Xã hội

Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tạo cầu nối thúc đẩy tình đoàn kết Việt - Lào - Bài 1

Nhóm phóng viên 10/07/2024 11:02

Nghệ An có đường biên giới dài 468,281km, tiếp giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay (nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào). Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận, đào tạo hàng nghìn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các tỉnh của Lào. Lực lượng này đã và đang là “cầu nối” gắn kết, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Nghệ An và các tỉnh của Lào nói riêng, hai nước Việt - Lào nói chung.

cover chinh

Nghệ An có đường biên giới dài 468,281 km, tiếp giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào). Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận, đào tạo hàng nghìn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các tỉnh của Lào. Lực lượng này đã và đang là “cầu nối” gắn kết, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Nghệ An và các tỉnh của Lào nói riêng, hai nước Việt - Lào nói chung.

tit bai_

Từ đất nước Lào anh em, những lưu học sinh Lào sang du học tại Nghệ An mang theo bao hoài bão, khát vọng; họ được học tập, nâng đỡ, đùm bọc, yêu thương và mảnh đất này đã trở thành mái nhà thứ hai nuôi dưỡng họ trên hành trình trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp trở về nước, nhiều lưu học sinh Lào đã vận dụng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của mình, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong nhiều ngành nghề đạt hiệu quả cao.

Biết ơn quê hương thứ hai

4 năm sau khi bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục tại Trường Đại học Vinh, anh Sivone Ruevaibounthavy - hiện đang công tác tại Văn phòng Quốc hội của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào vẫn để nguyên tấm ảnh đại diện ghi lại chân dung với tấm bằng công nhận học vị tiến sĩ trên trang cá nhân của mình: "Tôi chụp tấm ảnh này ngay sau khi đã hoàn thành chương trình học gần 13 năm tại Trường Đại học Vinh. Tôi cũng cố tình chọn mặc bộ trang phục của đồng bào người Khơ Mú để ghi nhớ kỷ niệm với mảnh đất xứ Nghệ. Với tôi, đây thực sự là một kỷ niệm đáng nhớ, là niềm tự hào, vinh dự".

Anh Sivone trong vai trò của một phiên dịch viên Tiếng Lào
Anh Sivone trong vai trò của một phiên dịch viên tiếng Lào.

Cho đến thời điểm này, Sivone Ruevaibounthavy là du học sinh người Lào duy nhất bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Vinh. 16 năm trước, chàng trai sinh năm 1989 Sivone Ruevaibounthavy lớn lên tại một huyện miền núi của tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), đã quyết định đến Nghệ An để đăng ký học đại học. Dù đây là lần đầu tiên xa nhà nhưng lựa chọn của anh khi đó nhận được sự ủng hộ của bố mẹ và 6 anh, chị em khác, bởi lý do đơn giản “Nghệ An là quê ngoại của mẹ tôi, bà là một phụ nữ người Khơ Mú sinh ra ở huyện Kỳ Sơn, sang Lào và lấy bố tôi...”.

Hoàn cảnh của Sivone thời điểm sang Việt Nam du học gặp rất nhiều khó khăn. Hai năm đầu tiên sang Việt Nam học, Sivone theo học theo diện tự túc. Thương con và biết được khát khao của con, bố của Sivone bán đi một mảnh ruộng để trang trải tiền ăn và tiền học phí cho con. “Học hết lớp 12, tôi thi tốt nghiệp đứng thứ 3 của một trường THPT thuộc tỉnh Xiêng Khoảng và đã trúng tuyển vào một số trường đại học, cao đẳng ở Lào. Nhưng vì mẹ tôi là người Nghệ An, ngày còn nhỏ tôi đã từng về thăm quê của mẹ, nên rất muốn được trở lại đây để tiếp tục học đại học”, anh Sivone kể lại.

Sivone cũng kể rằng, dù mẹ là người Nghệ nhưng bà vốn sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi cao nên vốn tiếng Việt phổ thông của bà rất ít ỏi. Đó cũng là lý do vì sao Sivone có 50% dòng máu Việt nhưng anh cũng chỉ học được từ mẹ một số từ đơn giản như “ăn cơm, uống nước, đi đâu” và hoàn toàn không biết viết. Để có thể tham gia học đại học, năm đầu tiên sang Nghệ An, Sivone học đăng ký học tiếng Việt tại Trường Đại học Vinh. Sau đó, anh nhập học vào ngành Sư phạm Toán - một ngành mà ít sinh viên nước ngoài theo học: "Tôi gặp khó khăn trong năm đầu tiên vì tiếng Việt chưa thạo, chương trình học khó vì Toán là môn học khá đặc thù. Chương trình phổ thông ở Lào và Việt Nam có khá nhiều khác biệt, nên so với các bạn năng lực của tôi kém hơn. Tuy nhiên, cũng chính những trở ngại này buộc mình phải nỗ lực, cố gắng", Sivone nói.

Một điều may mắn cho Sivone, đó là từ năm thứ 2 đại học, anh nhận được hỗ trợ 50% học bổng từ Tỉnh đoàn Nghệ An. Tốt nghiệp Sư phạm Toán, anh tiếp tục được nhận học bổng của tỉnh Nghệ An để học lên thạc sĩ và sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục. Hành trình gần 10 năm ở Nghệ An, Sivone đã thực sự xem đây là quê hương thứ hai, trở thành một người Nghệ thứ thiệt biết nói “chi, mô, răng, rứa”, biết mọi món ăn, nhớ tên từng con đường, quen thêm nhiều người bạn mới, có thêm bố mẹ nuôi. 10 năm, Sivone cũng trở thành một sinh viên đặc biệt ở Trường Đại học Vinh, tham gia mọi hoạt động của trường, được thầy cô, bạn bè yêu quý.

Đặc biệt, trong quá trình học thạc sĩ, tiến sĩ và giữ vai trò Chủ tịch Hội Sinh viên Lào của trường, Sivone có nhiều cơ hội để được phát huy năng lực như tham gia dạy tiếng Lào cho các ban, ngành của tỉnh Nghệ An, làm phiên dịch cho các đoàn công tác của Lào khi sang Việt Nam làm việc. Sivone cho biết: "Ước mơ ban đầu của tôi là làm một thầy giáo dạy Toán ở đất nước mình. Nhưng sau này tôi có thêm nhiều cơ hội học tập để phát triển bản thân hơn và tôi nghĩ đó thực sự là điều may mắn. Chính những năm tháng trải nghiệm ở Trường Đại học Vinh, ở Nghệ An, đã cho tôi kiến thức, kinh nghiệm và nhiều điều quý giá, làm nền tảng để tôi phát triển sau này".

Anh Sivone ( bên phải) trong buổi làm việc giữa 2 nước Việt Nam và Lào
Anh Sivone ( bên phải) trong buổi làm việc giữa 2 nước Việt Nam và Lào

Với tấm bằng tiến sĩ , Sivone có nhiều thuận lợi khi trở lại đất nước Lào, được tuyển dụng vào làm việc tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia và giữ vai trò trợ lý cho Chủ tịch Viện. Một thời gian ngắn sau, anh lại tiếp tục được đi cùng người đứng đầu viện này chuyển công tác sang Văn phòng Quốc hội và tiếp tục là thư ký, trợ lý cho Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào. Trên cương vị mới này, anh nhiều lần được cùng với đoàn công tác của Quốc hội Lào sang làm việc với Quốc hội Việt Nam, làm việc với tỉnh Nghệ An. Những chuyến trở lại xứ Nghệ này, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, anh luôn được tin tưởng giao thêm nhiệm vụ phiên dịch viên cho đoàn. Sivone chia sẻ: "Mỗi lần được trở lại Nghệ An, tôi như được về với quê hương thứ hai của mình. Nếu như không có Trường Đại học Vinh, nếu không có những người xứ Nghệ yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ có lẽ sẽ không có tôi của ngày hôm nay".

Sau này, 4 người em của Sivone cũng nối tiếp con đường học tập của anh. Họ sau khi đã hoàn thành chương trình học tại Trường Đại học Vinh, Đại học Công nghiệp Vinh, Cao đẳng Thái Nguyên, Cao đẳng Y Hà Tĩnh nay trở về đất nước Lào hiện đã có việc làm, ổn định cuộc sống...

"Nghệ An trong tôi thật kỳ diệu"

“Nghệ An trong tôi” là chủ đề được Phonethong Phaomany – cựu sinh viên Khoa Công nghệ thông tin – Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh lựa chọn khi tham gia Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt” toàn quốc, dành cho lưu học sinh Lào tổ chức tại thành phố Thái Nguyên 5 năm về trước.

Lúc đó, Phonethong đã có gần 4 năm học tại Nghệ An và đã có thể nói tiếng Việt sành sỏi như một người Việt. Trước khi đến với cuộc thi chung kết, anh từng đạt giải Nhì cuộc thi hùng biện tại Nghệ An và giải Nhất khu vực miền Trung. Đến vòng chung kết, bài hùng biện kéo dài 8 phút của anh chinh phục ban giám khảo bởi được trình bày mạch lạc, rõ ràng, có ngữ điệu.

Phonethong trong ngày nhận bằng tốt nghiệp tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh
Phonethong trong ngày nhận bằng tốt nghiệp tại Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh.

Trong bài thi của mình, Phonethong đã giới thiệu đầy đủ về mảnh đất Nghệ An, một mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, cái nôi văn hóa và những con người kiệt xuất. Tuy nhiên, điều ấn tượng hơn cả có lẽ là những tình cảm chân thật và những hình ảnh slide sinh động ghi lại câu chuyện của chính anh, với những người Nghệ An mà anh đã được may mắn gặp trong những năm học đại học.

“Trước khi sang Nghệ An, tôi chỉ nghĩ đây là nơi giúp tôi học tập, rèn luyện kỹ năng để về phát triển đất nước. Nhưng một thời gian học tập, mảnh đất nơi đây đã trở thành cảm xúc sâu đậm trong tôi. Nghệ An trong tôi là những con người chân chất, mộc mạc và ấm áp tình người. Là các thầy, cô giáo tận tình bên trang sách giảng dạy từng trang chữ. Là các bạn sinh viên Việt đồng hành hỗ trợ sinh viên Lào trong học tập. Là các bác ở Hội Hữu nghị Việt - Lào. Là gia đình bố mẹ nuôi luôn dạy cho chúng con nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Thật ấm áp khi gió Đông về bố mẹ nuôi nhắn con mặc thêm áo cho đỡ lạnh. Khi con bước chân đi, bố mẹ người Việt nhắn hãy làm bài tốt con nhé. Thật kỳ diệu khi những con người xa lạ của hai dân tộc đã xích lại gần nhau, yêu thương gắn bó và tôi có thêm mái nhà thứ hai trên mảnh đất Nghệ An yêu dấu”.

Tốt nghiệp và đã trở lại Lào để công tác hơn 3 năm, nhưng những hình ảnh về cuộc thi ấy vẫn được Phonethong lưu lại một cách trân trọng trên trang cá nhân của mình. Bài hùng biện được trao giải Nhất trong cuộc thi chung kết năm đó đã trở thành một kỷ niệm đẹp, một dấu ấn không thể nào quên trong những năm tháng thanh xuân đẹp đẽ mà Phonethong nhận được khi học tập tại Việt Nam. Thầy cô của anh ở Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh cũng không quên cậu học trò chăm chỉ, chịu khó và đa tài này. Ngày Tết, ngày lễ và những sự kiện trọng đại của anh như ngày anh lập gia đình, sinh con... thầy cô đều gửi lời chúc mừng. Trang cá nhân của Phonethong, việc sử dụng tiếng Việt và tiếng Lào cũng được sử dụng song song với nhau. “Tôi đã có bước khởi đầu rất thuận lợi sau 4 năm học tại Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh. Đây cũng là tiền đề cho tôi khi về Lào công tác và như một cơ duyên tôi lại được làm việc với người Việt”- Phonethong bày tỏ.

Chia sẻ về cuộc sống của mình sau khi tốt nghiệp ở Nghệ An về, Phonethong cho biết, với tấm bằng loại Khá ngành Công nghệ thông tin, là ngành “hót” và đang thiếu nhân lực tại Lào, anh được ưu tiên trong quá trình tuyển dụng, vì được tính tương đương với bằng Giỏi ở đất nước mình. Hai năm đầu tiên mới ra trường, anh làm việc tại Ngân hàng Việt Lào (LaoVietbank) – một ngân hàng có uy tín trong việc cung cấp các giải pháp ngân hàng, tài chính cho các chủ thể có quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Tại đây, với nền tảng kiến thức khá vững chắc cộng với việc thông thạo tiếng Việt, Phonethong khá thuận lợi trong quá trình công tác, nhất là trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Lào. Gần đây, anh lại chuyển sang làm việc tại Công ty Viễn thông Viettel tại Lào – một công ty do người Việt Nam sáng lập, và anh tiếp tục phát huy được thế mạnh của mình.

Dù chỉ mới ra trường và công tác chưa lâu, nhưng với cơ hội được làm việc với nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại Lào, Phonethong đã thực hiện được ước mơ của mình là lập gia đình, sinh con, mua nhà và đón bố mẹ từ tỉnh Hủa Phăn lên Thủ đô Viêng Chăn sinh sống. Anh chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Vì thế, khi tốt nghiệp lớp 12 đạt điểm cao và là 1 trong 3 học sinh được tỉnh chọn sang du học tại Việt Nam theo diện học bổng, tôi đã xem đây là cơ hội để phát triển tương lai. Quãng thời gian học đại học không chỉ cho tôi kiến thức mà còn cho tôi hiểu thêm về văn hóa, cuộc sống, con người Việt Nam. Đó là những kinh nghiệm sống quý giá mà hiện nay tôi vẫn đang tiếp tục được sử dụng trong chính công việc của mình".

Các sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh tham gia cuộc thi hùng biện Tiếng Việt-1
Các sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh tham gia cuộc thi hùng biện Tiếng Việt-1

Sivone Ruevaibounthavy và Phonethong Phaomany là 2 ví dụ điển hình trong rất nhiều thế hệ sinh viên và nghiên cứu sinh được đào tạo tại Nghệ An, khi trở về nước đã phát huy được năng lực, góp sức xây dựng quê hương. Thực tế, nhiều lưu học sinh Lào sau khi tốt nghiệp về nước đã nắm giữ những trọng trách trong các cơ quan Nhà nước, các cơ sở giáo dục, y tế và các doanh nghiệp ở Lào, trở thành lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước Triệu Voi.

Đội ngũ đó còn là “sứ giả”, “cầu nối” hữu nghị góp phần vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hợp tác toàn diện Nghệ An và các tỉnh của Lào nói riêng, hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào nói chung. Hơn thế, một trong những lý do mà lưu học sinh Lào gắn bó, thủy chung với mảnh đất xứ Nghệ, còn bởi nhiều người trong số họ vẫn mang nợ ân tình với các ông bố, bà mẹ nuôi người Nghệ An đã cho họ mái ấm thứ hai trong những ngày học tập, sinh sống xa quê hương.

Mới nhất
x
x
Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tạo cầu nối thúc đẩy tình đoàn kết Việt - Lào - Bài 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO