Hướng đi nào cho thanh niên nông thôn?

27/10/2015 15:07

(Baonghean) - Gắn đào tạo nghề và giải quyết việc làm là một trong những chủ trương “4 đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” của huyện Yên Thành nhằm phát huy tối đa nội lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ.

Những con đường lập nghiệp

Về xã Đô Thành, ghé thăm mô hình nghề thủ công mỹ nghệ của anh Trần Hữu Trang (sinh năm 1990) ở xóm Yên Hội, ai cũng phải ngỡ ngàng bởi ý chí, nghị lực làm giàu của một thanh niên trẻ tuổi.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, vì cuộc sống khó khăn, sau khi tốt nghiệp THPT, anh đã vào các tỉnh phía Nam và đi XKLĐ kiếm việc mưu sinh. Sau những năm bươn chải nơi xứ người, mặc dù bỏ sức lao động cực nhọc, nhưng thu nhập cũng không đáng là bao, trở về quê bằng lưng vốn ít ỏi. Đầu năm 2010, Trần Hữu Trang lại khăn gói ra Hà Nội học nghề thủ công mỹ nghệ trang trí nội thất. Sau 6 tháng học việc, anh đã có tay nghề thành thạo, tự tin trở về lập nghiệp tại quê hương.

Công ty CP lắp máy LILAMA 18 tiếp nhận học viên tốt nghiệp nghề cơ khí tại Trường Trung cấp nghề Yên Thành.
Công ty CP lắp máy LILAMA 18 tiếp nhận học viên tốt nghiệp nghề cơ khí tại Trường Trung cấp nghề Yên Thành.

Với số vốn 30 triệu đồng vay được từ nguồn giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn của Huyện đoàn Yên Thành, anh đã mạnh dạn mở xưởng sản xuất các mặt hàng trang trí làm từ gỗ, da bò và nhựa, các loại thú nhồi bông, đầu và sừng thú nhân tạo... Nhờ làm ăn có uy tín, từ năm 2012 đến nay, có rất nhiều đại lý ở các tỉnh phía Nam về đặt hàng, trừ mọi chi phí bình quân mỗi tháng anh thu về gần 20 triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 5 lao động trong xóm, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Trần Hữu Trang cho biết: “Ngoài nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, thời gian tới tôi sẽ mở rộng liên kết với các cơ sở trong nước để tiêu thụ sản phẩm và tiến tới xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ,”.

Còn với 2 thanh niên Trần Bá Quân và Nguyễn Văn Thư ở xóm 9, xã miền núi Sơn Thành thì sau khi tốt nghiệp đại học đã xác định: về quê để lập thân, lập nghiệp. Bằng kiến thức đã được đào tạo, kết hợp với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, từ năm 2011 đến nay, các anh đã đầu tư gần 2,3 tỷ đồng, xây dựng thành công dây chuyền sản xuất nước đóng chai với thương hiệu ANOVA bằng công nghệ hiện đại của Mỹ; sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ y tế và được thị trường đón nhận.

Anh Nguyễn Văn Thư chia sẻ: Nguồn nước ngày càng có nhiều nguy cơ ô nhiễm, đặc biệt là nguồn nước ngọt. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế nguồn nước sạch ở Suối Mây. Từ đó có ý tưởng xây dựng cơ sở sản xuất nước sạch phục vụ cho cộng đồng.

Đồng hành cùng thanh niên

Xác định đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn là việc làm cấp thiết, thời gian gần đây ở Đoàn xã Thọ Thành đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp.

Để giúp các bạn trẻ chọn hướng đi phù hợp với trình độ, khả năng, gắn với nhu cầu thị trường lao động, hàng năm, Đoàn xã đặc biệt coi trọng công tác tư vấn định hướng, đào tạo nghề. Chính vì vậy, trên địa bàn xã có nhiều đoàn viên thanh niên đã tìm cho mình một việc làm phù hợp. Tổ chức Đoàn còn đứng ra tín chấp với các Ngân hàng, vay hơn 1 tỷ đồng giúp đoàn viên có vốn phát triển kinh tế.

Đến nay trên địa bàn đã xây dựng được 8 mô hình kinh tế thanh niên, với các ngành nghề: sản xuất kinh doanh đồ mỹ nghệ; mộc dân dụng và nghề cơ khí, mây tre đan xuất khẩu, phát triển trang trại gia trại chăn nuôi tổng hợp có mức thu nhập mỗi năm từ 80 - 200 triệu đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hơn 100 lao động là thanh niên địa phương.

Anh Nguyễn Tiến Bính, Bí thư đoàn xã Thọ Thành cho hay: Đoàn xã đã phối hợp với Ban xóa đói giảm nghèo của xã cùng với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo các nguồn vốn vay để thanh niên lập nghiệp. Chú trọng đến các mô hình thanh niên làm kinh tế như sản xuất đồ mỹ nghệ, sản xuất chu hương xuất khẩu, nhằm tạo nhiều việc làm cho lao động nông nhàn, tiến tới thành lập các tổ hợp sản xuất kinh tế theo mô hình thanh niên.

Dạy nghề cho học sinh ở Trường Cao đẳng nghề số 4 (Bộ Quốc phòng).
Dạy nghề cho học sinh (ảnh minh họa).

Bám sát Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020” của UBND tỉnh và đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015” của Tỉnh đoàn Nghệ An, trong những năm qua, huyện Yên Thành đã có nhiều chương trình thiết thực để giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp. Hiện nay, toàn huyện có 165 mô hình kinh tế thanh niên cho thu nhập cao, có trên 30% thanh niên tham gia phát triển kinh tế tại địa phương.

UBND huyện giao nhiệm vụ cho Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nông nghiệp huyện là đơn vị “chủ công” trong công tác đào tạo nghề cho lao động nói chung, thanh niên nói riêng. Hàng năm nhà trường tích cực tham gia mở các lớp đào tạo nghề cho thanh niên, chú trọng vào 8 ngành nghề từ dài hạn, ngắn hạn và thường xuyên gắn với thực hiện tốt cam kết tạo việc làm sau khi được đào tạo.

Mới đây, hơn 100 học viên, sinh viên khóa 4 thuộc 5 ngành nghề đào tạo: may thời trang, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, nguội lắp ráp cơ khí, hàn, sau tốt nghiệp đã được Công ty LILAMA 18; Công ty lắp ráp 5; Công ty TNHH MLB TENERGY tuyển dụng vào làm việc với mức lương ổn định.

Anh Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư huyện đoàn Yên Thành cho biết, việc gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho thanh niên là hướng đi đúng đắn, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho thanh niên.

Dương Hiền Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Hướng đi nào cho thanh niên nông thôn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO