Hướng phát triển cánh đồng mẫu lớn

03/10/2015 10:06

(Baonghean) - Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) là kết quả của sự hợp tác, liên kết giữa 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý). Trong đó nhà nông và nhà doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Tổ chức sản xuất theo mô hình CĐML sẽ loại bỏ dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, cơ cấu cây trồng manh mún, cơ cấu giống phân tán và từng bước hình thành cánh đồng lớn (CĐL) lên đến hàng trăm, hàng ngàn ha. Cũng từ đây sẽ từng bước khép kín quá trình tổ chức lại sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Làm được như vậy mới hạn chế được khâu trao đổi mua bán qua trung gian và tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Ở Nghệ An, việc tổ chức sản xuất xây dựng CĐML được triển khai thực hiện từ năm 2012 và hầu hết thực hiện trên cây lúa. Để khuyến khích thực hiện tốt chủ trương xây dựng CĐML, HĐND tỉnh Nghệ An đã có Nghị quyết số 28/2011 hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2012 - 2015. Sở NN&PTNT đã chủ động triển khai việc xây dựng mô hình CĐML trên cây lúa ngay từ vụ xuân 2012.

Kế quả năm 2012, toàn tỉnh xây dựng được 2.009,3 ha CĐML về cây lúa ở 31 xã thuộc 10 huyện. Hầu hết các xã xây dựng CĐML nói trên đều có sự liên kết với các doanh nghiệp như Tổng công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty TNHH khoa học công nghệ Vĩnh Hòa… Thông qua ký kết hợp đồng xây dựng và bao tiêu sản phẩm sản xuất ra trên CĐML cho bà con nông dân.

CĐML thực sự đã đem lại hiệu quả lớn cho người sản xuất. Nhưng trong thực tế, sau năm 2012 trở đi chủ trương mở rộng diện tích CĐML không những không tăng thêm mà lại giảm dần. Cụ thể là sang năm 2013, diện tích lúa được sản xuất trên CĐML chỉ còn lại 1.376 ha ở thuộc 7 huyện. Đến năm 2014, phong trào xây dựng CĐML tiếp tục giảm mạnh và chỉ còn lại gần 1.000 ha, rải rác ở các huyện: Nam Đàn, Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu và Nghi Lộc. Năm 2015 này, phong trào xây dựng CĐML chỉ còn lại 9 xã ở 7 huyện, đó là: xã Diễn Liên (Diễn Châu); xã Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu); xã Nghi Hoa và Nghi Đồng (Nghi Lộc); xã Nam Nghĩa và Nam Cát (Nam Đàn); xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên); xã Hưng Chính (Thành phố Vinh) và xã Thanh Tiên (Thanh Chương).

Thực trạng phong trào xây dựng CĐML ở tỉnh ta những năm vừa qua có chủ trương, có phát động, có cơ chế chính sách, tạo dấu mốc quan trọng góp phần vào việc cải cách và tái cơ cấu lại nông nghiệp. Bởi vì mô hình CĐML sẽ giúp giải quyết khép kín quá trình tổ chức lại sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm làm ra, hạn chế khâu trung gian, hóa giải mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp để cùng có lợi. Nhưng phong trào đang có dấu hiệu nguội dần. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có mâu thuẫn giữa mục tiêu xây dựng đội ngũ nông dân hiện đại, chuyên nghiệp với thực trạng thu nhập của lao động nông nghiệp hiện nay quá thấp so với các ngành nghề lao động khác. Từ đó người sản xuất thiếu mặn mà trong việc đầu tư nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tuy có ký kết hợp đồng nhưng rất lỏng lẻo. Những vụ "bẻ kèo" khi thị trường có biến động đã diễn ra từ cả 2 phía doanh nghiệp lẫn nông dân. Trong trường hợp ấy, bên thiệt hại không thể làm gì được, bởi hiện không có quy định pháp luật cụ thể nào để xử lý. Sự thành công nhiều hay ít về chủ trương xây dựng CĐML là sự kết hợp của 4 nhà. Trong đó nhà nông và nhà doanh nghiệp đóng vai trò then chốt, nhà doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Riêng 2 nhà: khoa học và quản lý thật sự chưa có sự kết hợp chặt chẽ...

Chủ trương của Bộ NN&PTNT về phát triển nông nghiệp kể từ năm 2016 trở đi đặc biệt coi trọng xây dựng CĐML, CĐL ở tất cả các loại cây trồng, nhất là cây lúa trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Từ chủ trương đó, định hướng mục tiêu chương trình xây dựng CĐML, CĐL trong năm 2016 và những năm tiếp theo phải được triển khai thực hiện thành phong trào lớn trong toàn tỉnh và coi nhiệm vụ này là một nội dung lớn để thực hiện tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả.

Để chủ trương xây dựng CĐML, CĐL được triển khai thực hiện tốt, chúng ta cần làm tốt mấy vấn đề sau đây:

Một là, mỗi một cơ sở sản xuất cần lựa chọn cây trồng có lợi thế, có khả năng sản xuất hàng hóa lớn.

Hai là, phải thật sự có sự vào cuộc đồng thuận và mạnh mẽ của cả 4 nhà, trong đó nhà doanh nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Ba là, cùng với sự vào cuộc của 4 nhà tham gia vào việc xây dựng CĐML, CĐL, còn cần phải có bàn tay kiến thiết chính sách, cơ chế đủ mạnh từ phía nhà nước. Có làm được như vậy thì mới tạo nên sự chuyển biến căn bản, toàn diện trong việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và nâng cao thu nhập cho nông dân hiện nay.

Doãn Trí Tuệ

Mới nhất
x
Hướng phát triển cánh đồng mẫu lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO