Huyện Nam Đàn và Con Cuông giành giải Nhất Hội thi 'Hát dân ca trong trường học'

Mỹ Hà - Đình Tuyên 29/05/2023 22:42

(Baonghean.vn) - Hội thi là sân chơi bổ ích, là nơi các thầy, cô giáo, các em học sinh được giao lưu học hỏi, tiếp tục duy trì phong trào học và hát dân ca trong các trường học, phát hiện và bồi dưỡng các tài năng hát dân ca cho quê hương, đất nước.

Tối 29/5, UBND tỉnh đã tổ chức lễ bế mạc và trao giải Hội thi “Hát Dân ca trong trường học” tỉnh Nghệ An, lần thứ V - năm 2023.

Các đại biểu dự lễ bế mạc Hội thi Hát dân ca trong trường học. Cùng dự có đồng chí Võ Văn Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng lãnh đạo một số ban, ngành liên quan. Ảnh: Đình Tuyên

Theo đánh giá của Ban tổ chức, sau 3 ngày triển khai, Hội thi “Hát dân ca trong trường học” đã đạt mục tiêu cả về tiến độ thời gian và chất lượng chuyên môn, theo đúng yêu cầu và thể lệ đã đề ra.

Hội thi là sân chơi bổ ích, là nơi các thầy, cô giáo, các em học sinh được giao lưu học hỏi, tiếp tục duy trì phong trào học và hát dân ca trong các trường học, phát hiện và bồi dưỡng các tài năng hát dân ca cho quê hương, đất nước. Từ đó, giúp mỗi học sinh càng yêu Tổ quốc mình hơn, yêu tha thiết những khúc hát dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

NSND Trịnh Thị Hồng Lựu - Quyền Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống - Phó ban Tổ chức - Trưởng ban Giám khảo hội thi phát biểu tại lễ bế mạc. Ảnh: Đình Tuyên

Ấn tượng ở hội thi năm nay đó là ngoài các tiết mục ca ngợi quê hương, đất nước, không khí lao động hăng say, ca ngợi công ơn cha mẹ, thầy cô, mái trường, có 4 tiết mục đã đề cập đến các vấn đề nóng, mang tính thời sự của giáo dục, đó là nỗi lo học đường về nạn hút thuốc lá điện tử (huyện Thanh Chương), về việc phòng chống đuối nước (huyện Hưng Nguyên, Đô Lương), về xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp (huyện Nam Đàn)...

"Con đường Bác đi" - tiết mục biểu diễn của học sinh thành phố Vinh. Đây là tiết mục đạt giải B hội thi năm nay. Ảnh: Đình Tuyên

Bên cạnh đó, qua những lời ca tiếng hát, qua những hoạt cảnh sinh động, các đội thi đã tái hiện hình ảnh của sự vất vả, hy sinh bám trường, bám lớp của các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô đang giảng dạy ở các trường vùng cao, miền núi của đội thi Quỳ Châu; hay hình ảnh những gia đình vùng chài khó khăn ngày đêm bám biển để con em được đến trường của đội thi Diễn Châu…

Phát biểu tại lễ bế mạc, NSND Trịnh Thị Hồng Lựu - Quyền Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống - Phó ban Tổ chức - Trưởng ban Giám khảo hội thi cũng khẳng định hội thi năm nay "ghi nhận một sự thay đổi ngoạn mục: phong phú về đề tài, đa dạng về cách dàn dựng".

Tiết mục công diễn của đội Quỳ Hợp. Ảnh: Đình Tuyên

Trong đó, có nhiều chương trình được đầu tư viết bài và dàn dựng công phu, có chủ đề xuyên suốt; sự tiếp nối của các tiết mục không rườm rà, ngắt quãng; đặc biệt là sự tiếp thu về âm nhạc dân tộc (hòa âm, phối khí kỹ càng); sự phối hợp giữa dân ca các dân tộc thiểu số với dân ca ví, giặm rất nhuần nhuyễn.

Tuy nhiên, cũng theo ban tổ chức bên cạnh những ưu điểm hội thi còn có những hạn chế. Đó là một số đơn vị không bám sát chủ đề hội thi mà ngành Giáo dục đề ra “dân ca trong trường học”; không có sự đầu tư cho chương trình; chưa có sự sáng tạo, đang còn lắp ghép những tiết mục có sẵn, đã cũ…

Tiết mục công diễn của huyện Nam Đàn. Đơn vị giành giải A toàn đoàn hội thi năm nay. Ảnh: Đình Tuyên

Về âm nhạc dù đã có sự tiến bộ, nhưng vẫn đang còn một số đơn vị không đầu tư cho phần hòa âm, phối khí, lắp ghép lộn xộn, âm nhạc hiện đại lấn át nên diễn viên hát nghe không rõ lời.

Về trang phục, tuy đã được tập huấn, nhưng vẫn còn một vài đơn vị có khăn vấn đầu, trang phục kim sa, kim tuyến sặc sỡ... không phù hợp với độ tuổi học trò và ngữ cảnh cuộc sống hiện nay.

Ban tổ chức trao giải cho những gương mặt triển vọng. Ảnh: Đình Tuyên

Ngoài ra, vẫn có một số đơn vị không phân biệt được giữa làn điệu cải biên, phát triển với ca khúc phát triển nên dùng ca khúc vào cuộc thi… chưa phát huy được năng lực của các thành viên.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Ban tổ chức cũng đề nghị sau hội thi này các phòng giáo dục và đào tạo, các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc các cấp học tiếp tục đưa dân ca vào trường học cả về quy mô và chất lượng.

Ban tổ chức trao giải cho các tiết mục đạt giải A. Ảnh: Đình Tuyên

Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động phong phú như dạy hát dân ca, giao lưu hát dân ca, đưa dân ca vào các trò chơi dân gian, câu lạc bộ, mời nghệ sĩ nói chuyện chuyên đề về dân ca... nhằm làm cho phong trào hát dân ca trong trường học ngày càng phát triển.

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất toàn đoàn cho hai đơn vị huyện Con Cuông và huyện Nam Đàn.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Võ Văn Dũng và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Khôi trao giải Nhất toàn đoàn cho huyện Nam Đàn và huyện Con Cuông. Ảnh: Đình Tuyên

Bên cạnh đó, đã trao 3 giải Nhì cho các đơn vị: thành phố Vinh, Thanh Chương, Yên Thành. Giải Ba thuộc về 6 đơn vị Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai, Hưng Nguyên, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Quỳ Hợp.

Ban tổ chức cũng đã trao 10 giải A, 15 giải B, 20 giải C cho các tiết mục tiêu biểu, trao giải cho 15 học sinh đạt giải triển vọng.

Xếp hạng của các đội tại Hội thi Hát dân ca trong trường học. Ảnh: Mỹ Hà

Danh sách các cá nhân đạt giải triển vọng. Ảnh: Mỹ Hà

Một số tiết mục công diễn tại đêm bế mạc và trao giải. Clip: Đình Tuyên - Mỹ Hà

Mới nhất

x
Huyện Nam Đàn và Con Cuông giành giải Nhất Hội thi 'Hát dân ca trong trường học'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO