Hơn 1.000 học sinh tham gia diễn đàn "Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất gây nghiện mới"
Chiều 14/5, tại Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Vinh), Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, Báo Tiền phong và Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp tổ chức Diễn đàn điều em muốn nói lần III, năm 2025.
Chương trình được triển khai với chủ đề: Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất gây nghiện mới, có sự tham gia của chuyên gia tâm lý, bác sĩ, đại diện Công an tỉnh Nghệ An cùng hơn 1.000 học sinh trên địa bàn tỉnh.

Tham dự chương trình có Tiến sĩ Trần Văn Lam - Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phạm Ngọc Cảnh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh uỷ; Ngô Đức Kiên - Tổng Biên tập Báo Nghệ An và đại diện các ban, ngành liên quan.
Diễn đàn “Điều em muốn nói” là hoạt động trọng điểm trong chuỗi sự kiện hướng tới Tháng hành động vì trẻ em năm 2025. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức và kỹ năng phòng ngừa các nguy cơ từ thuốc lá, thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện mới trong học đường.

Phát biểu tại chương trình, nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong đã nêu lên thực trạng đang diễn ra tại nhiều trường học khi thuốc lá điện tử, các loại chất kích thích thế hệ mới đang ngày càng len lỏi vào đời sống học đường. Đồng thời, tấn công trực tiếp vào sức khỏe, nhận thức và tương lai của thế hệ trẻ - những người sẽ xây dựng đất nước sau này.
Đáng lo ngại hơn, thuốc lá điện tử - sản phẩm được quảng bá như một lựa chọn “an toàn hơn”, “thời thượng hơn” đang lừa dối giới trẻ. Với thiết kế bắt mắt, mùi hương hấp dẫn và dễ tiếp cận qua mạng xã hội, thuốc lá điện tử đã nhanh chóng trở thành cạm bẫy của không ít học sinh.

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá hiện nay khoảng 2,9% (giảm so với kết quả nghiên cứu năm 2014 là 4,0%). Đặc biệt, tỷ lệ học sinh nữ sử dụng thuốc lá có dấu hiệu gia tăng (hiện nay khoảng 0,8%, tăng so với năm 2014 là 0,2%, chủ yếu là sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới). Tỷ lệ học sinh hút phải thuốc lá thụ động trong trường học là 35,7% (giảm so với kết quả nghiên cứu năm 2014 là 48,6%).
Thực tế cũng cho thấy, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá trong học sinh, sinh viên và xây dựng “Trường học không thuốc lá”.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất đưa quy định về cấm hút thuốc lá đối với học sinh, trong các hoạt động giáo dục đối với giáo viên vào Luật Giáo dục 2019 và quy định, hướng dẫn cụ thể tại các văn bản dưới Luật, Điều lệ trường học. Mặc dù vậy, việc nghiêm cấm sử dụng thuốc lá, các chất gây nghiện trong trường học và trong học sinh vẫn còn nhiều khó khăn..
Trước thực trạng tỷ lệ học sinh, sinh viên sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gia tăng, tại chương trình Tiến sĩ Trần Văn Lam - Phó Vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên đề nghị các cơ quan chức năng, các nhà trường cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá trong các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử và xây dựng “Trường học không thuốc lá”.
Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; đặc biệt là gắn trách nhiệm, vai trò của gia đình, cha mẹ học sinh, người giám hộ trong việc kiểm soát hành vi hút thuốc lá của học sinh.

Cũng trong diễn đàn “Thay lời muốn nói”, các học sinh đã được nghe các chuyên gia, các khách mời nói về tác hại của thuốc lá và các chất gây nghiện mới.
Đây cũng là không gian để học sinh cất lên tiếng nói, thể hiện quan điểm, đề xuất sáng kiến, cùng chung tay xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn, không khói thuốc.

Qua đó, còn là dịp để các cấp, các ngành lắng nghe, hành động nhằm ngăn chặn sớm các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ em./.