Hướng đi tất yếu trong công nghiệp khai khoáng

08/08/2015 11:42

(Baonghean) - Cộng đồng doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã nỗ lực đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa các hình thức mẫu mã sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm đá, thiếc quỳ hợp.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015 trên lĩnh vực công nghiệp - TTCN, UBND huyện Quỳ Hợp đã cụ thể hóa với việc ban hành Đề án “Phát triển CN-TTCN, làng nghề và các dịch vụ thương mại theo hướng bền vững trên địa bàn giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo”. Sau 2 năm thực hiện đề án, tình hình sản xuất, kinh doanh giữ nhịp độ tăng trưởng, giá trị sản xuất bình quân hàng năm của huyện Quỳ Hợp tăng trên 10%. Để đạt được hiệu suất đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng đã nỗ lực vượt khó, tiên phong đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ, quy trình khai thác, chế biến sâu.

Xưởng chế biến đá ốp lát tại Công ty đá Phủ Quỳ. Ảnh: Hữu Nghĩa
Xưởng chế biến đá ốp lát tại Công ty đá Phủ Quỳ. Ảnh: Hữu Nghĩa

Công ty CP Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ (Phu Quy Stone) xác định rõ sản phẩm chủ lực đá ốp lát tự nhiên là sản phẩm chiến lược, trong đó chủ yếu là các sản phẩm từ đá Marble Nghệ An. Đơn vị đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến, đa dạng hóa các loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng, tạo thương hiệu sản phẩm mới, phát triển bền vững. Với giá trị đầu tư thiết bị hàng chục tỷ đồng, Công ty CP Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ hiện có hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến có thể chế biến được bất kỳ sản phẩm nào từ đá như: hệ thống máy cắt GangSaw Ytaly 80 lưỡi, máy mài đá tấm khổ lớn 2,2m; máy phân tấm tự động, máy cắt đá 1 lưỡi; máy cắt đá hồng ngoại, máy cắt cạnh, vát cạnh, máy làm cột tròn (CNC); máy khắc đá 3D... Hiện tại Phuquy Stone có 3 nhà máy với tổng công suất 500.000 m2/năm, trong đó 1 nhà máy chính đặt trụ sở tại Thị trấn Quỳ Hợp và 2 nhà máy đặt tại 2 mỏ. Cũng từ việc mạnh dạn đầu tư chế biến sâu này mà Phuquy Stone không chỉ cung cấp sản phẩm đá ốp lát cao cấp cho ngành vật liệu xây dựng, còn cho ra đời các sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ đạt độ tinh xảo cao, được khách hàng trong và ngoài nước đón nhận. Ông Nguyễn Giang Hoài, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ cho biết: Ý tưởng của doanh nghiệp sẽ đưa các sản phẩm đá ốp lát, mỹ nghệ được chế tác từ đá vùng Phủ Quỳ vươn xa hơn nữa với việc xây dựng showroom quảng bá thương hiệu sản phẩm, liên kết giữa nhà sản xuất trên địa bàn huyện với khách hàng khắp mọi miền.

Còn Công ty CP Khoáng sản và Thương mại Trung Hải là doanh nghiệp đi đầu, hoàn toàn chủ động trong đổi mới công nghệ nghiền bột đá siêu mịn với việc đầu tư lắp đặt dây chuyền công suất 60.000 tấn bột đá/năm. Thời gian trước công ty chuyên khai thác block, từ 2013 trở lại đây chế biến đá ốp lát, đá xuất khẩu cỡ 10x40. Đơn vị nhận thấy chỉ có đầu tư chế biến sâu mới đưa lại lợi nhuận tối ưu và đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, dây chuyền nghiền bột đá siêu mịn của công ty là công nghệ của CHLB Đức do phía Nhật Bản liên doanh với đơn vị đầu tư đảm bảo công nghệ tiên tiến nhất, bởi sản phẩm có độ mịn đạt đến 40 micron (hiện tại bột đá mới chỉ đạt >50 micron). Ông Nguyễn Trung Hải, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: Hiện tại công ty đang đầu tư xây dựng nhà xưởng, phấn đấu đến đầu năm 2016 dây chuyền sẽ chính thức cho ra sản phẩm theo kế hoạch.

Ngoài 2 doanh nghiệp tiên phong trên lĩnh vực này thì các doanh nghiệp khai thác chế biến đá khác trên địa bàn huyện Quỳ Hợp cơ bản đã thực hiện đổi mới công nghệ khai thác và chế biến. Việc khai thác trên hiện trường thay thế dần phương pháp thủ công khoan hơi dùng mìn nổ để tách đá tại mỏ, bằng máy khoan, cắt đá bằng dây kim cương, vừa đảm bảo đá khai thác nguyên khối, vừa tận dụng được tài nguyên. Về các cơ sở chế biến đá, hiện Quỳ Hợp có 150 xưởng (120 xưởng của doanh nghiệp, 30 xưởng của hộ cá thể), đều có những giải pháp cụ thể về đầu tư đổi mới công nghệ nên đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đổi mới dây chuyển công nghệ của các cơ sở chủ yếu lắp đặt hệ thống máy tời vận chuyển đá, máy cưa cắt, máy mài đánh bóng theo các kích cỡ khác nhau... Có doanh nghiệp đầu tư hệ thống máy mài, đánh bóng tự động khổ lớn; máy cưa, đánh bóng cột tròn, máy chạm khắc kỹ thuật số 3D... như Công ty đá Phủ Quỳ. Về chế biến đá siêu mịn có 6 cơ sở với tổng công suất 12.000 tấn/ năm, khép kín quy trình từ hệ thống cấp nguyên liệu, hệ thống nghiền, hệ thống đóng gói... Trên lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến đá, mặc dù so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội không đạt nhưng những tín hiệu đáng mừng trong việc đổi mới công nghệ cả khai thác lẫn chế biến đã cho thấy tín hiệu khả quan trong thời gian tới.

Các đơn vị khai thác, tinh luyện thiếc cũng thực sự trăn trở đầu tư đổi mới các công đoạn: khai thác, tuyển quặng và tinh luyện. Công nghệ tuyển quặng bằng dùng súng bắn nước tuyển rửa, sử dụng bàn tuyển rung tự động để tận thu quặng thiếc đạt hiệu quả cao. Trong khai thác lộ thiên, việc vận chuyển đất, đá cho tuyển quặng một số doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống tời, vận chuyển bằng ròng rọc có động cơ, đảm bảo an toàn cho người lao động. Về hệ thống chế biến tinh luyện, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng thêm 4 xưởng luyện, nâng tổng công suất tinh luyện thiếc từ 2.000 tấn/năm lên 4.000 tấn thiếc thỏi/năm. Tuy nhiên, một thực tế công nghệ luyện thiếc trên địa bàn huyện vẫn chủ yếu của Trung Quốc, sản phẩm sau khi tinh luyện đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, song giá trị xuất khẩu đưa lại không cao, vẫn thấp thua nhiều giá so với một số quốc gia có sản phẩm thiếc tinh luyện. Điều này theo ý kiến của các chuyên gia là do công nghệ tinh luyện thiếc hiện nay trên địa bàn vẫn chưa phải tiên tiến nhất, đang ở dạng “gia công” khi một số nước nhập khẩu thiếc thỏi của ta để tinh luyện lại tạo sản phẩm giá trị cao hơn nhiều(?). Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng thiếc xuất khẩu từ năm 2012 đến nay tăng không đáng kể, giao động từ 1.255 tấn lên 1.530 tấn, chỉ đạt 40% công suất chế biến của các dây chuyền hiện có và giá trị kim ngạch xuất khẩu theo đó cũng chưa cao. Do vậy, nhanh chóng đổi mới công nghệ chế biến để từ đó nâng giá trị sản phẩm thiếc tinh luyện dạng thỏi ở mức cao nhất là vấn đề đặt ra rất cấp bách đối với Quỳ Hợp trong thời gian tới đây.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp khẳng định: Để ngành công nghiệp khai thác khoáng sản địa phương phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo giá trị xuất khẩu cao, thời gian tới huyện sẽ rà soát, củng cố và cùng với doanh nghiệp nâng cấp các cơ sở chế biến đá, khoáng sản quy mô vừa và nhỏ... Đối với sản phẩm thiếc tinh luyện, huyện đang đề nghị Bộ KHCN, UBND tỉnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ công nghệ tốt nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Hồng Sơn

Hướng đi tất yếu trong công nghiệp khai khoáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO