Hơn nửa tỷ đồng vốn chính sách bay theo các công ty lừa: Bài 1 - Càng vay vốn càng nghèo
Thời gian gần đây, Báo Nghệ An nhận được nhiều đơn của bà con dân tộc thiểu số vùng cao Quế Phong (Nghệ An) gửi đến khiếu nại về việc một số công ty xuất khẩu lao động ngoại tỉnh đến dụ dỗ bà con điểm chỉ vào để được vay vốn xuất khẩu lao động. Hàng chục người đã nghe theo và giờ đây họ ôm món nợ khổng lồ với ngân hàng, còn người thì không "xuất khẩu" được.
Thời gian gần đây, Báo Nghệ An nhận được nhiều đơn của bà con dân tộc thiểu số vùng cao Quế Phong (Nghệ An) gửi đến khiếu nại về việc một số công ty xuất khẩu lao động ngoại tỉnh đến dụ dỗ bà con điểm chỉ vào để được vay vốn xuất khẩu lao động. Hàng chục người đã nghe theo và giờ đây họ ôm món nợ khổng lồ với ngân hàng, còn người thì không "xuất khẩu" được.
Sau một ngày xuất phát từ TP.Vinh đến lúc trời nhá nhem tối, chúng tôi mới tới được bản Na Hốc xã Nậm Nhóong huyện Quế Phong (Nghệ An). Mùa mưa đường vào bản lầy lội và nguy hiểm với những cung đường cua ngoằn nghèo, cheo leo bên miệng vực. "Đánh vật" với bùn đất, mãi chúng tôi mới tới được nhà ông Hà Văn Xuyết - một nạn nhân của việc vay tiền đi xuất khẩu lao động không thành. Ngôi nhà sàn của gia đình ông Xuyết nằm chênh vênh trên đỉnh núi heo hút. Vợ chồng ông mới từ rẫy về nhà. Trong ngôi nhà trống hoác, cô con gái út ngồi thu lu góc bếp chờ bố mẹ về.
Ông Xuyết buồn bã: "Cuộc sống gia đình quá khó khăn, nhà ba đứa con không đứa nào được đi học tử tế, phải nghỉ học giữa chừng để đi làm thuê. Năm ngoái, thấy một người đàn bà đến giới thiệu tên là Trần Thị Thu Hoài - Giám đốc Chi nhánh Hà Tĩnh của công ty xuất khẩu lao động Thanh Hóa cùng với cán bộ đoàn xã đến nhà vận động gia đình cho con trai là Hà Văn Tám làm thủ tục, hợp đồng đi xuất khẩu lao động ở Malaixia. Họ nói thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng, gia đình không phải làm gì, chỉ ký vào hợp đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội Quế Phong sẽ cho vay 25 triệu đồng đi xuất khẩu lao động. Nghĩ là chẳng phải làm gì lại được đi nước ngoài, tôi liền ký vào hợp đồng họ mang đến. Đó là ngày 9/4/2010, sau khi ký hợp đồng, anh Hà Văn Tám xuống "bản" Vinh học tiếng gần 2 tháng, chi phí hết hơn 3 triệu đồng.
Học tiếng xong, Tám được công ty hẹn lúc nào đi sẽ thông báo. Chờ đợi mãi không thấy gì, Tám đánh đường vượt hàng trăm cây số xuống Vinh đề nghị công ty không đi nữa và "xin " lại số tiền 25 triệu đồng đã vay. Tuy nhiên, Tám được công ty thông báo là "muốn lấy lại 25 triệu đồng phải nộp thêm 7.750.00 đồng. (Số tiền này họ giải thích là chi hộ cho Tám để khám sức khỏe, làm vi sa, vé máy bay...). Nghĩ là 25 triệu đồng to hơn, Tám bèn về nhà, bàn với cả nhà bán con trâu mộng và đem xuống nộp cho chị Hoài. Lại cả tin, Tám không lấy giấy biên nhận. Nhận tiền xong, công ty hẹn ngày 26/8/2010 sẽ trả lại số tiền 25 triệu đồng. Nhưng nhiều tháng qua, vẫn không thấy họ trả lại. Xót của, ông Xuyết lại vay mượn tiền xóm làng xuống Vinh tìm công ty đòi tiền. Nhưng công ty đã chuyển địa điểm, gọi cho chị Hoài, nhưng, gọi mãi không ai nghe máy.
Tín chấp vay vốn bằng dấu vân tay của gia đình ông Hà Văn Xuyết bản Na Hốc.-Ảnh: T.L
Ông Xuyết cũng cho biết: Ngoài 25 triệu đồng vay ngân hàng đi xuất khẩu lao động và mất toi con trâu mộng cho "bọn lừa đảo", gia đình ông còn vay hàng chục triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách để xóa đói giảm nghèo nay vẫn chưa trả được.
Không riêng gì ông Xuyết, ở xã Nậm Nhóong - Quế Phong, nhiều gia đình chung cảnh ngộ: bà Vi thị Chai vay tiền cho con Vi Văn Linh; anh Lìm Văn Tình vay cho em trai là Lìm Văn Quang, bà Moong Thị Dung vay tiền cho con trai là Ốc Văn Lương để đi xuất khẩu lao động. Nhưng rồi họ thành con nợ mà người thì vẫn ở lại lưng núi.
Chúng tôi lại vượt rừng đến xã Cắm Muộn. Đường lầy lội bởi nạn khai thác vàng và lở núi. Ở Cắm Muộn, nhiều gia đình vay tiền đi xuất khẩu lao động từ 2009, 2010 đến nay vẫn không thấy công ty đưa đi. Chị Lang Thị Hiệu - bản Mồng 2- Cắm Muộn không biết đọc, biết viết, phải nhờ chị Lý Thị Hồng- tổ trưởng tổ vay vốn "phiên dịch" mới hiểu được câu hỏi của phóng viên.
Chị Hiệu cho biết: Năm ngoái, có hai người, đều ở Quế Phong, họ đến ba lần, nói công ty Khách sạn du lịch Thái Bình có chương trình đưa người đi xuất khẩu lao động, gia đình có nhu cầu thì ký vào giấy tờ, họ sẽ lo hết, gia đình sẽ được vay vốn của Ngân hàng chính sách 25 triệu đồng. Chị Hiệu điểm chỉ vào và công ty đưa sang cho chị Lý Thị Hồng, nhờ chị Hồng ký vào bởi theo qui định, phải có chữ ký của tổ trưởng tổ vay vốn.
Chị Hồng ngạc nhiên khi thấy một số hộ như Lang Thị Hiệu, Vi Văn Sâm có tên trong hợp đồng vay vốn đi xuất khẩu lao động bèn gọi các gia đình lên hỏi có đúng là họ điểm chỉ không. Các gia đình này nói "đúng". Thế là chị Lý Thị Hồng- người phụ nữ biết chữ hiếm hoi ở bản này ký vào. Chị Hồng đáng lẽ ra phải đưa hồ sơ ra xã đóng dấu, rồi nộp cho Ngân hàng Chính sách nhưng vì đường xa và nguy hiểm, công ty nói họ đi làm cho. Thế là công ty đưa đi đóng dấu, nộp cho ngân hàng. Ngân hàng Chính sách huyện Quế Phong chuyển tiền sang tài khoản cho công ty vì hồ sơ thủ tục đầy đủ!
Những nạn nhân vay vốn XKLĐ không đi được ở Cắm Muộn - Quế Phong.-Ảnh: C.L
Đến nay, bản Mồng 3- Cắm Muộn có nhiều người làm thủ tục đi xuất khẩu lao động như thế và 3 người không đi được. Hàng tháng cán bộ ngân hàng vẫn thúc dục họ trả nợ lãi vay. Ông Vi Văn Sâm (vay tiền đi theo công ty Việt Hà - chi nhánh Hà Nội), thấy con không đi được, bèn cho con đi miền Nam làm thuê, cháu vừa gửi tiền về tháng lương đầu tiên được 1 triệu đồng, ông Sâm đã phải nộp lãi cho ngân hàng 446.000 đồng. Ở bản này, gần như cả bản là con nợ của ngân hàng, mỗi nhà nợ từ 20-50 triệu đồng. Chị Lang Thị Hiệu trước đó vay 15 triệu đồng vốn xóa đói giảm nghèo, mua hai con trâu, nay cả hai con đều đã chết rét, đang nợ chưa trả được thì nay lại nợ thêm 25 triệu đồng vì " trò chơi" điểm chỉ tay của các công ty " ma".
Ở Cắm Muộn, có một số lao động đã đi nhưng không như viễn cảnh trong hợp đồng, vừa không có việc làm, mình bị đánh đập, bỏ đói phải bỏ về. Chị Lang Thị Hòe kể: Tháng 9/2009, anh Nguyễn Đức Kiên (nhà ngoài thị trấn) làm cho công ty Việt Hà - Hà Tĩnh và anh Lữ Văn Cường - nói là cán bộ huyện vào tuyển lao động đi nước ngoài. Anh Kiên nói khi đi sang bên kia, mọi thứ công ty lo hết, lương cao, chưa kể làm tăng ca. Gia đình không có tiền, anh Kiên nói sẽ lo vay vốn ngân hàng cho. Sang bên kia, phải lao động từ 7h sáng đến 11h đêm mà không được trả lương. Tôi còn bị đánh đập, chửi bới, làm nhục rồi bắt chuyển công ty. Nếu tôi không chuyển, họ dọa gọi điện cho cảnh sát bắt. Tôi sợ quá làm theo lời môi giới, bị chuyển ra đảo Pi Năng làm việc 8 tháng. Ở đây tôi được trả lương đầy đủ. Nhưng rồi môi giới lại chuyển tôi đi, tôi không đi, họ bắt tôi về văn phòng, không cho ăn cơm. Sau đó một người phụ nữ đến đưa tôi đi vào rừng sâu, trốn ở đó một thời gian rồi mua vé đưa tôi về nước. Nay tôi về, phải trả nợ cho ngân hàng, tôi ra gặp anh Kiên đòi lại tiền, anh Kiên nói ra Hà Nội mà đòi..."
Không chỉ Cắm Muộn, các xã Tri Lễ, Nậm Giải, Quang Phong, Thông Thụ, Châu Thôn... đều có nạn nhân của việc được các công ty làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách đi xuất khẩu lao động nhưng không đi được. Tính cả hai năm 2009, 2010, tổng hợp từ Ngân hàng Chính sách huyện Quế Phong và Công an huyện Quế Phong có hơn 40 người vay vốn không đi xuất khẩu được và đi nhưng không có việc, phải bỏ về. Quang Phong 5 người, Châu Thôn 3 người, Nậm Nhóong 4 người, Nậm Giải 4 người, Tri Lễ 5 người; hầu hết tập trung tại các xã vùng biên xa xôi, hẻo lánh, trình độ dân trí thấp, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn... Rất nhiều người trong số đó không biết đọc, biết viết, nhiều người vay hộ tiền cho họ hàng, anh em và chủ yếu là chị em phụ nữ dân tộc thiểu số...
(còn nữa)
Châu Lan - Thanh Lê