăn theo sự kiện trong việc ra đề thi nghe chừng đang được hưởng ứng hồ hởi lắm, bởi vậy nếu là giáo viên tiểu học, bạn có thể ra cho các em học sinh lớp 3 – chủ nhân tương lai của đất nước đề kiểm tra môn Toán như này: “Một cây cầu có giá trị 70 triệu đồng, một chiếc đồng hồ đeo tay có giá trị 39 tỷ, hỏi mỗi chiếc đồng hồ có giá trị tương đương bao nhiêu cây cầu, biết rằng mỗi tỷ là 1 ngàn triệu?” (lưu ý, cán bộ coi thi không được giải thích gì thêm). Sau khi thu bài và chấm, bạn hoàn toàn yên tâm khi tròn xoe điểm mười với những học sinh có đáp số “mỗi chiếc đồng hồ đeo tay có giá trị tương đương 557 (năm trăm năm mươi bảy) chiếc cầu”! Đành rằng, với đề toán hơi “dị” này thì đề nghị cô giáo đừng cho điểm 0 với những em bó tay trong việc tìm ra đáp số, bởi với học sinh lớp 3 thì việc đếm cho hết con số 0 cũng đã toát mồ hôi rồi, nói gì đến tính toán, nó (chiếc đồng hồ đeo tay nặng chưa đầy 2 lạng ấy) có giá 39.000.000.000 đồng cơ mà! Tất nhiên đây là đề Toán cho học sinh tiểu học, còn với cấp trung học phổ thông, sau khi nêu dữ kiện, bạn hoàn toàn có thể ra một đề kiểm tra tự luận rằng “Anh, chị nghĩ gì về sự bất công ấy?”, lưu ý là đề ra ở môn “giáo dục công dân” chứ không phải môn Toán đâu nhé.

Tranh minh họa: Hữu Khoa
Tranh minh họa: Hữu Khoa

Ừ nhỉ, chúng ta nghĩ gì về việc ấy? Không phải là một tỷ phú dầu lửa khét tiếng ăn chơi bên vùng Vịnh mà ngay công bộc nhà mình đã đeo trên cổ tay chiếc đồng hồ có giá trị 557 cây cầu, còn nếu quy đổi ra trâu thì phải 1.500 con. Khoan đã choáng, tin đi, tiền “chổi đót” cả đấy! Đúng rồi, nếu không “chổi đót” thì tút đâu ra? Lương ư, ồ, chắc cộng cả 11 loại phụ cấp rồi gom góp trọn đời may lắm cũng chỉ mua được một phần tư… cái quai! Thôi, tạm thời không bàn sâu đến giá cả và sự tinh xảo ma mị  của thứ đồ chơi sặc mùi hoàng đế này, tôi cũng không muốn bàn đến nguồn gốc của đồng tiền vì cái hành trình của nó dường như đã bị vật ngửa ra đến mức “rõ như ban ngày” rồi. Tôi chỉ bàn đến một căn bệnh, chính căn bệnh này đã thôi thúc vị chủ nhân khoác áo chính khách kia lùng sục bằng được chiếc đồng hồ siêu xa xỉ ấy, bệnh “hợm”.  Vâng, hợm!

Người Việt lâu nay có câu cửa miệng “giải quyết khâu oai trước”. Thế đấy, “khâu oai” phải được ưu tiên lên hàng đầu, và hình như nó là sự khởi xướng, là manh nha, là cấp độ một của bệnh hợm. Trong hàng vạn nhu cầu rất trần tục của con người thì không may cho phần đông chúng ta là có cả nhu cầu thích “oai”. Khi cái nhu cầu làm oai đạt đến một cấp độ bất thường nào đó, nó sẽ lũng đoạn hành vi và mục đích của con người, nó đẩy con người rời xa giới hạn của những giá trị phổ quát về mặt đạo đức, thì bệnh hợm xuất hiện. Hợm là trạng thái, là hành vi, là tính cách của kẻ có nhu cầu thể hiện sự nổi trội một cách ngông cuồng và vô độ.

Tranh minh họa: Internet
Tranh minh họa: Internet

Theo một nguồn tin chính thống trên báo chí, trong lần rủ nhau diện kiến “Táo công thương” có đại gia nọ đã bị chủ nhân chiếc đồng hồ 39 tỷ kia mắng cho té tát vì tội dám đeo đồng hồ rẻ tiền! Và tiết lộ cay đắng nhất là chiếc đồng hồ rẻ tiền bị mắng té tát kia có giá quá bèo bọt, chỉ sơ sơ 1 phẩy 8 tỷ đồng! Chao ôi, chiếc đồng hồ tỷ tám mà vẫn bị coi là rẻ tiền! Còn bị mỉa là “đeo đồng hồ của lái xe”! Không phải ngông mà là hợm. Không phải hợm mà là quá hợm! Ai chưa choáng thì choáng đi!

Trong danh sách ngắn tũn của những đại gia ăn chơi xứ Việt có tiếng lâu nay, dư luận dường như đã quá quen thuộc với cái tên Cường đô la. Ngoài những đình đám về ái tình thì anh này có thú vui sưu tập siêu xe. Mỗi khi đoàn xế hộp của đại gia này rồng rắn ở đâu là người ta trầm trồ ở đó. Trên một số trang mạng thạo tin còn cập nhật hàng ngày nhất cử nhất động của anh này. Tuy nhiên qua theo dõi tôi chưa thấy ai chỉ trích anh này hợm cả! Đúng rồi, hình như anh ấy không hợm! Anh ấy là doanh nhân (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai), anh ấy có nhiều tiền và tất nhiên anh ấy có quyền công khai nhu cầu cũng như mức độ hưởng thụ. Việc sắm siêu xe không chỉ đơn thuần là đam mê mà nó còn có giá trị tạo hình ảnh góp phần chiếm sự lợi thế vô hình nhưng không kém hiệu quả trong kinh doanh làm ăn. Nhìn ở góc độ tích cực việc anh này phô trương sự giàu có cũng tạo nên những cảm xúc nhất định cho một bộ phận người trẻ đang trên đường dấn thân vào công cuộc làm giàu chính đáng. Nó cũng ít nhiều phản ánh đồ thị đi lên của mức sống, sự sầm uất của cộng đồng xã hội.

Cá nhân tôi không bao giờ dành thời gian để gạch đá với những trường hợp như thế này. Nếu thắc mắc thì chỉ có điều tôi mãi không thể lý giải cho câu hỏi “Tại sao một người tích lũy được 100 triệu đồng lại phải chạy vạy bạn bè thậm chí là vay ngân hàng để mua bằng được chiếc xe máy SH 260 triệu đồng?”. Tại sao một đất nước có thu nhập bình quân đầu người chưa quá 2.385 USD/năm (khoảng 53 triệu đồng/ năm) mà lại có số lượng siêu xe khủng khiếp như vậy? Theo khảo sát trực tuyến chưa lâu của Niesel trên 29.000 người tại 58 quốc gia toàn thế giới thì có tới 56% số người Việt Nam được hỏi cho biết sẽ sẵn sàng chi tất tay cho hàng hiệu. Tại sao nhỉ? Một cách trả thù cái nghèo? Thói thích oai, thú chơi ngông hay bệnh hợm? Tại sao chúng ta lại tiêu thụ bia rượu vô địch thế giới khi… chưa giàu? Tại sao tỉnh nào cũng phấn đấu có cái sân gôn? Tại sao mỗi năm người Việt lại phải chi đến tận hơn 1 tỷ đô la cho việc mua Smartphone trong lúc xuất khẩu gạo vô địch thế giới cũng chỉ được 3 tỷ mỹ kim? Ồ té ra người Việt không hợm, không ngông nhưng mà chịu chơi! Nếu ai đó nói người Việt chịu chơi thứ hai thế giới là không đúng, hoặc chỉ đúng với điều kiện không có nước nào đứng thứ nhất! Tuy nhiên dù là cận huyết thống, dù là “anh em cùng cha không khác mẹ” nhưng chịu chơi là một chuyện, còn hợm lại là một chuyện khác! Công bộc thuần túy mà đeo trên tay chiếc đồng hồ 39 tỷ đồng thì không còn là chịu chơi nữa mà đúng là hợm. Dị hợm!

Không ai ngạc nhiên khi ông ấy có 39 tỷ đồng, nhưng ai cũng đặt câu hỏi là tại sao ông ta đang là công bộc lại đang tâm đeo thứ siêu xa xỉ ấy trên tay khi xung quanh còn bao hoàn cảnh bần hàn cơ cực?

Dư luận đang bàng hoàng sửng sốt về vụ nâng điểm đầu vào đại học không tưởng ở Hà Giang! Sự thật đã được phơi bày. Nói trộm vía, nếu vụ đại bê bối này không bị phát giác thì ít nhất cũng có đến 114 “phiên bản nhái nhân tài” được tót lên giảng đường đại học. Rồi cũng bằng con đường và cách thức quen thuộc họ sẽ lại là những sinh viên ưu tú xuất sắc. Chỉ ít năm thôi, những “nhân tài” kia sẽ cầm tấm bằng đỏ hùng dũng tiến thẳng vào các cơ quan nhà nước, rất có thể tương lai họ sẽ trở thành quan chức oai phong, và biết đâu lúc ấy trên tay họ cũng đeo những chiếc đồng hồ có giá trị bằng năm trăm năm mươi bảy cây cầu!