Hướng mới trong hoạt động đối ngoại của Nghệ An

03/12/2015 09:22

(Baonghean) - Trước nay tỉnh Nghệ An có quan hệ truyền thống với các tỉnh của các nước như tỉnh Côtes d’Amor (Pháp), tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), tỉnh Ulyanovsk (Liên bang Nga). Trong thời kỳ hội nhập tỉnh đã tăng cường quan hệ hợp tác với các nước phát triển như Mỹ, Anh, Hàn Quốc và đặc biệt với Nhật Bản...

Đoàn công tác của Tỉnh Nghệ An làm việc với Ngân hàng Tokyo Mitshubishi UFJ, Nhật Bản.
Đoàn công tác của Tỉnh Nghệ An làm việc với Ngân hàng Tokyo Mitshubishi UFJ, Nhật Bản.

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có từ thế kỷ 16, khi các nhà buôn Nhật Bản đến Việt Nam buôn bán. Năm 1909, tàu buôn Nhật Bản đã đến Nghệ An buôn bán tại huyện Hưng Nguyên - Nghệ An sau đó do thiên tai, khí hậu, nên họ đã di chuyển đến vùng đất khác. Khi chí sỹ Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX (1906) đưa 200 thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản học, là bước khởi đầu đặt nền tảng cho quan hệ ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Nhật Bản. Việt Nam chính thức lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản ngày 21/9/1973, từ đó đến nay quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển nhanh chóng và mở rộng trên nhiều lĩnh vực với sự tin cậy cao.

Đối với tỉnh Nghệ An, thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã rất quan tâm đến mở rộng quan hệ với các tỉnh của Nhật Bản, đại sứ và các tổ chức quốc tế như JICA, JETRO, vì vậy đã có nhiều dự án ODA và NGO đầu tư vào Nghệ An với 45 dự án, số tiền 10.770 tỷ đồng. Dự án nâng cấp thủy nông Bắc Nghệ An với tổng số vốn 5.700 tỷ đồng do JICA Nhật Bản tài trợ là một ví dụ hết sức điển hình về hiệu quả. Rồi Dự án nâng cấp bệnh viện nhi, Quy hoạch phát triển du lịch, Dự án phát triển cây trồng có hiệu quả; cống ngăn mặn giữ ngọt Sông Lam (2.500 tỷ đồng) đang được JICA nghiên cứu tài trợ sẽ là nguồn lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An sắp tới. Các doanh nghiệp Nhật Bản đến từ tỉnh Gifu cũng đã đầu tư có hiệu quả tại Nghệ An, vì vậy việc lãnh đạo tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu hợp tác với tỉnh Gifu được xúc tiến từ năm 2012.

Đoàn công tác thăm mô hình xưởng chế tạo mô hình Nhà lắp ghép của Cty Yabashi.
Đoàn công tác thăm mô hình xưởng chế tạo mô hình Nhà lắp ghép của Cty Yabashi.

Gifu là một tỉnh thuộc miền Trung Nhật Bản, nằm sâu trong đất liền (không có biển), có diện tích 10.621,17 km2, dân số 2.101.683 người, là một tỉnh có tiềm năng về du lịch, công nghiệp và nông nghiệp. Ở đây có di sản văn hóa thế giới là làng cổ Shiraka, phố cổ Hida Takayama, có làng suối nước nóng Okuhida, thác nước vĩ đại Osak, bùa hộ mệnh Sarubobo, lâu đài cổ đẹp nhất Nhật Bản Senguku tọa lạc trên đỉnh núi cao. Thành phố Seki là trung tâm chế tạo kiếm nhật, dao, kéo sắc nhất thế giới, có cáp treo Shin Hotaka hai tầng dài nhất và duy nhất ở Nhật Bản với độ cao 2.156m.

Ở tỉnh Gifu còn có nhiều lễ hội phong phú và nổi tiếng của Nhật Bản, có thịt bò Hida và cá hương ngon nổi tiếng cùng các đặc sản khác. Tỉnh Gifu còn nổi tiếng có nền công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, ở đây nổi tiếng với cơ khí chế tạo, các thương hiệu lớn như: Misubishi, Kawashaki, Toyota,... và là nơi sản xuất đồ gỗ, đồ gốm nổi tiếng với 400 năm (chiếm 60% thị phần Nhật Bản). Nghề sản xuất giấy cổ đẹp nổi tiếng có từ 1.300 năm rất phát triển, nền nông nghiệp Gifu nổi tiếng với việc sử dụng công nghệ hiện đại, áp dụng công nghệ di truyền tạo ra năng suất, chất lượng hiệu quả cao. Riêng năng suất cây trồng tại đây cao gấp hàng chục, hàng trăm lần năng suất cây trồng chúng ta như cây cà chua, cây cam, cây hồng...

Để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, lãnh đạo tỉnh đã ký kết bản ghi nhớ về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa 2 tỉnh Nghệ An và Gifu. Việc hợp tác chủ yếu trên 5 lĩnh vực: Du lịch; nông nghiệp; đầu tư; giáo dục - đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch. Cụ thể:

Về du lịch: Hai bên tổ chức Hội thảo du lịch và cử các đoàn xúc tiến du lịch sang thăm lẫn nhau, các công ty lữ hành mở tua, tuyến du lịch và quảng bá tiềm năng du lịch 2 bên.

Đối với nông nghiệp: Tăng cường trao đổi kỹ thuật, cử chuyên gia bao gồm giảng viên, tiếp nhận học viên nhằm tiếp thu công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về đầu tư: Khuyến khích, dẫn dắt doanh nghiệp đầu tư sang hai tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư để doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả và ngày cảng đông.

Về giáo dục đào tạo: Hai bên khuyến khích các trường đại học nghiên cứu hợp tác thông qua chương trình phù hợp, trao đổi sinh viên, trao đổi nguồn lực trong học thuật và công nghiệp, nông nghiệp, y tế.

Về văn hóa thể thao: Hai bên tăng cường giao hữu thể thao tập trung vào thế hệ trẻ để tăng cường tình hữu nghị. Hai bên nỗ lực chia sẻ văn hóa và phong tục truyền thống làm sâu sắc thêm tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau.

Đoàn công tác của tỉnh làm việc với Viện Công nghệ thông tin và sản xuất phần mềm tỉnh Gifu
Đoàn công tác của tỉnh làm việc với Viện Công nghệ thông tin và sản xuất phần mềm tỉnh Gifu.

Trước thềm hội nhập TPP, hợp tác giữa Nghệ An và tỉnh GIFU là điều kiện thuận lợi mở ra một hướng đi mới trong kinh tế đối ngoại, hợp tác quốc tế. Hiện nay Nghệ An đang cần vốn, cần công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý để phát huy tiềm năng, khoáng sản, đất đai, nguồn nhân lực... là những thế mạnh phát triển của tỉnh; phải tập trung phát triển đội ngũ doanh nhân để thông qua hợp tác làm chủ công nghệ tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

Việc thỏa thuận hợp tác là một dấu ấn tốt, nhưng tốt hơn nữa là biến những thỏa thuận đó thành hiện thực, những công nghệ Nhật Bản sẽ tỏa sáng trên đồng đất Nghệ An bằng những sản phẩm có năng suất, chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trong nước và thế giới. Sau khi ký kết hợp tác tỉnh Nghệ An sẽ ban hành kế hoạch, tiến độ để thực hiện sát sao có hiệu quả từng chương trình. Việc kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh với các nhà đầu tư Nhật Bản để cùng hợp tác, cùng đầu tư, cùng chuyển giao công nghệ là một vấn đề trọng tâm. Trước mắt tỉnh Nghệ An sẽ cử cán bộ nông nghiệp sang Nhật Bản để học 14 tháng về kỹ thuật nông nghiệp. Đây là những hạt giống đầu tiên tạo nền tảng để gây dựng nền nông nghiệp hiện đại của Nghệ An.

Đất nước trong thời kỳ hội nhập và thực hiện hội nhập hiệp định TPP, thuận lợi nhiều nhưng cũng không kém phần thách thức, vì vậy đòi hỏi các ngành, các cấp, doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu, hợp tác, nắm bắt công nghệ, làm chủ công nghệ tạo ra sản phẩm thương hiệu Nghệ An, góp phần quan trọng đưa tỉnh nhà phát triển.

HỒ ĐỨC PHỚC

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An

TIN LIÊN QUAN

Hướng mới trong hoạt động đối ngoại của Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO