Huyền sử vua Mai
(Baonghean) - Từ trong thẳm sâu của lịch sử, đã có biết bao bậc cha ông trên đất Châu Hoan, Châu Diễn lẫm liệt viết nên khúc tráng ca giữ nước, đi vào biên niên sử của một nước Việt 4 ngàn năm. Vua Mai Hắc Đế, sống cách chúng ta hơn 1.300 năm cũng là một huyền sử đáng tự hào.
Trở về thời kỳ "Đất Hoan châu cờ nghĩa tung bay", ngày Mai Thúc Loan dấy binh cùng hào kiệt muôn phương, đạp đổ quan lại nhà Đường qua bài viết "Mai Hắc Đế": Thông điệp lớn từ những điều bình dị" của tác giả Phương Chi, để thêm tự hào về một thưở cha ông ta đánh giặc, giữ yên bờ cõi ngàn năm.
Một cảnh cao trào trong vở cải lương “Mai Hắc Đế”. Ảnh: P.V |
Cảm nhận đầu tiên qua bài viết, là tác giả đã phần nào cảm nhận khá trọn vẹn vở diễn, để từ đó con chữ chuyển tải được ý tưởng, hồn cốt mà tác giả kịch bản, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cùng đạo diễn Triệu Trung Kiên và ê kíp thực hiện muốn gửi đến khán giả cả nước. Hẳn vậy, bởi có đắm mình, hóa thân, khóc cười cùng từng trường đoạn của vở cải lương dài 2,5 tiếng mà không hề nhàm chán này mới có thể viết được những câu "Cũng như bao người dân xứ Nghệ khác, tôi đã ở lại với vở diễn đến tận cùng, đã khóc cười cùng nhân vật, đã bi ai và tự hào thấm đẫm, đã tưởng như mình được lạc vào thế giới hàng nghìn năm về trước mà lòng dậy lên những xúc cảm khôn nguôi".
Viết về một vở diễn, dưới bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, tuồng, chèo, cải lương...đều khá nan giải. Bởi người viết phải có cái nhìn tỉnh táo để nhận diện chân xác các thủ pháp nghệ thuật của những người thực hiện. Nhưng lại phải biết "sống" chung cùng vở diễn, cùng khóc cười với mỗi số phận, từng chi tiết. Tác giả Phương Chi đã khéo biết kết hợp những điều trên để người đọc nắm bắt được phần nào hồn vía của vở cải lương. Trong bài viết dài trên 2.200 chữ của mình, tác giả biết cách đan cài việc mô tả các trường đoạn, cao trào, đưa ra bình luận, cảm nhận về ý đồ nghệ thuật cũng như những dòng tự sự đầy cảm xúc.
Bắt đầu từ cảnh người mẹ sinh hạ Mai Thúc Loan, tác giả viết "Tiếng khóc nhỏ nhoi, mơn mởn niềm hạnh phúc ngọt ngào, báo hiệu sự sống và bao điều vĩ đại của tương lai... Chẳng phải sao, sự vĩ đại nào mà lại chẳng bắt đầu từ những điều bình dị nhỏ bé?". Hoặc như đoạn cao trào Mai Thúc Loan chứng kiến cái chết của người mẹ khi chạy trốn giặc Đường, cảm xúc của tác giả cũng lên cao "Đã có những thổn thức không thể kìm nén trước cảnh diễn cao trào ấy, dường như có một sợi chỉ vô hình nào đó gắn kết những xúc cảm sân khấu và không gian khán phòng, để tất cả đồng điệu hòa nhịp đến không ngờ!".
Với 8 cảnh, từ khi Mai Thúc Loan chào đời đến khi ông đập tan ách đô hộ của nhà Đường, giành độc lập cho đất nước. Vở cải lương đã tập trung khai thác giai đoạn từ tuổi 20 đến hơn 40 của ông, khi cuộc khởi nghĩa Hoan Châu giành thắng lợi. Cách viết cảm xúc, lối diễn thổi hồn cho nhân vật cùng sự tái hiện chân thực lịch sử đã làm nên thành công của vở cải lương Mai Hắc Đế. Không đao to búa lớn hay hình tượng hóa người anh hùng, nhân vật Mai Hắc Đế hiện lên dung dị, đời thường và gần gũi. Khán giả đương đại được sống cùng những cảm xúc của một thời đại lịch sử cách đây hàng nghìn năm. Như một tấm gương chân thực nhất soi chiếu vào lịch sử, hình ảnh người anh hùng Mai Thúc Loan hiện lên rõ ràng, đầy đủ, đời thường.
Đi cùng bài viết, chúng ta còn được tác giả dẫn dắt qua nhiều cung bậc cảm xúc "Nhưng đâu chỉ có những bi thương, ở vở cải lương này, khán giả còn chìm đắm trong những thổn thức lãng mạn đẹp đẽ và huyền bí, những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc". Đó là khung cảnh nhuốm màu liêu trai của đêm huyền thoại Mai Thúc Loan găp hồn thần thi nhà Đường, Vương Bột, là đêm trăng lãng mạn trước trận quyết chiến trên bến Sa Nam của vợ chồng Mai Thúc Loan – Đinh Thị Ngọc Tô. Những phân cảnh đầy tươi sáng khi Mai Thúc Loan liên kết với các thủ lĩnh ở Đường Lâm, Điều Yêu và các châu khác, đặc biệt là với các lân bang Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân để đánh đuổi giặc Lý Đường. Và đỉnh điểm của khúc tráng ca này là trường đoạn rực lửa, khi thành Tống Bình do Quan Sở Khách và bộ máy đô hộ tàn bạo phương Bắc cai quản đã bị ngọn lửa yêu nước của người dân An Nam thiêu rụi .
Giữa những ồn ào náo nhiệt của cuộc sống đương đại, vở cải lương Mai Hắc Đế như một sợi dây vô hình kéo mỗi người sống chậm lại hơn, quay trở lại với những trang sử huy hoàng của dân tộc trong tiến trình lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Là thông điệp về chủ quyền lãnh thổ, sự bảo vệ vẹn toàn chủ quyền như lời hiệu triệu hào sảng của Mai Thúc Loan trước 3 quân tướng sỹ "Đất Hoan châu cờ nghĩa tung bay/ Diễn Châu, Ái Châu trận thắng mai này... Vong quốc nô, máu đỏ rửa sạch/ Cho An Nam mãi mãi Vạn An…".
Người xây dựng
TIN LIÊN QUAN |
---|