Hướng mở cho câu chuyện 9 giáo viên ‘nhiều không’ ở Thanh Chương

Phạm Bằng 26/05/2019 10:49

(Baonghean.vn) - Tuyển dụng sai quy trình nhưng không hủy bỏ; xếp lương mức khởi điểm 1,86 với tất cả giáo viên là chưa phù hợp… Đó là kết luận của tổ công tác về việc 9 giáo viên sau 10 năm viên chức bỗng dưng trở thành hợp đồng ở Thanh Chương.

Chuyện những cô giáo 'nhiều không' ở Thanh Chương

Chuyện những cô giáo 'nhiều không' ở Thanh Chương

(Baonghean) - Sau hơn 9 năm công tác, 9 giáo viên ở huyện Thanh Chương không được nâng lương, chuyển ngạch và hưởng các chế độ, quyền lợi khác. Họ phải chật vật xoay sở với số tiền lương khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Báo Nghệ An điện tử số ra ngày 2/5/2019 có bài viết:Chuyện những cô giáo ''nhiều không" ở Thanh Chương?”, phản ánh nội dung: Sau 10 năm được UBND huyện ra quyết định công nhận là viên chức, 9 trường hợp công tác trong ngành giáo dục tại huyện Thanh Chương buộc phải chuyển sang hợp đồng theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều đặc biệt là 9 giáo viên ở huyện Thanh Chương không được nâng lương, chuyển ngạch và hưởng các chế độ, quyền lợi khác. Họ phải chật vật xoay xở với số tiền lương khởi điểm 1,86, tức khoảng 2 triệu đồng/tháng.

9 trường hợp là giáo viên, nhân viên ngành giáo dục ở Thanh Chương gần 10 năm qua không được nâng lương. Ảnh: P.B
9 trường hợp là giáo viên, nhân viên ngành giáo dục ở Thanh Chương gần 10 năm qua không được nâng lương. Ảnh: P.B

Sau khi bài viết đăng tải, Sở Nội vụ Nghệ An đã có báo cáo trên cơ sở kết quả làm việc của tổ công tác liên ngành giữa Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo với UBND huyện Thanh Chương, 9 giáo viên đứng đơn.

Kết quả xác minh cho thấy, giai đoạn từ năm 2006 - 2010, UBND huyện Thanh Chương đã ký quyết định tuyển dụng 124 trường hợp (85 giáo viên, nhân viên và hợp đồng 39 giáo viên), trong đó có 9 giáo viên đứng đơn mà Báo Nghệ An phản ánh.

Năm 2014, Thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra chuyên đề về công tác tuyển dụng tại huyện Thanh Chương. Tại Kết luận thanh tra số 74/KL-TTr ngày 22/5/2015 của Thanh tra tỉnh cho thấy, việc huyện Thanh Chương tuyển dụng 85 người và hợp đồng 39 nhân viên nói trên không thực hiện đúng quy trình tuyển dụng và hợp đồng, tuyển dụng thừa so với số biên chế được giao.

Quyết định công nhận kết quả tuyển dụng viên chức của chị Thái Thị Quỳnh vào năm 2010. Ảnh: P.B
Quyết định công nhận kết quả tuyển dụng viên chức của chị Thái Thị Quỳnh vào năm 2010. Ảnh: P.B

Theo báo cáo của huyện Thanh Chương, sau khi có kết luận thanh tra, UBND huyện này không ban hành quyết định hủy bỏ các quyết định tuyển dụng cũng như chấm dứt với các hợp đồng sai quy định để đảm bảo ổn định tình hình chính trị trên địa bàn, cũng là để thể hiện tính nhân văn trong xử lý về mặt con người.

Do đặc điểm ngành Giáo dục Thanh Chương trong thời gian qua, bậc tiểu học và THCS đang dôi dư nhiều trong khi mầm non lại đang thiếu giáo viên nên UBND huyện Thanh Chương đã bố trí ngân sách để vận động số giáo viên, nhân viên hợp đồng đi đào tạo trung cấp sư phạm mầm non, hỗ trợ kinh phí mở lớp, ưu tiên tuyển dụng vào biên chế ở cấp tiểu học… để giải quyết số giáo viên biên chế và hợp đồng sai quy định nói trên.

Đến nay, đã tuyển dụng vào bậc tiểu học và mầm non 89 trường hợp, chuyển sang hợp đồng theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP là 29 trường hợp (trong đó có 9 giáo viên nói trên). Chỉ còn 1 trường hợp đang hợp đồng nhân viên kế toán, còn 5 giáo viên khác đã bỏ dạy.

Mặc dù đã được công nhận kết quả tuyển dụng viên chức nhưng các cô giáo này lại phải ký hợp đồng lao động sau 9 năm công tác. Ảnh: P.B
Mặc dù đã được công nhận kết quả tuyển dụng viên chức nhưng các cô giáo này lại phải ký hợp đồng lao động sau 9 năm công tác. Ảnh: P.B

Về nội dung kiến nghị sau khi học xong trung cấp mầm non, 9 giáo viên này được tiếp nhận là giáo viên mầm non nhưng vẫn phải hợp đồng, hưởng mức lương khởi điểm với hệ số 1,86. Liên quan đến vấn đề này, quá trình ký hợp đồng, do UBND huyện Thanh Chương lúng túng nên tự đưa ra mức lương khởi điểm như vậy.

Tuy nhiên, sau khi thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo, ngày 26/4/2019, Sở Nội vụ đã có ý kiến tại Văn bản số 910, hướng dẫn huyện Thanh Chương phải xếp lương theo quá trình công tác có đóng BHXH trước đó cho 9 giáo viên này.

Sau khi có công văn báo cáo từ Sở Nội vụ Nghệ An, ngày 15/5/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Minh Thông đã ký Công văn gửi Giám đốc Sở Nội vụ và Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương.

UBND tỉnh giao trách nhiệm cho UBND huyện Thanh Chương, tổ chức làm việc với 9 giáo viên để thống nhất cách giải quyết. Trong trường hợp các giáo viên này chấp hành với quyết định tuyển dụng hợp đồng giáo viên theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP ngày 5/01/2018 của Chính phủ thì tiến hành xếp lương theo quá trình đóng BHXH trước đó của từng giáo viên.

Khi có chỉ tiêu biên chế thì ưu tiên tuyển dụng 9 trường hợp này, đồng thời quan tâm bố trí vào vị trí việc làm phù hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường công tác đối với giáo viên sau khi được tuyển dụng.

Mới nhất

x
Hướng mở cho câu chuyện 9 giáo viên ‘nhiều không’ ở Thanh Chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO