Huyện biên giới Nghệ An nỗ lực khắc phục tình trạng bấp bênh của vụ lúa hè thu
(Baonghean.vn) -Thời điểm tháng 10-11/2023, các huyện miền Tây vào vụ thu hoạch lúa hè thu-mùa. Qua nhiều năm gieo trồng, các địa phương đã có những cải tiến, chuyển đổi nhằm hạn chế tình trạng bấp bênh, phụ thuộc thời tiết, địa hình cũng như diễn biến thiên tai, nâng cao năng suất cây trồng.
Thử nghiệm trồng lúa vụ mùa
Là xã biên giới của huyện Kỳ Sơn, Na Ngoi có khá ít ruộng lúa nước do địa hình đồi núi vừa cao vừa dốc. Nhiều năm về trước, đồng bào nơi đây ít khi trồng lúa vụ hè thu - mùa bởi do thời tiết quá lạnh mà chủ yếu trồng lúa rẫy vụ xuân.
Vài năm trở lại nay, cùng với sự giúp đỡ về kỹ thuật, nhân lực của các đơn vị vũ trang trên địa bàn, gồm lực lượng Bộ đội Biên phòng và Đoàn Kinh tế quốc phòng 4, người dân Na Ngoi đã dần làm quen và thực hiện trồng lúa nước. Một số bản có địa hình bằng phẳng nhiều hơn như Huồi Thum hay một số điểm ở bản Phù Khả 1, người dân cũng bắt đầu thử nghiệm trồng lúa vụ hè thu - mùa, song năng suất vẫn còn bấp bênh.
Đơn cử như vụ lúa hè thu - mùa năm 2023, ở bản Phù Khả 1, theo bí thư Chi bộ Vừ Bá Tồng, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đồn Biên phòng Na Ngoi, Đoàn Kinh tế quốc phòng 4, năm nay bản thử nghiệm trồng lúa vụ mùa trên ruộng lúa nước của 3 hộ là Vừ Bá Pó, Vừ Bá Bì và Vừ Bá Xênh, số lượng giống gieo cấy 20kg lúa.
Sau hơn 3 tháng cho thu hoạch, dù là giống lúa mới cho bông khá chắc và sai trĩu hạt, song tỷ lệ sâu bệnh và bị chuột cắn phá nhiều. Nguyên nhân là do các ruộng nương xung quanh không trồng lúa và các cây trồng khác cũng đã thu hoạch, nên các đối tượng dịch hại tập trung vào ruộng lúa, nhất là nạn chuột cắn phá. Bởi vậy, nhìn chung thu hoạch lúa hè thu - mùa không khả quan.
Theo anh Vừ Bá Tồng, muốn vụ hè thu - mùa thắng lợi thì phải thực hiện trồng đồng loạt ở tất cả các ruộng của bản, hoặc của xã. Ví như ở bản Huồi Thum, khoảng 3 năm lại nay cả bản thực hiện trồng lúa mùa nên cho năng suất khá ổn định, khoảng 4-5 tạ/ha.
Toàn huyện Kỳ Sơn có hơn 800ha lúa hè thu - mùa. Hiện người dân hầu như đã thu hoạch xong, năng suất bình quân khoảng 4 tấn/ha, sản lượng 3.233,2 tấn; trong đó lúa rẫy khoảng 5.000ha, năng suất 12/tạ/ha, sản lượng 6.128 tấn.
Chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng thích hợp
Kỳ Sơn với địa hình, khí hậu khá đặc trưng, trong đó có một số địa phương như Na Ngoi, Huồi Tụ, Nậm Cắn, Tây Sơn với đặc điểm núi cao, lạnh, độ dốc lớn thì việc trồng lúa, nhất là lúa vụ mùa cần được cân nhắc.
Ví như ở Nậm Cắn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hờ Bá Pó cho biết, vụ hè thu - mùa năm 2023, trên 6 bản của xã đều có trồng lúa, song có 2 bản Khánh Thành và Pà Ca mất mùa với diện tích khoảng 60ha. Nguyên do chủ yếu là gặp nắng hạn, rồi lại mưa khiến vừa không giữ được nước lúc nắng nóng, và bị xói mòn khi mưa kéo dài.
Người dân Nậm Cắn cũng chia sẻ, mấy năm nay thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng nhiều đợt kéo dài và liên tiếp ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế của người dân, nhất là trồng trọt, nên một số hộ bỏ trồng lúa, chuyển qua trồng loại cây khác, hoặc bỏ vụ mùa. Vì thế, đối với lúa rẫy năm 2022 toàn xã Nậm Cắn chỉ đáp ứng 90,13% diện tích gieo trồng so với kế hoạch. Năm 2023 cũng tương tự.
Để hạn chế tình trạng bấp bênh, thiệt hại làm giảm năng suất cây trồng, các địa phương ở Kỳ Sơn đã có những chỉ đạo cụ thể nhằm phát huy hiệu quả trồng trọt. Ví như ở xã Nậm Cắn, lãnh đạo UBND xã cho biết, xã đang định hướng người dân dần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong đó có chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số bản. Trong đó chuyển đổi trồng lúa tự cung tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường; một số bản trồng lúa kém hiệu quả thì chuyển dần sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn như gừng, đào, lạc.
Đối với những địa phương phù hợp trồng lúa nước, huyện Kỳ Sơn cũng đã cơ cấu các loại giống lúa năng suất, chất lượng cao hơn. Trong đó, một số nơi đã thực hiện và cho kết quả khả quan, ví như tại các xã Bắc Lý, Mường Ải, Chiêu Lưu.
Cụ thể, cuối tháng 10/2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn đã tổ chức đánh giá kết quả “Mô hình thâm canh giống lúa chất lượng cao VNR 20” tại xã Mường Ải. Đây là mô hình giống lúa mới được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện trồng thử nghiệm với quy mô là 20 ha, 30 hộ dân tham gia với kinh phí thực hiện gần 500 triệu đồng. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất. Giống lúa VNR20 chiều cao từ 95 - 100 cm, lá đòng hơi to bản, đứng, đẻ nhánh khỏe, gọn khóm nên ban đầu cho thấy năng suất trung bình đạt 75 tạ/ha, cao hơn giống lúa địa phương từ 10-15%.
Giống VNR20 thấp cây nên có khả năng chống đổ tốt, kháng rầy và kháng đạo ôn tốt, thời gian sinh trưởng từ 105 - 110 ngày. Đến nay toàn bộ diện tích trình diễn giống lúa VNR20 đã thu hoạch xong. Dự kiến, huyện sẽ tiếp tục khảo sát để chuyển đổi cơ cấu giống và cây trồng cho từng địa phương cụ thể nhằm phát huy hết lợi thế, hạn chế các bất lợi, đảm bảo năng suất, chất lượng./.