Hướng tới giá trị chân – thiện – mỹ trong mùa lễ hội

Minh Quân 02/03/2024 11:07

(Baonghean.vn) - Trong không khí của các lễ hội đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

P.V:Thưa ông, các địa phương trong cả nước đang bước vào cao điểm của mùa lễ hội đầu Xuân Giáp Thìn 2024 với nhiều hoạt động đặc sắc, phong phú. Và ở nhiều di tích đền, chùa gắn với các lễ hội thường có các hoạt động như đốt vàng mã, dâng sao giải hạn… và các hoạt động này đặc biệt phổ biến trong mùa lễ hội. Ông có thể cho biết nguồn gốc của các hoạt động này trong đời sống tín ngưỡng của người dân Việt Nam?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Về tục đốt vàng mã, tôi xin được phân tích rõ về định nghĩa cũng như tín ngưỡng. “Vàng mã” từ Hán - Việt là “mã hoàng”, trong đó “mã” có nghĩa là tế thần đất, tế cõi âm. Nó nằm trong từ “tế mã” và được giải nghĩa là: Thuở xưa, khi quân lính đi đến đâu thì lập đàn tế thần đất ở đó, gọi là “tế mã”. Sau này chữ “mã” tách ra nhưng vẫn mang ý nghĩa là tế phần âm.

bna-nha-nghien-cuu-nguyen-hung-vi-anh-nvcc-427.jpg
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Ảnh: NVCC

Chữ “hoàng” được từ điển giải thích là “tờ giấy có hình in đồng tiền để cúng tế, hoặc tờ giấy được thếp màu để cúng tế”. “Mã” có vùng phát âm thành “mạ”, còn “hoàng” phát âm thành “vàng” (chữ “hoàng” với nghĩa màu vàng cũng phát âm thành “vàng”). Vậy “vàng mã” là tờ giấy in hoặc thếp hình tiền để cúng cho cõi âm. Nhiều người không tra cứu tưởng “mã” là ngựa và “vàng” là vàng nén.

Về tín ngưỡng, ngày xưa quan niệm chết là sang sống ở thế giới khác nên người ta chôn theo công cụ, vũ khí của người chết. Dần dần, người ta thấy như vậy là lãng phí, vả lại, sinh ra nạn đào trộm mồ mả, nên người ta chế ra đồ giả chôn theo gọi là đồ “minh khí” (“minh” là u minh, tối tăm, âm phủ, “khí” là đồ dùng). Đến thời nhà Hán, kỹ thuật làm giấy phổ biến rộng, người ta thay đồ “minh khí” bằng giấy và đốt cho người đã khuất.

Như vậy, trong quá trình xuất hiện vàng mã, có yếu tố tín ngưỡng, yếu tố mê tín, nhưng giàu tính biểu trưng, và là một phương thức tiết kiệm trong tục cúng tế cho người chết. Sau này, các thầy cúng của đạo giáo phát triển thành lễ, và trở thành một phong tục, tập quán lâu đời ở phương Đông.

Còn tục dâng sao giải hạn xuất phát từ quan niệm mỗi năm, con người sẽ ứng với một sao chủ trong 9 ngôi sao (cửu diệu) là Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hán, Thủy Diệu, Kế Đô, La Hầu.

Trong 9 ngôi sao ứng với vận hạn của tuổi từng người thì có 2 sao La Hầu và Kế Đô là thuộc về tri thức chiêm tinh Ấn Độ cổ đại. Riêng 7 sao khác thì chiêm tinh Đông Tây đều có cả.

Từ 9 tinh tú đó, họ kết hợp với tử vi của tuổi nam và tuổi nữ để phán. Có 3 sao tốt là Thái Âm, Thái Dương, Mộc Đức (Mặt Trăng, Mặt Trời Và Sao Mộc), 6 sao còn lại là sao xấu - làm hại đến sức khỏe, tiền tài, vận mệnh con người, và xấu nhất là Sao Thái Bạch (Sao Kim). Ai gặp sao xấu chiếu mệnh thì phải làm lễ dâng sao giải hạn để được giải tai ách trong cuộc sống. Đây là một tín ngưỡng tổng hợp của Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo và tín ngưỡng dân gian.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ sinh năm 1955 tại xã Hưng Khánh, nay là xã Hưng Thành (Hưng Nguyên), hiện sống tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1977 và nghiên cứu, giảng dạy ở Khoa Ngữ văn từ năm 1978 cho đến năm 2016 thì nghỉ hưu.

Ông được đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu các chuyên ngành văn học trung đại, văn học dân gian, văn hóa dân gian, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu về văn hóa dân gian Việt Nam, với hàng nghìn bài viết đăng trên các báo, tạp chí trên lĩnh vực này.

