Pháp luật

Huyện rẻo cao Kỳ Sơn nhân rộng mô hình gia đình, dòng họ không tảo hôn

Khánh Ly- Thanh Phúc 29/04/2025 11:38

Bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, huyện rẻo cao Kỳ Sơn đã và đang nỗ lực từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn - vi phạm luật Hôn nhân và Gia đình trên địa bàn.

7e10dafc338f81d1d89e-1-(1).jpg

Kết hợp tuyên truyền với xử phạt hành chính

Nếu như trước đây ở bản Mông Buộc Mú 2, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) việc trai, gái ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” về ở với nhau là chuyện thường xảy ra, thì nay, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, trong bản nay không có tảo hôn nữa.

Chị Vừ Y Ia - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ bản Buộc Mú 2 cho biết: Bà con đã dần hiểu ra tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn kéo theo nhiều hệ lụy trong đời sống, ảnh hưởng đến sức khoẻ bà mẹ, trẻ em nên hạn chế vi phạm.

ab2d5fefb69c04c25d8d.jpg
Ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" nhiều thiếu nữ dân tộc Mông ở Na Ngoi, Kỳ Sơn đã con bế, con bồng. Ảnh: KL

Còn tại bản Buộc Mú, tuy hiện tượng tảo hôn vẫn còn nhưng đã giảm đi nhiều. Theo Bí thư Chi bộ bản Buộc Mú Xồng Tồng Chò: Bản có 131 hộ, hơn 300 khẩu, do phong tục tập quán, trước đây, bình quân mỗi năm bản có trên chục cặp tảo hôn. Nhiều trường hợp bố mẹ không thuận nhưng sợ ngăn cản quyết liệt con rủ nhau ăn lá ngón nên đành chấp nhận.

Vợ chồng trẻ không có việc làm, đông con nên cuộc sống cứ thế không dứt được vòng luẩn quẩn đói nghèo. Ba năm trở lại đây, nhận thức của người dân dần được nâng lên nên đã hạn chế được tình trạng nam nữ chưa đủ tuổi về ở với nhau.

uploaded-khanhlybna-2023_11_05-_loirubuon-a5-2479(1).jpeg
Kết hôn sớm, nhiều cặp vợ chồng trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Ảnh tư liệu: CTV

Năm 2024, bản có 4 trường hợp tảo hôn, bao gồm cả người của bản lấy chồng bản khác, hoặc người nơi khác lấy người trong bản. Năm 2025 có trường hợp Xồng Bá V. (SN 2008), bản Buộc Mú và Lầu Y L. (SN 2010) người bản Ca Nọi học cùng Trường PTDTBT THCS Na Ngoi có ý định lấy nhau.

Nắm được thông tin, Ban quản lý bản đã phối hợp với Chi hội Phụ nữ, Đồn Biên phòng Na Ngoi và các thầy, cô giáo tuyên truyền, vận động thành công đôi trẻ không vi phạm tảo hôn.

Theo ông Lầu Bá Chá - Cán bộ Tư pháp xã Na Ngoi: Địa bàn xã vốn được coi là “điểm nóng” về tảo hôn, vì vậy, thời gian qua, cả hệ thống chính trị của xã đã vào cuộc tuyên truyền bằng nhiều hình thức; kết hợp rà soát, bổ sung nội dung phòng chống tảo hôn vào quy ước, hương ước bản.

Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tăng tính răn đe. Trong năm 2024, toàn xã đã xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tảo hôn với số tiền 72 triệu đồng, một số trường hợp do bố mẹ đi làm ăn xa nên chưa xử phạt được.

b8c65fb2b0c1029f5bd0.jpg
Ông Lầu Bá Chá - cán bộ Tư pháp xã Na Ngoi chia sẻ về khó khăn trong công tác phòng chống tảo hôn. Ảnh: KL

Trăn trở vì thực trạng tảo hôn ở địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Anh Tuấn- Bí thư Đảng uỷ xã Na Ngoi cho biết: Bên cạnh triển khai tuyên truyền, ký cam kết trong trường học, trong mỗi gia đình, thôn, bản; xã yêu cầu cán bộ, đảng viên không dự đám cưới, đám hỏi, làm vía, liên hoan, ăn uống, làm phong tục và các hình thức tổ chức cưới khác đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Cũng theo ông Tuấn, bên cạnh nguyên nhân đến từ phong tục, tập quán, trình độ nhận thức của người dân, hiện nay việc nhiều học sinh có cha mẹ đi làm ăn xa, để con cái ở lại cho ông bà chăm sóc, trong khi các em đều có điện thoại để trao đổi, giao lưu với nhau nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Bởi vậy, sau hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền xã và Ban giám hiệu Trường PTDTBT THCS Na Ngoi, Đảng uỷ xã đã ban hành kết luận về nhiều nội dung nhằm xây dựng trường học thân thiện, hạnh phúc, trong đó có nội dung phòng, chống tảo hôn và vi phạm pháp luật trong học sinh.

1b16efac3cae8ef0d7bf-1-.jpg
Tảo hôn kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Ảnh: TP

Còn ở xã Tây Sơn, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền và ngành chức năng, những “lời ru buồn” trên non cao tuy chưa chấm dứt hẳn nhưng đã thưa dần.

Theo ông Vừ Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn: Địa phương đặc biệt coi trọng vai trò của Bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động phòng chống tảo hôn, đưa Luật Hôn nhân và Gia đình vào thôn bản, từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức cho bà con.

Đồng thời, chính quyền địa phương cũng duy trì mô hình tuyên truyền phòng, chống tảo hôn tại một số bản Huồi Giảng 1, Huồi Giảng 2, Đống Dưới… Nhờ vậy, nạn tảo hôn đang được hạn chế dần. Năm 2024, toàn xã có 5 cặp tảo hôn, năm 2025 đến thời điểm này có 4 cặp. Tất cả đều bị xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.

uploaded-khanhlybna-2023_11_05-_z4848562136367-b75b9fed666f118bfd6a2f9475b88a36-3294.jpg
Lấy chồng sớm, cuộc sống của phụ nữ người Mông ở Kỳ Sơn khá vất vả. Ảnh: KL

Được biết, để ngăn chặn tảo hôn, cuối năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Sơn đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/HU "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng chống, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2024-2030".

Theo đó, Huyện uỷ chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng, đoàn thể và sự nêu gương của cán bộ, đảng viên đối với việc bài trừ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

56b0a4dc76dec4809dcf(1).jpg
Địa hình hiểm trở, dân cư sống thưa thớt cũng gây nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: KL

Trên cơ sở đó, UBND huyện Kỳ Sơn đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND chỉ đạo các xã, đơn vị thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền về phòng chống, giảm thiểu tảo hôn. Đồng thời, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình; vi phạm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức về tảo hôn. Đề nghị cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử một số trường hợp liên quan đến tảo hôn…

Theo ông Lầu Bá Chò - Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn: Riêng năm 2024, toàn huyện tổ chức được 47 hội nghị tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở 47 bản thuộc 14 xã và 4 cụm thi tuyên truyền phòng, chống tảo hôn tại 19 Trường PTDTBT THCS trên địa bàn huyện.

Về xử phạt vi phạm hành chính, năm 2024, toàn huyện có 127/174 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình bị xử phạt với số tiền hơn 294 triệu đồng; Quý I năm 2025, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn đã xử phạt hành chính về hành vi tảo hôn 49/90 trường hợp, với số tiền 118 triệu đồng…

uploaded-tienhungbna-2024_02_21-_bna-at1-2552(1).jpg
Một hội thi với nội dung phòng, chống tảo hôn tại trường học. Ảnh tư liệu: HT

Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, 3 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ vi phạm tảo hôn trên địa bàn giảm 30% so với cùng kỳ 2024; một số địa bàn không có người tảo hôn như xã Bảo Thắng, Hữu Lập, Bảo Nam, Phà Đánh, Mỹ Lý, Keng Đu...

Tuy nhiên, một số vùng vẫn diễn biến phức tạp, tỷ lệ tảo hôn cao như Nậm Càn 14 trường hợp, Mường Lống 23 trường hợp, Na Ngoi 16 trường hợp… Trong đó, vẫn có tình trạng đảng viên, người đứng đầu thôn, bản có người nhà vi phạm tảo hôn.

Nhân rộng mô hình gia đình, dòng họ không tảo hôn

Để khắc phục khó khăn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, các địa phương trên địa bàn huyện Kỳ Sơn xác định: Tiếp tục tập trung tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ luật Hình sự, quy định xử phạt vi phạm hành chính về tảo hôn dưới nhiều hình thức; lồng ghép với việc thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

bna00028-1-.jpg
Huyện Kỳ Sơn ra mắt mô hình phòng, chống tảo hôn ở xã Hữu Kiệm. Ảnh: CSCC

Đầu năm 2025, Phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức Lễ ra mắt mô hình điểm sáng "Gia đình, dòng họ, bản không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" ở nhiều địa bàn như bản Trường Sơn (xã Nậm Cắn), bản Hín Pèn (xã Bảo Nam), bản Đỉnh Sơn (xã Hữu Kiệm)…

Tại các buổi lễ ra mắt, các ban, ngành đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật và hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thông qua Quy chế hoạt động của mô hình; tổ chức cho đại diện hộ gia đình ký cam kết thực hiện “Gia đình, dòng họ, bản, khối không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”.

cac-dau-dong-ho-gia-dinh-truong-ban-ky-cam-ket-thuc-hien-mo-hinh-diem-sang1(1).jpg
Đại diện dòng họ, gia đình, trưởng bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn ký cam kết thực hiện mô hình điểm sáng "Gia đình, dòng họ, bản không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống". Ảnh: CSCC

Các cấp ủy chi bộ, tổ chức đoàn thể, già làng, trưởng và những người có uy tín trong cộng đồng cũng ký cam kết đưa nội dung phòng, chống tảo hôn vào tiêu chí bình xét danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Bản văn hóa". Mô hình không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức mà còn tạo cơ chế tự quản trong cộng đồng. Việc ra mắt mô hình thể hiện quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong công tác phòng, chống tảo hôn.

anh-5(1).jpg
BĐBP Nghệ An tuyên truyền phổ biến pháp luật trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Hải Thượng

Ông Lầu Bá Chò - Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn cho biết: Từ các mô hình điểm, UBND các xã, thị trấn sẽ chủ động nhân rộng mô hình, nhất là ở các địa bàn có diễn biến phức tạp về tảo hôn và địa bàn nguy cơ cao xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Song song với việc rà soát đưa các nội dung phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết vào quy ước, hương ước của từng thôn bản.

Bên cạnh mô hình “Gia đình, dòng họ, bản, khối không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, huyện đồng thời chỉ đạo triển khai các mô hình khác như “Câu lạc bộ thanh niên không tảo hôn, bỏ học”, “Trường học không có học sinh vi phạm pháp luật về tảo hôn”, “Cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị không vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”… từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

anh-3(1).jpg
BĐBP Nghệ An tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình cho người dân. Ảnh: Hải Thượng

Ngoài ra, công tác xử phạt các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình cũng cần phải được xử lý triệt để theo quy định tại Điều 58, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ để tạo sự răn đe - ông Lầu Bá Chò cho hay.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Huyện rẻo cao Kỳ Sơn nhân rộng mô hình gia đình, dòng họ không tảo hôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO