Huấn luyện viên Troussier và chiến thuật nào cho tuyển Việt Nam tại Jakarta?

Bùi Hoa 19/03/2024 16:07

(Baonghean.vn) - Sau thất bại tại ASIAN Cup 2023 trước đối thủ Indonesia với nhiều cầu thủ châu Âu nhập tịch, trong lần gặp lại tại Vòng loại thứ 2 World Cup 2026 vào ngày 21/3 tại Jakarta, đã có không ít ý kiến bày tỏ nỗi lo lắng về sự bảo thủ của ông thầy người Pháp Philippe Troussier.

Có nhiều “kiến nghị” Đội tuyển Việt Nam nên trở về với lối chơi phòng ngự -phản công quen thuộc nhằm phát huy sở trường vốn có của các cầu thủ, phát huy sự ăn ý của các cầu thủ từng thi đấu bên nhau lâu nay để đánh bại dàn cầu thủ nhập tịch từ châu Âu.

Thực ra, nhìn vào cách vận hành, bố trí lực lượng và nhất là kết quả thi đấu của Đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Troussier, lo lắng và băn khoăn là điều có thật. Không những thế, “chiếc ghế” của chính ông thầy người Pháp đang lung lay và mọi việc có thể xảy ra nếu kết quả sau 2 trận gặp Indonesia không được như ý. Chưa kể, thời điểm hiện tại, chấn thương và thẻ phạt đã lấy đi những nhân tố trụ cột như Ngọc Hải, Tuấn Anh, Tuấn Hải, Công Phượng, Văn Khang…Và với lực lượng “mỏng đi” như thế, nếu cứ cố tấn công, cố kiểm soát bóng…thì có phải là thua ngay từ khi chưa vào trận, ngay từ khi đề ra phương pháp tiếp cận trận đấu hay không?

Cũng thực ra, nói ông Troussier bảo thủ, có lẽ chỉ đúng với thời điểm kết thúc ASIAN Cup trở về trước. Đó là khi ông thầy người Pháp gọi lên nhưng không dùng Hùng Dũng, Hoàng Đức hoặc trận dùng, trận bỏ như với Hùng Dũng? Đó là khi ông gọi lên rồi loại bỏ những Tấn Tài, Thành Chung, thậm chí cả Văn Thanh…Đó cũng là khi ông gọi những cầu thủ dự bị thường xuyên ở câu lạc bộ nhưng cho đá chính ở đội tuyển như Văn Trường, Văn Tùng..?

bna_tl_403a0102-9628.jpg
Sáng sớm 19/3, đội tuyển Việt Nam thu xếp hành lý và di chuyển tới sân bay Nội Bài lên đường sang Jakarta. Ảnh: Hải Hoàng

Lần gọi mới nhất để tập trung Đội tuyển Việt Nam với danh sách 33 cái tên, cho thấy mọi việc đã khác trước. Các nhân tố trụ cột dưới thời Park Hang-seo, hiện đang có phong độ tốt, có ý chí chiến đấu và cống hiến được điền tên. Những học trò trẻ, thuộc bài vở tất nhiên không thể vắng mặt. Trước đây, ông thầy người Pháp từng nói đến việc trước các đội bóng mạnh, Đội tuyển Việt Nam cố gắng kiểm soát bóng, có nghĩa là phải linh hoạt theo từng đối tượng, đối thủ, để triển khai lối chơi phù hợp. Nói thế để thấy rằng, trong thực tế, Đội tuyển Việt Nam phải chủ động tiếp cận các trận đấu theo từng cách khác nhau, rất khó để nói phòng ngự-phản công hay kiểm soát bóng tấn công như một điều bắt buộc, gò bó.

Bóng đá Việt Nam kể từ hội nhập vào những năm 1990 đến nay, việc tìm kiếm lối chơi thích hợp, hiệu quả vẫn chưa đem lại điều gì rõ rệt. Cả một loạt ông thầy ngoại đến từ châu Âu (Weigang, Riedl, Calistor…), châu Mỹ (Dido), châu Á (Miurra, Park Hang-seo) đã không thể tìm ra một công thức phù hợp nào khi cầu thủ Việt thua sút về thể hình, thể lực, về kỹ năng, sự cọ xát…so với các đối thủ ở khu vực (so với Thái Lan), ở châu lục là khoảng cách lớn so với các đội hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Iraq, Australia, Arbia Saudi…Lối chơi phòng ngự-phản công thành công với ông Park Hang-seo là điều đáng khích lệ, nhưng thành quả đó nhanh chóng bị đối thủ bắt bài, nhất là ở Vòng loại thứ 3 World Cup 2022, ở AFF Cup 2 kỳ gần nhất…Vì vậy, ông Troussier không kiên quyết duy trì lối chơi quen thuộc này mà đi tìm phương cách mới là có cơ sở, là cần thiết nếu bóng đá Việt thực sự mong muốn vươn tầm.

Tất nhiên, mọi cái mới đều sẽ gặp khó, sẽ chịu thất bại tạm thời. Ông Troussier thừa hiểu điều đó và người am hiểu cũng thừa nhận điều đó. Cái chính hiện nay là giải quyết mâu thuẫn giữa mong mỏi và thực tế, giữa việc cái mới chưa được vận hành thuần thục và thói quen cũ đôi khi vẫn có hiệu lực riêng. Đội tuyển Việt Nam rõ ràng cần thói quen phòng ngự tốt, trước khi bàn chuyện tấn công hay phản công. Có Nguyễn Filip là một sự yên tâm, một sự đảm bảo, nhưng còn cần hơn bao giờ hết bộ ba trung vệ đủ sức chống bóng bổng, biết bọc lót kín kẽ, biết tránh xa những lỗi không đáng có như lâu nay Thanh Bình, Duy Mạnh hay Văn Hậu mắc phải.

dt-viet-nam-13274875.jpg
Áp lực đè lên vai ông Troussier là rất lớn khi giới chuyên môn và người hâm mộ đòi hỏi tuyển Việt Nam phải phục hận trước Indonesia trong hai trận cầu ít ngày tới. Ảnh: Minh Chiến - VTC News

Ông Troussier thời gian qua không thấy điểm mạnh của Hoàng Đức hay Hùng Dũng nhưng rõ ràng trước dàn nhập tịch Indonesia, nếu không có bộ đôi tiền vệ trung tâm đủ mạnh thì đừng bao giờ “mơ” chủ động về thế trận. Thái Sơn dồi dào thể lực nhưng lại thiếu kinh nghiệm trận mạc, từng bị ngợp trước Indonesia là điều ai ai cũng biết. Điều mà Thái Sơn thiếu thì Hoàng Đức, Tấn Tài lại có thừa, cũng là điều không quá khó để nắm vững.

Chuyện ông Troussier bảo thủ hay không, xem ra vẫn phải chờ mọi việc diễn ra trong 2 trận đấu sắp tới. Ông thầy người Pháp có thói quen là luôn gây bất ngờ cho nhiều người và có thể tới đây ông vẫn cứ “bổn cũ soạn lại”. Vấn đề là hiệu quả đến đâu mà thôi. Vấn đề là với lực lượng được tin cậy và giao phó, họ sẽ phòng ngự tốt đến đâu, tấn công hiệu quả như thế nào, có đủ thể lực và bản lĩnh để chinh chiến trong suốt 90 phút căng thẳng, cân não hay không?

Và một điều nữa, Đội tuyển Việt Nam dù rất kiên cường, rất cố gắng thì việc thường xuyên để thua phút cuối, phút bù giờ, nói cho cùng là một cái “dớp” tai hại, mà ở đó là “tội nặng” của ông thầy khi không giỏi điều chỉnh nhân lực, đọc vị đối thủ trong toàn trận đấu. Trận bán kết SEA Games 23, trận gặp Iraq trên sân Mỹ Đình, gặp Nhật Bản, Iraq tại ASIAN Cup chứng minh sinh động điều đó. Đó mới chính là “gót chân A-sin” của chính ông Troussier và ông sẽ lại gặp vô vàn gian khó nếu không biết cách hạn chế, khắc phục điều này./.

Mới nhất

x
Huấn luyện viên Troussier và chiến thuật nào cho tuyển Việt Nam tại Jakarta?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO