Hướng dẫn sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính
Việc bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản phải phù hợp với đối tượng quản lý, sử dụng, tính chất, đặc điểm của tài sản, tận dụng tối đa nguồn lực của tài sản hiện có nhưng phải có tầm nhìn dài hạn để phục vụ mục tiêu lâu dài.
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành công văn về việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đoàn thể cấp tỉnh, địa phương thực hiện các nội dung liên quan đến việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính như sau:
Nguyên tắc xử lý tài sản khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính:
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đoàn thể, địa phương (dưới đây viết tắt là các cơ quan, tổ chức, đơn vị) thuộc đối tượng sắp xếp đơn vị hành chính triển khai thực hiện: Kiểm kê, phân loại, lập danh sách tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo các nhóm: (1) Tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý (bao gồm cả tài sản kết cấu hạ tầng được giao quản lý, tài sản đang sử dụng để cho thuê, liên doanh, liên kết, khai thác), (2) Tài sản phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê; (3) Tài sản không phải của cơ quan, tổ chức, đơn vị (tài sản nhận giữ hộ, tài sản mượn, tài sản thuê của tổ chức, cá nhân khác,...).
Trên cơ sở kết quả kiểm kê, phân loại tài sản, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm: (1) Xử lý tài sản phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê (ghi nhận vào tài sản của cơ quan, đơn vị đối với tài sản phát hiện thừa; ghi giảm tài sản trên sổ kế toán và không tổng hợp vào tài sản của cơ quan, đơn vị đối với tài sản phát hiện thiếu, (2) Trả lại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác đối với tài sản giữ hộ, mượn; (3) Chấm dứt việc thuê tài sản (nếu được sự thống nhất của bên cho thuê và việc chấm dứt thuê không làm ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan, đơn vị); (4) Bảo vệ, bảo quản tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị tránh để mất, thất thoát tài sản.
Báo cáo cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản công phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng, tổng hợp vào Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp. Việc quản lý, xử lý đối với tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện tương ứng với từng hình thức sắp xếp tổ chức bộ máy theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền và hướng dẫn của Sở Nội vụ.
Thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp đơn vị hành chính theo phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc bàn giao, tiếp nhận được thực hiện theo Mẫu số 01/TSC-BBGN ban hành kèm theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản khi thực hiện sắp xếp.
Sau khi hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính, cơ quan, tổ chức, đơn vị mới có trách nhiệm: Bố trí sử dụng tài sản theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Xác định tài sản dôi dư (không còn nhu cầu sử dụng theo cơ cấu tổ chức bộ máy mới) hoặc thuộc trường hợp phải xử lý theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để lập hồ sơ đề nghị xử lý, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định; không để tình trạng bỏ trống, không sử dụng, sử dụng sai mục đích, sử dụng kém hiệu quả tài sản gây lãng phí, thất thoát.
Tiếp tục thực hiện các nội dung chưa hoàn thành đối với các tài sản đã có quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền trước khi sáp nhập, hợp nhất mà đến thời điểm sáp nhập, hợp nhất chưa hoàn thành việc xử lý.
Việc bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản phải phù hợp với đối tượng quản lý, sử dụng, tính chất, đặc điểm của tài sản, tận dụng tối đa nguồn lực của tài sản hiện có nhưng phải có tầm nhìn dài hạn để phục vụ mục tiêu lâu dài; không phải thực hiện quy trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 03/2025/NĐ-CP ngày 01/01/2025 của Chính phủ (quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất) khi thực hiện bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính. Ưu tiên điều hòa, bố trí hợp lý tài sản giữa các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới trong địa phương, trường hợp cần thiết phải chuyển đổi công năng sử dụng của tài sản thì thực hiện chuyển đổi công năng theo quy định để sử dụng phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Việc tổ chức thực hiện, xử lý cụ thể đối với tài sản công được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 2454/BTC-QLCS ngày 28/02/2025, Công văn số 4891/BTC-QLCS ngày 15/4/2025 và các văn bản hướng dẫn có liên quan của các cơ quan có thẩm quyền.
Trong thời gian cơ quan, người có thẩm quyền đang thực hiện công tác phê duyệt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, phê duyệt phương án xử lý tài sản công hoặc chưa tổ chức xử lý nhà, đất, tài sản công theo phương án được phê duyệt thì cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý, sử dụng tài sản đó phải bảo vệ, bảo quản tài sản, tránh để lấn chiếm, thất thoát; trường hợp đã thực hiện sắp xếp thì cơ quan, tổ chức, đơn vị mới (sau khi được sáp nhập, hợp nhất, sắp xếp) có trách nhiệm bảo quản, bảo vệ tài sản và chịu trách nhiệm thực hiện việc sắp xếp, xử lý tài sản.
Định hướng xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công:
Đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp: Ưu tiên bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) cho đơn vị hành chính cấp cơ sở nơi đóng trụ sở hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Nhà nước (kể cả cơ quan, tổ chức, đơn vị của Trung ương trên địa bàn) có nhu cầu để làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; có thể thực hiện bố trí một trụ sở làm việc cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng theo các phương thức quản lý quy định tại điểm a, điểm b, khoản 6, Điều 4a. Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, Điều 1, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP).

Thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, thừa, thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức; có thể bố trí nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng chung 01 cơ sở nhà, đất để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn.
Đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó, ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng khác của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao,...); thu hồi để giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương quản lý, khai thác (quản lý để phục vụ mục tiêu lâu dài của Nhà nước; bảo quản, bảo vệ tài sản; bố trí cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tạm thời; cho thuê nhà gắn với đất;...), giao tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác theo quy định của pháp luật,....
Đối với xe ô tô: Đối với xe ô tô chuyên dùng để phục vụ hoạt động đặc thù thì xử lý theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ thì được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện hiện nhiệm vụ. Đối với xe ô tô phục vụ công tác chung của các đơn vị cấp huyện sau khi bỏ cấp huyện thì giao, điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu hoặc chưa có tài sản hoặc được xử lý theo quy định.
Đối với máy móc, thiết bị và các tài sản khác: Đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng thì xử lý theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ có sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thì được tiếp nhận tài sản tương ứng theo quy định để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Đối với máy móc, thiết bị phổ biến, máy móc, thiết bị dùng chung và các tài sản khác thì ưu tiên tận dụng các tài sản còn khả năng sử dụng và chuyên đến địa điểm làm việc mới của đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức để tiếp tục sử dụng, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ sau sắp xếp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị; hạn chế tối đa việc phải mua sắm mới tài sản.
Trường hợp còn dôi dư thì thực hiện điều chuyển theo quy định giữa các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới tại địa phương hoặc xử lý theo đúng quy định.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng: Thực hiện theo quy định hiện hành, hướng dẫn của các Bộ, ngành quản lý chuyên ngành và hướng dẫn của các sở chuyên ngành quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng.
UBND tỉnh cũng giao UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của mình; giao các sở, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý nhà nước cùng với việc xây dựng, thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.