Hưng Nguyên: 17/23 trạm đạt chuẩn có bác sỹ

29/02/2016 18:34

(Baonghean) - Là huyện đồng bằng nằm phụ cận thành phố Vinh, vì nhiều nguyên nhân, điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) tại các trạm y tế xã của huyện Hưng Nguyên chưa đáp ứng yêu cầu đề ra;cơ sở vật chất trạm xuống cấp, vật tư, trang thiết bị còn thiếu thốn; chất lượng thăm, khám còn nhiều hạn chế; giai đoạn trước, các xã cũng chưa thực sự mặn mà với xây dựng chuẩn quốc gia về y tế. Vì lý do trên, mặc dù cố gắng rất lớn trong vài năm lại đây, nhưng đến nay Hưng Nguyên có số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế/tổng số xã còn khiêm tốn so với một số huyện, thị trong tỉnh.

Đến năm 2012, UBND huyện đã ban hành Đề án xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2012-2020, kèm theo đó là các biện pháp vào cuộc thật sự tập trung và quyết liệt. Nhờ sự quan tâm, đôn đốc của huyện và nhất là cơ chế “kích cầu” hỗ trợ và khen thưởng, nên các xã đã chủ động và tích cực hơn trong thực hiện mục tiêu đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trong năm 2013 cả 3 xã đã cam kết với huyện là Hưng Phúc, Hưng Tiến và Hưng Đạo đều đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2; tiếp đó, năm 2014 có 8 xã là Hưng Long, Hưng Xuân, Hưng Lam, Hưng Phú, Hưng Khánh, Hưng Lợi, Hưng Thông và Hưng Tân đạt chuẩn. Mới đây nhất, trong đợt 2 công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về y tế của tỉnh năm 2015, Hưng Nguyên là một trong những huyện có nhiều đơn vị nhất khi có 6 xã đạt chuẩn là Hưng Lĩnh, Hưng Xá, Hưng Thịnh, Hưng Thắng, Hưng Tây và thị trấn.

Bác sỹ Phạm Thị Hà mới được tuyển dụng vào làm việc tại Bệnh viện đa khoa Hưng Nguyên đang thăm khám cho bệnh nhân
Chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hưng Nguyên.

Bác sỹ Nguyễn Đình Thanh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hưng Nguyên cho biết: Đây là nỗ lực rất lớn và thành quả đáng trân trọng của y tế cơ sở. Để có được kết quả trên, có nhiều nhân tố nhưng nhân tố quan trọng nhất là sự quan tâm vào cuộc thực sự và quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã. Để thực hiện đề án này, huyện dự trù kinh phí khoảng 52 tỷ đồng, trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng là 26,4 tỷ đồng, mua sắm trang thiết bị khoảng 24,03 tỷ đồng, kinh phí đào tạo gần 1,39 tỷ đồng. Trong một thời gian ngắn từ 2013 - 2015, 2 xã Hưng Phú và Hưng Tân đã huy động từ nguồn xã hội hóa để đầu tư 10 tỷ đồng/trạm để xây dựng lại cơ sở vật chất; xã Hưng Tiến, Hưng Lam huy động mỗi xã từ 2 - 3 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo trạm; các xã như Hưng Thắng, Hưng Tây, Hưng Xá, Hưng Trung, Hưng Đạo được ngân sách tỉnh hỗ trợ 5 tỷ đồng/trạm để xây dựng lại. Các xã còn lại như Hưng Lĩnh, Hưng Long, Hưng Xuân, Hưng Khánh, Hưng Lợi, Hưng Phúc, Hưng Thịnh và thị trấn Hưng Nguyên chủ động trích ngân sách trên 200 triệu đồng/xã để cải tạo nâng cấp các trạm y tế.

Về phía Trung tâm Y tế dự phòng huyện, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu chỉ đạo và hỗ trợ về vật tư, chuyên môn nghiệp vụ, hàng tháng trung tâm cử cán bộ các khoa, phòng chuyên môn về hỗ trợ các xã; hàng quý mời lãnh đạo huyện, phòng y tế và bệnh viện về làm việc để kịp thời tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho cơ sở và đánh giá được kết quả phụ trách của từng cán bộ; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc tại y tế cơ sở để ban chỉ đạo huyện giải quyết, tháo gỡ.

Chị Hoàng Thị Hà -
Chăm sóc người bệnh tại Trạm y tế xã Hưng Tiến.

Cùng với cải thiện, nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất, để nâng cao chất lượng thăm khám sức khỏe ban đầu, ngoài việc đảm bảo hoặc tăng cường để 17/23 trạm đã đạt chuẩn có bác sỹ, trung tâm kịp thời hỗ trợ các trạm y tế khi có tình hình phức tạp xảy ra. Nhờ có sự tư vấn hỗ trợ kịp thời, nên năm 2015 vừa qua, ngay khi phát hiện ổ dịch sốt xuất huyết tại Hưng Lĩnh và Hưng Long, huyện đã tập trung kịp thời nhân lực và vật tư để dập dịch rất sớm và con số chỉ dừng lại ở 53 trường hợp.

Ngoài nhiệm vụ trên, trung tâm cũng giám sát hiệu quả các hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở; triển khai tương đối tốt nhiệm vụ y tế dự phòng với 22/22 chương trình, chỉ tiêu đều hoàn thành; chương trình tiêm chủng mở rộng vượt chỉ tiêu khi hoàn thành cho 100% trẻ, không có tai biến; các chương trình tiêm phòng khác như sởi, viêm não Nhật Bản đều thực hiện tốt; tích cực cải cách hành chính, phục vụ tốt yêu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của nhân dân…

Cắt băng khánh thành trạm y tế xã Hưng Tân
Cắt băng khánh thành trạm y tế xã Hưng Tân.

Mặc dù kết quả vài năm gần đây là rất đáng khích lệ, nhưng bác sỹ Nguyễn Đình Thanh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hưng Nguyên cho rằng công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu của huyện còn phải cố gắng nhiều. Thời gian tới, nhiệm vụ của y tế dự phòng huyện Hưng Nguyên vẫn còn khá nặng nề khi còn 6 xã chưa đạt chuẩn, trong đó một số xã cơ sở vật chất của trạm còn quá tạm bợ, thậm chí xã Hưng Yên Nam còn chưa có trạm y tế.

Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, cùng với khắc phục các tồn tại để duy trì bền vững và nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn, ngay từ đầu năm 2016, Ban chỉ đạo huyện đã họp vào giao nhiệm vụ ngày từ đầu năm để các phòng ban, trung tâm và các xã triển khai. Với quyết tâm lớn và để hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2020 có 23/23 xã đạt chuẩn, năm 2016 này, mặc dù ngành Y tế giao chỉ tiêu thực hiện 1 xã, nhưng Hưng Nguyên quyết tâm phấn đấu để 3 xã đạt chuẩn; 3 xã còn lại sẽ thực hiện trong những năm tiếp theo. Quyết tâm chung của huyện phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra, góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nhất là các xã còn khó khăn trên địa bàn.

Nguyễn Hải

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Hưng Nguyên: 17/23 trạm đạt chuẩn có bác sỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO