Hơn 500 học sinh Nghệ An bỏ học để lấy chồng, đi biển
(Baonghean) - Sau học kỳ I năm học 2015 - 2016, tình trạng học sinh bỏ học không những tái diễn mà còn có xu hướng gia tăng ở học sinh khối THPT và nhiều địa bàn trong toàn tỉnh.
Bỏ học từ miền ngược xuống miền xuôi
Trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tình trạng học sinh bỏ học lập gia đình diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là nữ sinh dân tộc Mông. Số lượng học sinh bỏ học tăng sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Riêng năm nay, trong số những học sinh bỏ học, không ít em là học sinh khá của trường.
Mới đây, em Già Y Xì, một học sinh ngoan, học lực khá của lớp 12A không đến lớp. Ông Già Nỏ Chống, bố của Y Xì cho biết: “ Xì nó lấy chồng rồi. Nhưng nhà chồng nó ở Sơn La nên chồng nó không muốn cho nó đi học”.
Trường hợp em Lỳ Y Hương, lớp 11V lại khác, Y Hương lấy chồng gần nhà, bố mẹ chồng cũng không ngăn cấm em tiếp tục đến trường. Nhưng vì mặc cảm, ngại bạn bè trong lớp nên mới đây, em cũng đã nghỉ học giữa chừng.
Theo số liệu của Ban giám hiệu Trường THPT Kỳ Sơn, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, trường có 10 học sinh bỏ học, tính cả học kỳ I là 50 em. Nguyên nhân được các thầy cô phân tích là do kinh tế gia đình khó khăn, phụ huynh không quan tâm đến việc học của con em, nhiều em bỏ học đi làm ăn xa, một số trường hợp di cư trái phép sang Lào cùng gia đình. Đáng nói là dù đã tuyên truyền nhiều nhưng tình trạng tảo hôn ở học sinh nữ vẫn còn xảy ra, đặc biệt là ở các xã thuộc vùng cao như: Keng Đu, Đoọc Mạy, Huồi Tụ, Na Ngoi, Mường Lống, Tây Sơn, và xã Huồi Tụ.
Nếu như trước đây, học sinh bỏ học chỉ tập trung ở các huyện vùng sâu, vùng xa thì nay xu hướng gia tăng ở vùng biển, khu vực đồng bằng và thành thị. Trường THPT Nam Đàn 2 (Nam Đàn), năm học này có 3 em xin bảo lưu kết quả học tập.
Theo thầy giáo Lê Văn Quyền - Phó Hiệu trưởng nhà trường thì “việc vận động các em đến trường lại gặp rất khó khăn”. Nguyên nhân chính của việc học sinh bỏ học, một số là vì hoàn cảnh khó khăn; một số trường hợp là vì ham chơi, học tập không hiệu quả nên các em không còn hào hứng đi học.
Nhiều bàn học vắng bóng học trò ở Trường THPT Quỳnh Lưu 3. |
Trường THPT Quỳnh Lưu 3 (nằm trên địa bàn xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu), trung bình mỗi năm có khoảng 30 em bỏ học và cao điểm nhất là năm học 2014 - 2015 với 50 em bỏ học.
Theo thầy Nguyễn Đình Phượng - Hiệu trưởng nhà trường, 2/3 học sinh của trường là con em vùng biển, đa phần bố mẹ các em không muốn con học nhiều. Ngược lại, họ khuyến khích con đi biển hoặc đi làm sớm vì nhanh có thu nhập. Do đó, rất ít em nghĩ đến việc học nghề để có công việc ổn định mà chấp nhận một công việc tạm bợ, bấp bênh hoặc vào Nam làm công nhân lao động. Lý do của các em rất đơn giản bởi “học lên đại học cũng khó xin được việc làm”.
Hơn 500 em bỏ học
Số học sinh bỏ học trong năm học 2015 - 2016 ở khối THPT tăng lên đáng kể so với năm ngoái. Chỉ riêng học kỳ I đã có trên 500 em bỏ học (cả năm học 2014 - 2015 là 688 em). Trong khi đó, sau Tết Nguyên đán mới là thời điểm học sinh bỏ học nhiều nhất. Một số trường tỷ lệ học sinh bỏ học gia tăng như THPT Con Cuông 29 em, THPT Quế Phong 15 em. Ở các huyện đồng bằng, số học sinh bỏ học nhiều tập trung vào các trường dân lập.
Cụ thể, ở thành phố Vinh là THPT Nguyễn Trường Tộ - 22 em; THPT VTC và THPT Nguyễn Huệ - 24 em. Ở huyện Quỳnh Lưu, THPT Cù Chính Lan có 16 em, THPT Nguyễn Đức Mậu 16 em, THPT Bắc Quỳnh Lưu 14 em, Ở huyện Diễn Châu, tổng số học sinh bỏ học ở 2 trường THPT Ngô Trí Hòa và Nguyễn Du là 30 em...
Mỹ Hà - Lữ Phú
TIN LIÊN QUAN