Hương trầm Quỳnh Đôi vào mùa
(Baonghean) - Về thăm làng nghề Hương trầm Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu những ngày này mùi hương trầm êm dịu lan tỏa khắp không gian xóm làng làm quyến luyến lòng người. Năm nào cũng vậy, cứ đến những tháng giáp Tết, làng nghề lại khẩn trương sản xuất hương đại trà để phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Gia đình ông Hồ Đức Thiện ở xóm 4 với cơ sở sản xuất hương trầm Thành Tầm là một trong những hộ sản xuất hương có quy mô lớn của làng nghề hương trầm Quỳnh Đôi. Ông Thiện cho biết: “Năm nào cũng vậy, để phục vụ nhu cầu hương trầm cho khách hàng vào dịp Tết Nguyên đán, gia đình tôi cũng sản xuất với số lượng từ 40 đến 50 vạn búp hương, xuất bán cho khách hàng chủ yếu là ở Hà Nội, Đắc Lắc, Lâm Đồng và Đồng Nai… Đây là nghề truyền thống của cha ông, riêng gia đình tôi làm hương từ năm 1989. Mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình tôi lãi ròng hơn 150 triệu đồng”. Với cơ sở sản xuất hương trầm truyền thống này, gia đình ông Thiện tạo việc làm cho 6 đến 8 lao động với mức lương bình quân hơn 2 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở sản xuất hương trầm của gia đình ông Hồ Quốc Việt. |
Còn cơ sở sản xuất hương trầm của ông Hồ Quốc Việt ở xóm 4 năm nay sản xuất trên 80 vạn búp hương phục vụ Tết Nguyên đán. Ông Việt chia sẻ: “Hương trầm làng Quỳnh đã có thương hiệu, có hương thơm rất đặc trưng ngày càng được khách hàng ưa chuộng, là sự kết hợp của trên 10 vị chính như rễ cây hương lâu, hoa hồi, thảo qủa, quế chi, đinh hương, mía tím… Ngoài những vị chính, mỗi hộ ở làng nghề đều tìm tòi cho sản phẩm của mình một số vị đặc biệt khác để tạo nên hương vị, mùi thơm đặc biệt”.
Nghề làm hương trầm đã có ở Quỳnh Đôi từ những năm 80 của thế kỷ trước. Bằng bí quyết gia truyền, hương trầm Quỳnh Đôi có mùi hương không nồng đậm mà hương thơm êm dịu của các vị thuốc bắc và thảo mộc. Nguyên liệu rễ hương được mua từ xã Quỳnh Thắng, là vùng đất núi, do đó rễ hương ở đây rất thơm. Còn các nguyên liệu khác hầu hết đều được mua từ các đầu mối trong tỉnh, riêng thảo quả phải nhập về từ tỉnh Lạng Sơn. Khi đã tập trung đủ vị, những nguyên liệu này được đem phơi khô rồi xay nghiền thành bột mịn, trộn đều với nhau theo một công thức tỷ lệ nhất định thành bột hương. Còn chu hương, người dân Quỳnh Đôi chủ yếu dùng nứa. Nứa mua về được ngâm, sau đó khi thời tiết nắng nóng, nứa được chẻ bỏ phần vỏ ngoài, phần ruột trong được chẻ nhỏ làm chu, đây là phần vừa dẻo, vừa mềm và dễ cháy. Sau khi chẻ nhỏ, chu được nhuộm phẩm đỏ từ 15-20 cm để làm chân hương, rồi được phơi sương, phơi nắng, nhờ đó, hương Quỳnh Đôi luôn cháy đều, uốn cong rất đẹp.
Nghề làm hương nơi đây không chỉ tập trung vào những tháng gần Tết, mà ngay từ đầu năm vào khoảng tháng 2 âm lịch, công việc chuẩn bị đã được tiến hành, nào là đi mua nguyên liệu, mua nứa, giữa tháng 5 tháng 6 lại chẻ và phơi chu hương, phơi nguyên liệu, sau đó sang tháng 7, tháng 8 âm lịch bắt đầu đi vào sản xuất đại trà. Cho đến nay, nghề làm hương có khắp cả xã, trong đó tập trung phần lớn ở thôn 3 và thôn 4 với 360 hộ, trong đó có 124 hộ tham gia làng nghề. Nghề truyền thống này đã tạo được việc làm cho nhiều lao động trong xã, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Năm 2012, làng nghề hương trầm thôn 3 và thôn 4 Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) đã sản xuất được 419.164 búp hương các loại, trung bình 7.000 đồng/búp, tổng doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí lãi gần 1,8 tỷ đồng. Chính nhờ có nghề làm hương mà đời sống của người dân Quỳnh Đôi ngày càng khấm khá. Khẳng định với người tiêu dùng bằng chất lượng, do đó thị trường tiêu thụ sản phẩm hương trầm của làng ngày càng được mở rộng, không chỉ có trong huyện, trong tỉnh mà còn có mặt tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Gia Lai, Đắc Lắc, Vũng Tàu…
Bùi Thịnh