Xã hội

Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tạo cầu nối thúc đẩy tình đoàn kết Việt - Lào - Bài 3

Nhóm P.V 10/07/2024 11:13

Trong nhiều năm qua, có hàng nghìn lưu học sinh, cán bộ của Lào sang Nghệ An để học tập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nước bạn; trong đó, rất nhiều người sang học theo chương trình học bổng.

over chinh
tit bai 3

Trong nhiều năm qua, có hàng nghìn lưu học sinh, cán bộ của Lào sang Nghệ An để học tập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nước bạn; trong đó, rất nhiều người sang học theo chương trình học bổng.

Chủ động tăng cường hợp tác

Trường Đại học Vinh là một trong những đơn vị tiên phong trong công tác đào tạo lưu học sinh Lào kể từ những năm đầu thế kỷ XXI. Nhận thấy triển vọng hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, Trường Đại học Vinh đã sớm chủ động hợp tác với Trường Đại học Quốc gia Lào và các cơ sở giáo dục của Lào để đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ nước bạn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hằng năm, Trường Đại học Vinh đều cử đoàn công tác sang nước bạn để thực hiện công tác quảng bá tuyển sinh cho năm học mới.

 Đoàn công tác khoa Chính trị- báo chí, Trường đại học KHXH và nhân văn, Trường đại học Vinh gặp mặt cựu sinh viên, học viên tại tỉnh Xiêng Khoảng, Lào
Đoàn công tác Khoa Chính trị - Báo chí, Trường đại học KHXH&NV, Trường Đại học Vinh gặp mặt cựu sinh viên, học viên tại tỉnh Xiêng Khoảng (Lào).

Đầu tháng 6 năm 2024, đoàn công tác của Trường Đại học Vinh do Phó Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn đã sang các tỉnh: Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Khăm Muộn… của nước bạn Lào để thực hiện công tác tuyển sinh. Chuyến đi kéo dài hơn 1 tuần, qua nhiều tỉnh, thành xa xôi có nơi cách Nghệ An hàng nghìn cây số, nhưng mỗi thành viên của đoàn công tác đều rất vui đi đến đâu cũng được học trò cũ chào đón, gọi “thầy, cô”, tay bắt mặt mừng cùng ôn lại những kỷ niệm trong những ngày sang Nghệ An du học. Rất nhiều sinh viên, học viên của Trường Đại học Vinh sau khi tốt nghiệp về nước đã có vị trí việc làm ở các cơ quan Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp lớn của nước bạn...

Phonevanh Onnida (SN 1976) - cựu lưu học sinh Khoa Giáo dục Chính trị (nay là khoa Chính trị - Báo chí, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Vinh) hiện là Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Xiêng Khoảng. Phonevanh Onnida bày tỏ, anh rất biết ơn những năm tháng học dưới mái Trường Đại học Vinh, đã giúp anh nền tảng kiến thức vững chắc phục vụ công tác. Lấy bằng cao học Chính trị và quay trở về Lào công tác từ năm 2019, nhưng Phonevanh Onnida vẫn luôn giữ mối liên hệ với thầy cô, bạn bè ở Nghệ An.

“Vừa rồi mình và các lưu học sinh ở tỉnh Xiêng Khoảng được đón và gặp lại thầy, cô giáo ở Khoa Chính trị - Báo chí (Trường Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Vinh) sang công tác, vui mừng và xúc động lắm”, Phonevanh Onnida nói. Anh cũng cho biết, con trai đầu của anh hiện cũng đang học ngành Công nghệ thông tin tại Nghệ An và đối với gia đình anh, Nghệ An như quê hương thứ hai của mình.

Nhiều lứa sinh viên Lào sau này sang học Trường Đại học Vinh và sang các trường đại học khác ở Nghệ An là tiếp bước bố mẹ, anh chị ruột của mình ở khóa trước. Như Southida - Trưởng đoàn lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Vinh, 4 năm trước, Southida nằm trong danh sách 15 học sinh có kết quả học tốt nhất của tỉnh Khăm Muộn đủ điều kiện sang Nghệ An du học theo chương trình học bổng do tỉnh Nghệ An cấp. Lúc bấy giờ, với thành tích học tập xuất sắc, Southida được nhận học bổng để học tại Trường Đại học Quốc gia Lào. Tuy nhiên, vì anh trai học tại Trường Đại học Vinh và nay đang học lên thạc sĩ, nên Southida đã tin tưởng lựa chọn Khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Vinh để du học. 4 năm học ở trường, vượt qua khó khăn, trở ngại về ngôn ngữ, văn hóa, giao tiếp, hiện Southida là một trong những du học sinh Lào tiêu biểu ở Trường Đại học Vinh.

Từ trước những năm 2000, Trường Đại học Vinh đã có mối liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng cán bộ với Trường Đại học Quốc gia Lào và một số cơ sở giáo dục của nước CHDCND Lào. Đến tháng 9/ 2003, Sở Giáo dục tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và Trường Đại học Vinh đã ký kết văn bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ đại học cho nước bạn Lào, trong đó có tỉnh Xiêng Khoảng - tỉnh giáp ranh với Nghệ An. Cùng trong năm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam có công văn về việc đồng ý cho Trường Đại học Vinh đào tạo trình độ đại học cho lưu học sinh Lào, Thái Lan hệ tự túc. Đây được xem là dấu mốc mở ra hướng đào tạo mới cho nhà trường: đào tạo sinh viên quốc tế.

Hơn 20 năm qua, từ 34 sinh viên đầu tiên đến từ tỉnh Viêng Chăn, Xiêng Khoảng và Chăm Pa Xắc, đến nay, số sinh viên Lào được qua đào tạo tại nhà trường đã lên đến hàng nghìn em. Có nhiều thời điểm, Trường Đại học Vinh trở thành một trong những trường có số lượng lưu học sinh Lào theo học đông nhất cả nước.

anh Phonevanh Onnida ( giữa) đến từ tỉnh Xiêng Khoảng, Lào nhận bằng cao học chính trị tại Trường Đại học Vinh
Anh Phonevanh Onnida (giữa) đến từ tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) nhận Bằng cao học chính trị tại Trường Đại học Vinh.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Soa – Trưởng phòng Công tác học sinh,sinh viên, Trường Đại học Vinh chia sẻ: "Trước khi sang Việt Nam học tập, lưu học sinh được nhà trường cử sinh viên tình nguyện Việt Nam cùng sinh viên Lào đang học tập tại trường sang Lào tình nguyện dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Vì vậy, các em không gặp nhiều bỡ ngỡ và tiếp cận tiếng Việt rất nhanh. Trường cũng đã duy trì mô hình “bạn giúp bạn” nhiều năm nay, trung bình cứ mỗi lưu học sinh Lào, có 2-3 sinh viên Việt Nam giúp đỡ. Nhờ thế, phần lớn lưu học sinh đã vượt qua khó khăn ban đầu về ngôn ngữ, văn hóa để tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến của trường".

Thực hiện chương trình hợp tác đào tạo giữa tỉnh Nghệ An và các tỉnh của nước bạn Lào, hiện mỗi năm có hàng trăm lưu học sinh Lào theo diện hợp tác sang học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh, với lợi thế của một ngôi trường đào tạo các khối ngành về kỹ thuật, những năm qua, thu hút nhiều sinh viên Lào đăng ký theo học. Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong đào tạo, nhà trường đã hợp tác với nhiều trường cao đẳng tại Lào để tăng cường liên kết đào tạo, gồm bồi dưỡng giáo viên và đào tạo trao đổi sinh viên. Ngoài ra, trường cũng đào tạo sinh viên theo chính sách học bổng của tỉnh Nghệ An.

Sixiongxay đến từ tỉnh Xiêng Khoảng hiện là sinh viên năm thứ 2 Khoa Điện điện tử, chuyên ngành điện công nghiệp, Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh. Lựa chọn một ngành học khó, Sixiongxay chia sẻ rằng, so với các bạn cùng lớp em phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 mới có thể theo kịp chương trình. Trước đó, cũng như nhiều sinh viên khác được sang học theo diện học bổng, Sixiongxay phải có kết quả học tập tốt và mỗi trường chỉ chọn được từ 2 – 3 học sinh tiêu biểu nhất. Hoàn cảnh khó khăn, khi sang Việt Nam học, Sixiongxay luôn nhận được sự hỗ trợ của nhà trường và ngoài học bổng của tỉnh em còn được nhận học bổng và quà tặng của nhà trường dành cho sinh viên vượt khó, học tốt.

 Lớp học khoa Điện - Điện tử của Lưu học sinh Lào Sixiong ( người đứng) tại Trường ĐHSPKT Vinh
Lớp học Khoa Điện - Điện tử của lưu học sinh Lào Sixiong (người đứng) tại Trường ĐHSPKT Vinh.

Thạc sĩ Phan Xuân Thạch - Trưởng phòng Sinh viên, Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh nói thêm: Hiện có khá nhiều chương trình học bổng dành cho lưu học sinh Lào như học bổng giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục phúc lợi thể thao Lào, học bổng do tỉnh Nghệ An cấp, học bổng của nhà trường và các em cũng có thể theo học tự túc. Khối ngành kỹ thuật cũng là khối ngành chưa có nhiều trường ở Lào đào tạo hệ đại học nên các em có rất nhiều thuận lợi sau khi tốt nghiệp và đa phần các em đều có công việc ổn định.

Mở rộng đối tượng đào tạo

Thực hiện các chủ trương triển khai mở rộng đào tạo đối với học sinh phổ thông; từ năm học 2023-2024, Nghệ An là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức tiếp nhận 31 lưu học sinh Lào của 6 tỉnh nước bạn (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Viêng Chăn, Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt) sang học dự bị tiếng Việt và bổ trợ kiến thức THCS trước khi học Chương trình phổ thông 2018 cấp THPT.

Ngày 14/6/2024, Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 của Nghệ An đã tổ chức lễ bế giảng và trao chứng nhận cho 31 em du học sinh Lào đã hoàn thành lớp đào tạo tiếng Việt cơ sở với sự tham gia của các giảng viên tiếng Việt đến từ Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An. Chỉ hơn 2 tháng nữa, những học sinh này sẽ bắt đầu học chương trình phổ thông theo chương trình giáo dục của Việt Nam. Tại thời điểm này, Trường PT DTNT THPT số 2 Nghệ An cũng là ngôi trường cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước đào tạo lưu học sinh Lào theo học chương trình phổ thông.

Các học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 chào đón các lưu học sinh Lào 2
Các học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 chào đón các lưu học sinh Lào.

Phát biểu tại lễ trao chứng nhận tiếng Việt, thầy giáo Hồ Quốc Việt- Hiệu trưởng Trường Trường PT DTNT THPT số 2 Nghệ An đã nhắc lại hành trình gần 9 tháng được đồng hành cùng với các lưu học sinh Lào. Từ những cậu bé, cô bé mới 15, 16 tuổi, còn nhiều bỡ ngỡ lạ lẫm khi lần đầu xa gia đình, chỉ sau một thời gian ngắn các em đã có sự tiến bộ vượt bậc. “Ngoài việc có thể nói và sử dụng khá tốt tiếng Việt, các em đã có thể tự lập, hòa hợp, gần gũi với các bạn cùng trường, trở thành những thành viên ưu tú của ngôi nhà Nội trú số 2”, thầy giáo Hồ Đức Việt xúc động chia sẻ.

Chủ trương tiếp nhận học sinh Lào sang học phổ thông tại Nghệ An không chỉ mới triển khai từ năm học này mà đã có một quá trình chuẩn bị. Gần 10 năm trước, thầy giáo Lô Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng Trường PT DTNT THPT số 2, là giáo viên đầu tiên được chọn sang Lào để học tiếng, tiếp cận với chương trình phổ thông của Lào và cùng với đoàn công tác của tỉnh tham gia vào quá trình xúc tiến, tuyển sinh. Năm học này, thầy lại là người đầu tiên làm “cầu nối” để hỗ trợ, giúp đỡ các em trong quá trình học tập tại trường.

Kể thêm về nhiệm vụ “đặc biệt” ấy, thầy giáo Lô Thanh Bình chia sẻ: Khi có kế hoạch đưa học sinh phổ thông Lào sang học tại nhà trường, chúng tôi rất lo lắng bởi học sinh vừa tốt nghiệp cấp 2 chuẩn bị lên cấp 3 khác nhiều với các em ở lứa tuổi vào đại học. Vì thế, để đồng hành với các em, chúng tôi phải hiểu tiếng, hiểu phong tục, tập quán và tính cách của từng học trò. Sợ các em tủi thân khi xa nhà, xa quê hương, nhà trường tổ chức cho các em được đón những ngày lễ lớn của đất nước Lào như ngày Quốc khánh Lào, Tết Bunpimay... ngay tại trường một cách vui vẻ, đầm ấm.

9 tháng học tập dưới mái Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 cũng là hành trình đáng nhớ của các du học sinh quyết định chọn du học tại Nghệ An ngay khi chỉ mới hoàn thành chương trình lớp 9. Sulin Phumisun đến từ tỉnh Sa Vẳn Na Khệt ( Lào) bày tỏ niềm vui khi được nhận chứng nhận tiếng Việt 4 bậc và chuẩn bị bước vào chương trình học THPT ở Nghệ An. Trước khi đến Việt Nam, Sulin Phumisun đã có nhiều năm học tại Trường Hữu nghị Lào - Việt, ngôi trường có rất nhiều học sinh Việt kiều và học sinh Lào ở tỉnh Sa Vẳn Na Khệt theo học nên em hòa nhập khá nhanh với môi trường mới. Em cũng bày tỏ lòng biết ơn vì ngoài học tiếng Việt do các giáo viên đến từ Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An giảng dạy, em và các bạn đã được thầy cô ở Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An chăm sóc, tổ chức các hoạt động rèn luyện về kỹ năng, làm quen với nếp sống, văn hóa sinh hoạt ở khu nội trú, tham gia văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Từ đó, khiến các du học sinh nhỏ tuổi như Sulin hào hứng và yên tâm khi đến học tập ở môi trường mới.

Theo kế hoạch, sau khi trải qua giai đoạn học dự bị tiếng Việt 1 năm, các học sinh sẽ tiếp tục học Chương trình giáo dục cấp THPT của Việt Nam và chương trình tăng cường theo chuẩn quốc tế trong 3 năm. Khóa học sẽ giúp các em vững vàng để tiếp tục học lên bậc học cao hơn.

Việc được tiếp nhận học sinh THPT của nước bạn Lào
đến học tập tại Nghệ An sẽ tăng cường thêm mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Qua đó, vừa thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt thủy chung son sắt giữa hai nước Việt- Lào, vừa góp phần hỗ trợ các tỉnh của nước bạn xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong tình hình mới.

GS.TS Thái Văn Thành
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An

Mới nhất
x
x
Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tạo cầu nối thúc đẩy tình đoàn kết Việt - Lào - Bài 3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO