Xã hội

Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tạo cầu nối thúc đẩy tình đoàn kết Việt – Lào - Bài 4

Phóm P.V 10/07/2024 11:15

Đào tạo nguồn nhân lực luôn là nội dung được ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Nghệ An và các tỉnh của nước bạn Lào. Theo đó, Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách và chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, hoạt động giúp các tỉnh của nước bạn Lào xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới.

over chinh
tit bai4

Ban hành chính sách hỗ trợ mới

Hằng năm, trên cơ sở Biên bản hợp tác giữa tỉnh Nghệ An với các tỉnh bạn Lào tiếp giáp biên giới (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay) và văn bản đề nghị của các tỉnh Lào có quan hệ hợp tác truyền thống (Viêng Chăn, Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt, Xay Sổm Bun); Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp báo cáo trình UBND tỉnh Nghệ An đồng ý chủ trương, đồng thời đề nghị các tỉnh của nước bạn Lào tiến hành tuyển sinh, cử cán bộ, học sinh, sinh viên sang học tập tại Nghệ An.

Lễ khai giảng lớp đào tạo Tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào tại trường CĐSp Nghệ An
Lễ khai giảng lớp đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Trường CĐSp Nghệ An.

Các lưu học sinh Lào thường được đào tạo tiếng Việt trong thời gian 10 tháng tại Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An. Sau khi kết thúc khóa đào tạo tiếng Việt, số học viên là cán bộ tiếp tục trở về Lào công tác, các học viên còn lại căn cứ vào kết quả học tiếng Việt và căn cứ vào nguyện vọng, nhu cầu đào tạo được tuyển chọn vào học chuyên ngành cùng với sinh viên Việt Nam tại các trường đại học trên địa bàn Nghệ An. Mỗi năm học, tỉnh Nghệ An dành khoảng 200 suất học bổng toàn phần cho con em các tỉnh của nước bạn Lào.

Tỉnh Nghệ An cũng ban hành nhiều chính sách góp phần hỗ trợ các tỉnh nước bạn phát triển đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tình hình mới. Đặc biệt, cuối năm 2023, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 22/QĐ-HĐND ngày 7/12/2023 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo lưu học sinh Lào diện thỏa thuận hợp tác giáo dục, đào tạo giữa tỉnh Nghệ An và các tỉnh nước bạn Lào học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Nghệ An.

Nghị quyết số 22/QĐ-HĐND được ban hành đã tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cao cho các tỉnh của nước bạn Lào trong thời gian tới. Theo đó, các lưu học sinh Lào học tập Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT (bao gồm cả chương trình dự bị tiếng Việt và bổ trợ kiến thức THCS); đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (bao gồm cả đào tạo bằng hình thức liên thông từ cao đẳng lên đại học) được đề xuất hỗ trợ sinh hoạt phí bao gồm: Tiền ăn ở, tiền tiêu vặt, học phẩm và các chi phí cá nhân khác với mức 3,696 triệu đồng/người/tháng. Còn các lưu học sinh tham gia đào tạo, cấp chứng chỉ Chương trình dự bị tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn số tiền được hỗ trợ sinh hoạt phí 3 triệu đồng/người/tháng.

Về thời gian hỗ trợ: Đối với lưu học sinh Lào đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (bao gồm cả đào tạo bằng hình thức liên thông từ cao đẳng lên đại học) được hỗ trợ đủ 12 tháng/năm học. Đối với lưu học sinh Lào học tập Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT (bao gồm cả chương trình dự bị tiếng Việt và bổ trợ kiến thức THCS); Chương trình dự bị tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài; bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, có thời gian đào tạo dưới 12 tháng, được hỗ trợ theo thời gian học thực tế hàng năm.

Theo Nghị quyết số 22/QĐ-HĐND, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông; các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng được hỗ trợ để chi cho công tác giảng dạy và học tập; biên dịch, phiên dịch tài liệu; sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, thực hành, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt của lưu học sinh Lào ở tại ký túc xá; chi quản lý đào tạo; chi làm hồ sơ, thủ tục nhập học, chi tổng kết, kết thúc khóa học, khen thưởng học sinh; chi khám bệnh tổng thể đầu khóa học, chi khám bệnh tổng thể định kỳ hàng năm…

Nghị quyết mới được ban hành với các mức hỗ trợ được nâng lên không chỉ giúp lưu học sinh Lào yên tâm học tập mà còn giúp các nhà trường có thêm điều kiện về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; thắt chặt mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Nghệ An và các tỉnh của nước bạn Lào nhất là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Em SouKThiDa ( SN 2008) ở tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt -1 trong 31 học sinhLào được chọn sang học chương trình THPT tại Nghệ An trả lời phỏng vấn báo nghệ an
Em SouKThiDa (sinh năm 2008) ở tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt - 1 trong 31 học sinh Lào được chọn sang học chương trình THPT tại Nghệ An, trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

Em Souk Thi Da (SN 2008) ở tỉnh Sa Vẳn Na Khệt - 1 trong 31 học sinh Lào được chọn sang học chương trình THPT tại Nghệ An đợt đầu tiên, vừa hoàn thành lớp đào tạo tiếng Việt cơ sở ở Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 vui mừng chia sẻ: "Qua các thầy cô, chúng em được biết, tỉnh Nghệ An vừa ban hành chính sách mới hỗ trợ lưu học sinh Lào với nhiều nội dung và mức hỗ trợ cao hơn. Chính sách hỗ trợ này là sự động viên rất lớn giúp chúng em yên tâm học tập, nhất là với các học sinh gia đình khó khăn có bố mẹ là nông dân. Đồng thời, tiếp thêm cho chúng em động lực để sau khi hoàn thành chương trình học THPT tiếp tục học cao hơn. “Bản thân em mong muốn sẽ học ngành Y ở Nghệ An để hiện thực ước mơ là trở thành một bác sĩ”.

Ưu tiên môi trường học tập và sinh hoạt

Từ năm 2011 đến cuối năm 2023, tỉnh Nghệ An đã triển khai tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho 7 tỉnh nước bạn Lào, với 2.322 học sinh, sinh viên đã và đang học tập chương trình đào tạo dự bị tiếng Việt cơ bản, đại học và sau đại học, tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh (trong đó, có 1.157 diện hợp tác của tỉnh). Hiện tại, có trên 600 lưu học sinh diện hợp tác đang học tập các chương trình đào tạo.

Lưu học sinh Lào tham gia học tiếng việt tại Trường Phổ thông DTNT THPT nội trú 2
Lưu học sinh Lào tham gia học tiếng Việt tại Trường Phổ thông DTNT THPT nội trú 2.

Không chỉ được hỗ trợ kinh phí, tại các cơ sở giáo dục ở Nghệ An, lưu học sinh Lào được bố trí ở trong ký túc xá, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật của nhà trường để phục vụ đời sống, học tập và nghiên cứu khoa học. Các em cũng thường xuyên được tham gia các hoạt động tập thể, các loại hình câu lạc bộ, các cuộc thi VHVN, TDTT, các buổi tọa đàm, giao lưu văn hóa, các hoạt động tình nguyện... Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết Nguyên đán của Việt Nam, Tết cổ truyền Bunpimay của Lào, các trường đại học, cao đẳng đều cho phép các học viên Lào nghỉ học về nước thăm gia đình hoặc tổ chức các hoạt động kỷ niệm để các học viên giao lưu với học viên, sinh viên Việt Nam và trao đổi về truyền thống, bản sắc văn hóa của mỗi nước.

Trong quá trình học tập, một số trường đại học, cao đẳng đã tổ chức cho các lưu học sinh Lào đi tham quan học tập tại các khu di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh như: Quảng trường Hồ Chí Minh, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, bãi biển Cửa Lò... để các học viên có thêm kiến thức từ thực tiễn cũng như tìm hiểu thêm về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam.

Lưu học sinh Lào tại trường CĐSP Nghệ An học gói bánh chưng nhân dịp Tết cồ truyền ở Việt Nam
Lưu học sinh Lào tại Trường CĐSP Nghệ An học gói bánh chưng nhân dịp Tết cồ truyền ở Việt Nam.

Tại Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, qua hơn 20 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài, nhà trường đã và đang đào tạo hơn 1.500 lưu học sinh là cán bộ của các huyện, sở, ban, ngành và học sinh phổ thông của 7 tỉnh Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Hủa Phăn, Viêng Chăn, Sa Vẳn Na Khệt, Khăm Muộn và Xay Sổm Bun của nước CHDCND Lào. Sau khi tốt nghiệp tiếng Việt tại Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, nhiều lưu học sinh thuộc đối tượng là cán bộ của Lào đã phát huy được năng lực tiếng Việt tăng trong giao tiếp, làm việc với các đối tác là tổ chức, cá nhân người Việt Nam phục vụ tốt công tác của mình.

Bên cạnh việc tổ chức giảng dạy tiếng Việt, Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An cũng thường xuyên tổ chức cho lưu học sinh Lào tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tham quan các khu di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam, thắng cảnh tại tỉnh Nghệ An và một số tỉnh thành trên cả nước… Qua đó, giúp lưu học sinh Lào mở rộng vốn từ và có điều kiện thực hành giao tiếp tiếng Việt, hiểu biết thêm về phong tục, tập quán, quê hương, đất nước, con người Việt Nam nói chung về mảnh đất Nghệ An nói riêng, góp phần tô thắm tình đoàn kết, hợp tác, hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào nói chung và giữa tỉnh Nghệ An với các tỉnh bạn Lào nói riêng.

giáo viên trường Phổ thông DTNT THPT số 2 hướng dẫn lưu học sinh Lào mặc áo dài2
Giáo viên Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 hướng dẫn lưu học sinh Lào mặc áo dài.

Một số trường đại học đã thành lập nhiều mô hình câu lạc bộ nhằm tạo cơ hội bổ túc tiếng Việt, bổ trợ kiến thức chuyên ngành, tăng cường hoạt động ngoại khóa, giao lưu, học hỏi cho các lưu học sinh Lào. Điển hình như Trường Đại học Kinh tế Nghệ An thành lập “Câu lạc bộ Hữu nghị sinh viên Việt Nam - Lào”, Trường Đại học Vinh thành lập Đội sinh viên tình nguyện quốc tế; Câu lạc bộ Tiếng việt, Câu lạc bộ Hoa Chăm Pa, Ban Liên lạc lưu học sinh và Cựu lưu học sinh Lào - nơi kết nối các hoạt động giao lưu hữu nghị của sinh viên Việt Nam - Lào.

Em Souk Thi Da - Trưởng đoàn lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Vinh cho biết: Những năm tháng học tập tại trường, lưu học sinh chúng em được đối xử bình đẳng và được tạo mọi điều kiện trong học tập và rèn luyện. Các lưu học sinh Lào được tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động như Câu lạc bộ Hoa Chăm Pa, Câu lạc bộ Samakhi, các phong trào tình nguyện vì cộng đồng… Mỗi một hoạt động đều cho chúng em nhiều trải nghiệm, có thêm kỹ năng, kinh nghiệm là “vốn quý” cho quá trình công tác sau này.

Tăng cường các hoạt động hữu nghị

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong mối quan hệ giữa 2 dân tộc Việt Nam – Lào, hàng năm Hội Liên hiệp Xác tổ chức hữu nghị, Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các trường đại học, cao đẳng có sinh viên Lào đang học tập tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên các sinh viên Lào đang học tập tại Nghệ An nhân các ngày lễ, Tết, các sự kiện quan trọng trong quan hệ Việt - Lào; tổ chức thi tìm hiểu văn hóa Việt Nam, thi hùng biện tiếng Việt cho sinh viên Lào…

Ông Vi Tố Định- Phó chủ tịch hội Hữu Nghị Việt Lào trao đổi với phóng viên
Ông Vi Tố Định - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào trao đổi với phóng viên.

Đại tá Vi Tố Định (nguyên Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An) - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Nghệ An cho biết: Trong nhiệm kỳ 2014 - 2022, thực hiện Chương trình giao lưu Homestay với sinh viên Lào do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh triển khai, Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Nghệ An đã có 120 lượt gia đình hội viên hưởng ứng, nhận kết nghĩa với trên 200 sinh viên Lào, có trên 400 lượt sinh viên tham gia giao lưu các gia đình hội viên khu vực thành phố Vinh. Trong nhiệm kỳ, hội đã hỗ trợ học bổng cho 240 sinh viên Lào đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền là 120 triệu đồng. Năm 2023, Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ 45 suất học bổng trị giá hơn 22 triệu đồng cho 45 học sinh, sinh viên Lào đang học tập tại một số trường trên địa bàn tỉnh có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện… qua đó, đã góp phần xây dựng, bồi đắp tình cảm gắn bó đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình "Nâng bước đến trường", Bộ đội Biên phòng Nghệ An hiện đang nhận đỡ đầu 16 em học sinh Lào có hoàn cảnh khó khăn ở các bản đối diện bên kia biên giới, qua đó, tạo dấu ấn tốt đẹp với cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc của nước bạn Lào ở khu vực biên giới.

Có thể nói, việc tỉnh Nghệ An hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo cho các tỉnh nước bạn Lào là một việc làm mang ý nghĩa thiết thực, góp phần tăng cường, đẩy mạnh mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa tỉnh Nghệ An và các tỉnh bạn nói riêng, giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo và quản lý lưu học sinh Lào tổ chức tại Trường Đại học Vinh trong năm 2023, ông Sengphet HoungBungNuang - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam đánh giá cao thành tựu hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực cho Lào của Đảng, Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục Việt Nam. Mặc dù nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực là rất nặng nề, nhưng với những kinh nghiệm, tâm huyết của các trường đại học, cơ sở giáo dục tại Việt Nam cũng như sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, ông Sengphet HoungBungNuang bày tỏ tin tưởng rằng, công tác đào tạo và quản lý lưu học sinh Lào sẽ ngày càng chất lượng…

Mới nhất
x
x
Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tạo cầu nối thúc đẩy tình đoàn kết Việt – Lào - Bài 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO