Hơn 2.000 học sinh Nghệ An tham gia diễn đàn về phòng, chống bạo lực học đường
(Baonghean.vn) - Thực trạng bạo lực học đường diễn ra trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông đối với ngành Giáo dục cũng như gia đình, xã hội.
Chiều 17/5, tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hội đồng đội Trung ương, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói” lần thứ II với chủ đề: Phòng chống bạo lực học đường.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn "Điều em muốn nói". Ảnh: Đình Tuyên |
Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết - Bí thư Trung ương Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số bộ, ngành liên quan.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Chương trình còn có sự tham gia của các Hoa hậu, Á hậu Việt Nam, các diễn viên với vai trò là khách mời, trực tiếp giao lưu tại diễn đàn.
Nhức nhối tình trạng bạo lực học đường
Phát biểu khai mạc, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết: Diễn đàn "Điều em muốn nói" được tổ chức với chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường” bởi đây không chỉ là vấn đề “nóng” mà còn nhức nhối hiện nay. Điều đó không chỉ ảnh hưởng mà còn có nguy cơ làm biến dạng môi trường sư phạm, khiến cho việc đến trường với nhiều em học sinh không còn là niềm vui mà là nỗi lo sợ. Trong một số trường hợp, các em bị đẩy vào tình trạng cực đoan, có những hành động thiếu suy nghĩ rất đáng tiếc, mang lại nỗi buồn lo, thậm chí là nỗi đau cho bố mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè và toàn xã hội.
Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong phát biểu tại chương trình. Ảnh: Đình Tuyên |
Chính vì thế, mục đích của diễn đàn là tạo cơ hội cho các em được đối thoại, giải bày, trình bày các vấn đề gặp phải và quan điểm của mình với các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, những người nổi tiếng có ảnh hưởng trong xã hội, với các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và được nghe từ họ những kiến giải, những lời khuyên bổ ích giúp các em vượt qua khó khăn.
Từ sự tham gia tích cực, chủ động của các chủ thể, đặc biệt là các em học sinh là cơ hội để các bên liên quan cùng nhận diện, mổ xẻ vấn đề, đưa ra những kiến giải, những giải pháp để góp phần phòng, chống bạo lực học đường.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết trao 1.000 ấn phẩm sách thiếu nhi cho học sinh Nghệ An. Ảnh: Đình Tuyên |
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: Chỉ tính riêng trong năm học 2021 - 2022 cả nước có 386 vụ bạo lực học đường với 1.161 đối tượng liên quan, trong đó số học sinh liên quan là 935 em.
Thời gian qua, ngành Giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục đã và đang nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhưng thực tế vẫn đang còn một số nơi chưa quan tâm đúng mức trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong đó, có thể kể đến tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo vẫn còn xảy ra, ứng xử văn hóa người học chưa đúng mức, đạo đức của một số bộ phận học sinh còn hạn chế, công tác giáo dục kỹ năng sống ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đạt yêu cầu, xuất hiện tình trạng bạo lực, gây gổ trên không gian mạng dẫn đến bạo lực ở ngoài đời thực.
Ban tổ chức chương trình tặng hoa cho các nhà tài trợ. Ảnh: Đình Tuyên |
Trang bị các kỹ năng để ứng xử với bạo lực học đường
Diễn đàn "Điều em muốn nói" có sự tham gia của nhiều nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia tâm lý, nghệ sĩ và sự góp mặt của gần 2.000 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Vinh.
Trong diễn đàn này, các khách mời cũng đã chia sẻ nhiều câu chuyện về bạo lực học đường từ chính thực tế của bản thân.
GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại chương trình. Ảnh: Đình Tuyên |
Hoa hậu Việt Nam 2022 Huỳnh Thị Thanh Thủy tham gia chương trình cũng đã kể lại hành trình từ một học sinh bị cô lập đến khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam. Trước đó, Thanh Thủy là một học sinh năng động, có những năng khiếu nhất định. Tuy nhiên, từ những năm học THCS, hoa hậu Thanh Thủy cũng đã từng gặp một tình huống đáng tiếc khi biểu diễn ở nhà trường và sau đó nhận được những lời châm chọc của bạn bè.
Thanh Thủy cho biết: "Điều đó vô tình đẩy bản thân vào tình trạng bị bạo lực học đường, bị tách biệt, khép kín và không dám thể hiện bản thân, không có sự bứt phá trong học tập”. Sau này, đứng trên sân khấu của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, nghĩ lại những ký ức của những năm THCS, chị vẫn thấy nhói lòng và bị ám ảnh. Từ thực tế trên, hoa hậu Thanh Thủy cũng mong các bạn học sinh cần biết tạo động lực nhất định, nhà trường cần quan tâm đến các học sinh để có sự phát triển tốt hơn.
Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy chia sẻ về câu chuyện của bản thân tại chương trình. Ảnh: Đình Tuyên |
Qua các ý kiến tại diễn đàn cũng cho thấy, vấn đề bạo lực học đường có thể xảy ra bất cứ lúc nào với nhiều nguyên nhân rất nhỏ như do mâu thuẫn lời nói, ứng xử không kiểm soát bản thân. Chia sẻ về suy nghĩ của lứa tuổi học trò, một số học sinh đến từ Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cũng thừa nhận trong những năm học THCS vì chưa hiểu biết nên đã từng lập nhóm, cô lập các bạn.
Học sinh Trần Ngô Phương Anh - Trường THCS Lê Lợi cũng đặt câu hỏi bày tỏ sự lo lắng cần phải xử lý như thế nào nếu rơi vào trường hợp bị cô lập bởi các bạn trong lớp như không được tham gia vào nhóm chat chung trong lớp.
Học sinh thành phố Vinh tham gia đặt câu hỏi tại chương trình. Ảnh: Đình Tuyên |
Trả lời câu hỏi cho các học sinh, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cũng đã đề xuất các giải pháp cho các học sinh nếu gặp tình huống tương tự, trong đó có thể gọi đến số 111 - tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em để được tư vấn, hỗ trợ. Về lâu dài học sinh tự trang bị kỹ năng để giải quyết các vấn đề trong đời thực cũng như trên không gian mạng.
Ông Đặng Hoa Nam cũng nhìn nhận: Bạo lực học đường không mới nhưng không bao giờ cũ. Nó ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý, đạo đức của học sinh, giáo viên cũng như đạo đức xã hội. Vì vậy, trách nhiệm phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực học đường không chỉ của riêng ngành Giáo dục và cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, tăng cường công tác tham vấn học đường và cần giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội.
Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành đánh giá cao ý nghĩa của chương trình. Ý kiến của các chuyên gia và những trao đổi, chia sẻ của các em học sinh tại Diễn đàn "Điều em muốn nói" lần này đã giúp ngành Giáo dục có thêm giải pháp tích cực, đồng bộ để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường.
Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng chia sẻ về những tâm lý của lứa tuổi học trò và ở giai đoạn này các em luôn muốn khẳng định bản thân, khẳng định cái tôi đối với bạn bè, bố mẹ và thậm chí cả với thầy cô. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng mong muốn các học sinh không khẳng định vị trí ở sức mạnh thể chất mà cần hình thành ý thức giúp đỡ, tương trợ để cùng chung sống với những người xung quanh, xuất phát từ tình thương, lòng vị tha của mỗi con người: Cuộc sống sẽ thực sự ý nghĩa nếu các em không chỉ biết sống cho mình mà còn biết giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người bất hạnh, yếu thế. Người mạnh thực sự không chỉ nằm ở yếu tố tự thân mà còn ở cách hành xử với những người xung quanh.
Diễn viên Quang Anh và Bảo Hân chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Đình Tuyên |
Dịp này, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã trao 1.000 ấn phẩm sách thiếu nhi của Ban Bí thư Trung ương Đoàn; Trưởng ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng đội Trung ương tặng phần quà của Nhà Xuất bản Kim Đồng cho 7 trường trung học cơ sở có học sinh tham dự diễn đàn. Đại diện Tập đoàn Hành trình Kim Cương trao tặng phần quà cho học sinh, các thầy cô giáo tỉnh Nghệ An; Công ty cổ phần Tiền Phong trao tặng 20 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập ở trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng./.