P.V:Được biết, nhiều năm qua, trong dịp lễ hội đầu Xuân năm mới cũng như trong cuộc sống hằng ngày của người dân, việc thực hành các hoạt động tín ngưỡng này đã và đang có những biến tướng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Với vai trò là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Trong các lễ hội hiện nay, các hoạt động như đốt vàng mã, dâng sao giải hạn hay bói toán xin xăm... là những hoạt động mê tín. Nó thuộc về phần tiêu cực của tín ngưỡng.

Chẳng hạn như tục đốt vàng mã ở Việt Nam trong quá trình phát triển dần đi xa khỏi mục đích ban đầu tốt đẹp của nó, và đến bây giờ thì đã trở nên thái quá. Ngày xưa các cụ dạy “lễ bạc tâm thành”, đốt vàng mã là để con cháu nhớ đến tổ tiên, mong tổ tiên có được cuộc sống an lành ở thế giới bên kia, cầu mong và cũng là báo cho tổ tiên biết là con cháu sống yên ổn, ăn nên làm ra. Nhưng bây giờ ý nghĩa tốt đẹp đó đã nhường chỗ cho sự mê tín, cho rằng càng đốt nhiều càng được nhiều tài lộc, ganh đua nhau để đốt, “con gà tức nhau tiếng gáy”, nhà giàu có, nhà khó cũng cố theo, dẫn đến sự thái quá tràn lan trong toàn xã hội, không những lệch lạc về nhận thức mà còn ảnh hưởng đến kinh tế cũng như môi trường.

Còn về dâng sao giải hạn, việc liên hệ “cát, hung” ứng với tuổi từng người là những định kiến của tín ngưỡng, không có cơ sở khoa học thực sự. Khi định kiến trở thành tín ngưỡng thì việc tin hay không tin là tùy thuộc vào từng người, chúng ta tôn trọng niềm tin hay việc không tin của họ. Chắc chắn là cả thế giới này, việc cúng sao giải hạn không phải ai cũng làm.

bna-nguoi-dan-viet-so-cung-dang-sao-giai-han-tai-den-qua-son-626.jpg
Người dân viết sớ cúng dâng sao giải hạn. Ảnh: Minh Quân

Tôi xin lấy ví dụ sau đây để thấy thầy cúng, thầy chùa làm giải hạn không có những hiểu biết cơ bản mà vẫn tiến hành làm lễ cho mọi người. Một lần, tôi đến một ngôi chùa ở miền Bắc vào dịp cúng giải hạn sao La Hầu. Một “đại đức” khá nổi tiếng đứng lên thuyết giảng: “Mọi người có biết “La Hầu" là gì không? “La” là kêu to lên, “hầu” là cái cuống họng. Khi chúng ta gặp hạn như đâm xe chẳng hạn thì chúng ta làm gì? Dùng họng mà la to lên. Thế đấy...”. Rồi “đại đức” thiên hô bát sát về các tai nạn, về việc cần giải hạn...

Thực ra, La Hầu không phải là một ngôi sao, nó là một hiện tượng thiên văn đặc biệt nhưng có quy luật: Nguyệt thực và nhật thực. Tín ngưỡng Ấn Độ cổ xưa đã coi đó là sao (Rahula, chuyển âm Hán là “La hầu la”, nói gọn là La Hầu, nghĩa của từ này là chướng nguyệt - che mặt trăng và chấp nhật - che mặt trời) rồi huyền thoại hóa thành một vị thần (Atula). Phật giáo đã tiếp thu vị thần này vào kinh điển của mình.

Còn Sao Kế Đô (chữ Phạm và Pali là “ketu”) vốn là hiện tượng sao chổi chứ không phải là ngôi sao cố định như những sao khác. Văn hóa Ấn Độ cổ đại đã huyền thoại hóa hiện tượng này. Phật giáo đồ tường thành hình ảnh của phan, phướn, tinh kỳ, cờ... Một tấm vải hoặc giấy hình vuông, lục giác, bát giác khởi thủy có in hình ngôi sao, kết vào đó là những tua rua từ một màu đến nhiều màu (tùy nghi lễ mà thay sao bằng hình ảnh hoặc con chữ, tua rua khác) tượng trưng đuôi sao chổi. Họ dùng để làm lễ trừ ám chướng, ma tà.

Như vậy, hai nguồn gốc chính của thực hành đạo giáo Trung Hoa và một phần là các nghi quỹ (luật lệ, quy phạm) của Phật giáo Ấn Độ khi lan tỏa vào phương Đông đã được chúng ta tiếp biến tiêu cực. Những kiến thức thiên văn cổ xưa đã bị lợi dụng để cầu cúng. Người làm lễ không hiểu và người đi lễ cũng không hiểu thì đó chính là mê tín.

Người ta vẫn đến các đền, chùa dâng sao giải hạn rất đông vì nhiều lẽ. Trong 9 sao có tới 6 sao xấu thì tín đồ mê tín đến lễ đã là 2/3 rồi. Nhưng cơ bản nhất là vấn đề tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Nhưng nhiều người ở các quốc gia khác không theo cúng sao cũng không gặp vận hạn, vẫn văn minh phát triển đó thôi. Tín ngưỡng thì tùy chuyện tin hay không tin, nhưng mê muội vào điều mê tín thì hoàn toàn không nên chút nào.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

P.V:Là một người quê Nghệ An, chắc hẳn ông đã rất nhiều lần tìm hiểu, trải nghiệm không khí du Xuân ở các di tích đền, chùa cũng như các lễ hội đầu Xuân ở Nghệ An. Ông có thể chia sẻ một số cảm nhận của mình về các lễ hội cũng như hoạt động tín ngưỡng ở các lễ hội này?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Nghệ An được biết đến là vùng đất nhiều di sản hệ thống đền, chùa, miếu mạo khá dày đặc cơ bản làng, xã nào cũng có di tích và theo đó tùy quy mô nhưng hầu như làng nào cũng có lễ hội gắn với các di tích.

Trải qua thời gian chiến tranh khó khăn, sau khi hòa bình lập lại nhiều di tích bị mai một, kéo theo đó không ít lễ hội cũng bị gián đoạn trong tổ chức. Và sự phục hưng lễ hội ở Nghệ An cũng muộn hơn đồng bằng Bắc Bộ.

bna-du-khach-thap-phuong-chiem-bai-le-hoi-den-con-thi-xa-hoang-mai-nam-2024-9397.jpg
Du khách thập phương chiêm bái Lễ hội Đền Cờn (thị xã Hoàng Mai). Ảnh: Minh Quân

Gần đây, các lễ hội như đền Cờn, đền Cuông, hang Bua, đền Ông Hoàng Mười, đền Chín Gian, đền Quả Sơn, đền Bạch Mã... đã được phục dựng, đáp ứng văn hóa và tín ngưỡng của nhân dân. Các lễ hội đã sống lại nhưng do điều kiện cư dân, kinh tế và tín ngưỡng ở vùng đất này có những nét khác với Bắc Bộ cũng dẫn đến sự phong phú của hành động hội chưa được phát huy, đồng thời, các yếu tố mê tín dị đoan cũng chưa bùng phát mạnh.

P.V:Theo ý kiến cá nhân ông, để bảo đảm nếp sống văn minh trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mùa lễ hội, cần có những giải pháp gì từ phía chính quyền, các ngành chức năng và cả người dân?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Lễ hội truyền thống có cả một hệ giá trị đáng quý rất cần bảo tồn, phát huy, phát triển như: Cảm hứng về nguồn cội, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tinh thần đồng thuận cộng đồng, động thái trình diễn tổng hợp (đám rước, nghi lễ, trò diễn, dân ca, sân khấu, trang trí, triển lãm, ẩm thực, giao tiếp, lễ nghĩa), tinh thần khẳng định cá nhân và nhu cầu hạnh phúc được khẳng định và tôn trọng, mở rộng quan hệ xã hội qua giao tiếp đón khách, sự nghỉ ngơi vui chơi sau thời gian gắng gỏi làm ăn, khơi dậy những mong cầu, kỳ vọng trong tương lai, sự hưởng thụ toàn dân những trình diễn nghệ thuật...

den-van-1841.jpg
Quang cảnh Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào (Tương Dương) năm 2024. Ảnh: Thành Cường.

Tuy nhiên, bên cạnh những người coi lễ hội là thời điểm hướng về cội nguồn, về với những giá trị chân - thiện - mỹ, thì không ít người coi đây là dịp mặc cả, khoán ước với thần thánh để cầu lợi cho bản thân. Do đó, cần tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phát huy hơn nữa ý thức, trách nhiệm của các ban tổ chức lễ hội, ban quản lý các di tích để kịp thời xử lý, điều chỉnh những lệch lạc, biến tướng trong lễ hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Công điện số 11/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 30/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024, trong đó, yêu cầu không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn xã hội, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi, không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

Về phía người dân, cần tin và thực hành theo đúng giáo lý, giáo luật, tránh theo tâm lý đám đông để sa vào mê tín. Khi tham gia các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Mặt khác, di sản tinh thần hầu như không có cái gọi là “nguyên bản” mà vận động không ngừng, tiếp biến. Bởi vậy, việc nghiên cứu để thấu hiểu lễ hội và thấu hiểu quá trình vận động của nó là việc tiên quyết, từ đó mới nhận định được những gì là giá trị của từng lễ hội để bảo tồn giá trị đó là chủ yếu, đồng thời phân định được những gì không còn phù hợp với tinh thần nhân văn hiện đại. Cũng từ đó, ta có thể phát huy, phát triển lễ hội theo nhiều cách khác nhau để lễ hội được hấp dẫn và văn minh.

P.V:Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Mới nhất

x
Hướng tới giá trị chân – thiện – mỹ trong mùa lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO