Hơn 2.000 hộ dân sẽ di dời để làm cao tốc Bắc Nam
Khoảng 713 km cao tốc giai đoạn 2017-2020 sẽ được giải phóng mặt bằng với quy mô 4 - 6 làn xe.
Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, giai đoạn 2017-2020, để tiến hành dự án thì các địa phương phải giải tỏa khoảng 3.523 ha với hơn 8.000 hộ dân bị ảnh hưởng và 2.100 hộ tái định cư. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho giai đoạn trên khoảng 13.028 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) trước đây, Chính phủ có chủ trương tiến hành giải phóng mặt bằng toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam ngay từ đầu (khoảng hơn 1.300 km). Tuy nhiên, căn cứ vào nguồn kinh phí, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án chỉ giải tỏa trong phạm vi thực hiện đầu tư giai đoạn I đến năm 2020 (713 km).
“Đối với những đoạn tuyến chưa thực hiện đầu tư sẽ chưa giải phóng mặt bằng để tránh lãng phí đất đai”, ông Sơn nói.
Khoảng 713 km cao tốc giai đoạn 2017-2020 sẽ được giải phóng mặt bằng với quy mô 4 - 6 làn xe. |
Khoảng 713 km cao tốc giai đoạn 2017-2020 sẽ được giải phóng mặt bằng với quy mô 4-6 làn xe, đồng thời thực hiện ngay việc cắm mốc lộ giới mỗi bên 17 m giao cho địa phương quản lý, phục vụ mở rộng trong trường hợp quy mô dự án 6-10 làn xe.
Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội cho phép tách riêng công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cao tốc Bắc Nam thành các dự án độc lập theo địa giới hành chính của các tỉnh, thành để địa phương thực hiện. Dự kiến giải phóng mặt bằng mỗi dự án tối thiểu một năm, tương đương với thời gian lựa chọn nhà đầu tư.
Dự án cao tốc Bắc - Nam có điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), điểm cuối dự án tại nút giao Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), đi qua 16 tỉnh, thành. Dự kiến tổng mức đầu tư toàn dự án với quy mô hoàn chỉnh khoảng 312.435 tỷ đồng. Giai đoạn 2017-2020, Bộ Giao thông tiến hành đầu tư xây dựng trước 713km cao tốc, tổng mức đầu tư khoảng 130.216 tỷ đồng.
Mức thu phí được Bộ Giao thông dự tính cho toàn tuyến là 1.500 đồng một km và mức này sẽ tăng dần (khoảng 12% mỗi 3 năm), thu trong thời hạn 24 năm. Giai đoạn một có 17 dự án thành phần đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Giai đoạn hai sau 2025, tuyến cao tốc Bắc Nam được mở rộng theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt. Trong tổng chiều dài đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh hơn 1.600 km, có 123 km đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành đã khai thác, hiện còn hơn 1.300 km cần đầu tư và được chia làm 20 dự án thành phần. |
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|