Huyền thoại về vị chánh tổng ở Mường Lằm
(Baonghean) -Một số cao niên kể rằng, chánh tổng Mường Lằm tên Xống Át tham gia nuôi bộ đội hồi kháng chiến chống Pháp, nhưng cuối lại vướng vào xung đột nội tộc và bị sát hại dã man.
Chuyện về chánh tổng Lang Văn Át chỉ còn lại trong ký ức của các cao niên. Những lớp trầm tích đã vùi lấp mường xưa dưới lòng hồ Bản Vẽ. Ảnh: Hữu Vi |
Trong suốt lịch sử phát triển của những mường người Thái ở miền núi Nghệ An, các tù trưởng luôn đóng vai trò rất quan trọng.
Nếu hỏi ai là người nổi tiếng nhất Mường Lằm cũng là mường người Thái lớn nhất lưu vực sông Nậm Nơn, ở miền Tây xứ Nghệ sẽ nhận được câu trả lời là ông Xống Át (Chánh tổng Át). Ông là chánh tổng, cũng là người cai quản cuối cùng ở Mường Lằm cho đến khi chế độ hành chính mường bản thời phong kiến bị bãi bỏ. Phần lớn địa vực Mường Lằm ngày nay đã chìm vào lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, công trình thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ.
Trong trí nhớ của các bậc cao niên vị chánh tổng uy quyền này là người đàn ông cao gầy, còn những câu chuyện về Xống Át thì nhiều người vẫn kể theo những cách khác nhau.
Theo ông Lương Văn Hoàn, trú tự do một nơi gọi là Khe Hốc giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, Xống Át vốn quê gốc xã Đôn Phục, huyện Con Cuông. Ông tên đầy đủ là Lang Văn Át, con cháu dòng dõi họ Lang Vi nổi tiếng ở miền Tây Nghệ An.
Không còn những bản làng trù phú của vùng đất Mường Lằm xa xưa. Ảnh: Hữu Vi |
Trong thời đại cai trị miền Tây Nam xứ Nghệ, quan phủ họ Lang Vi thường bổ con cháu trong dòng tộc giữ các vị trí chức sắc như tri huyện, chánh tổng, lý trưởng. Xống Át là một trong những người được bổ nhiệm như thế. Hiện không ai nhớ được Xống Át về làm chánh tổng vùng Mường Lằm vào thời điểm nào, cũng không còn văn bản nào ghi nhận việc bổ nhiệm Xống Át làm chánh tổng. Chuyện về ông phần lớn chỉ là những huyền thoại mang màu sắc dân gian. Chính vì thế mà dòng họ Lương ở khu vực Mường Lằm nhận Xống Át là tiền nhân của họ.
Một giai thoại kể rằng : Khi mới về Xống Át không được lòng dân. Người ta hay kỳ thị với những người ở xa đến, nhất là chức sắc được bổ nhiệm về. Người dân chỉ quen với những người cai quản quen thuộc là người trong mường. Trong một năm ông không nghĩ ra cách gì để lấy lòng người ân và các tù trưởng của mường. Dù đã đi đến hầu hết các bản để tìm hiểu về nếp sinh hoạt, dã chung sống hòa nhã cũng mọi người nhưng giữa ông và họ vẫn có một khoảng cách.
Cuộc sống của người Mường Lằm đã khác xưa rất nhiều. Bản cũ đã thành bến nước với những chiếc bè nổi trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Hữu Vi |
Thế rồi vào một năm nọ, ông quyết định mổ 3 trâu con trong đàn trong dàn trâu hơn trăm con của mình tổ chức lễ hội.Trong cuộc vui vào đầu mùa xuân, diễn ra trong 3 ngày, Xống Át chiến thắng trong một cuộc thi bắn nỏ và chèo thuyền vượt thác.Từ đó nhiều người mới nể phục tài năng của ông. Đi đến đâu, dọc dòng sông Nậm Nơn lắm thác nhiều ghềnh này, Xống Át đều được người ta chào đón. Trong ngày hội, ông cho người đến tận nơi mời nhiều quan cai quản mường ở phủ Tương Dương về dự. Vì thế mà ông được nhiều người biết danh tiếng. Sau này dù đi đến mường nào ông cũng được ủng hộ, chào đón. Điều này tạo điều kiện cho ông luôn giành được thuận lợi trên đường quan lộ.
Những giai thoại cũng kể rằng, nhờ uy tín của mình ông đã giảng hòa được nhiều cuộc xung đột giữa những quan mường. Vì thế mà vùng lưu vực sông Nậm Nơn luôn yên bình cho đến khi người Pháp đến với những hoạt động cướp bóc và khai thác vàng sa khoáng trên sông Nậm Nơn. Xống Át rất căm tức nhưng đành nín nhịn vì không được sự ủng hộ của chính quyền cũng như triều đình Huế.
Ông Lương Văn Tiến, ngụ tại quần cư Huồi Hốc cho biết, trước kia thân sinh ông là “người nhà” (hầu hạ) trong nhà của Xống Át kể rằng: Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dù không làm chánh tổng nữa nhưng ông vẫn có những đóng góp cho cách mạng. Khoảng các năm 1947, 1948 ông tham gia nuôi bộ đội. Dù đã hết quan hoàn dân nhưng diều kiện kinh tế của Xống Át vẫn khá giả nên trong nhà luôn có từ 20 – 30 bộ đội ăn ở. Ông tham gia nuôi quân phục vụ ủy ban kháng chiến cho đến năm 1952 thì mất.
Đường vào Hữu Khuông, vùng đấy chánh tổng Lang Văn Át cai quản gần 80 năm về trước. Ảnh: Hữu Vi |
Về cái chết của Xống Át cũng có nhiều câu chuyện. Ông Lương Văn Tiến cho biết từng nghe cha mình kể về vụ việc này. Thời ấy, trong dòng họ của ông nảy sinh mâu thuẫn. Một người họ hàng nhân lúc bản vắng người đã bắn lén dẫn đến cái chết của Xống Át. “Cha tôi kể rằng thời ấy, mỗi khi bản có đám cưới là cả bản đều đi dự. Hôm đó vào đúng đám cưới của cha tôi, khi cả bản bản đi ăn cưới, chỉ còn Xống Át ở nhà một mình. Một người trong dòng họ mang theo súng đến bắn chết quan chánh tổng rồi trốn sang Lào.”
Một câu chuyện khác kể rằng: Xống Át bị bắn chết vào đêm tối. Trước đó có người sợ bắn nhầm nên dặn với cợ ông rằng: Đêm nay bà đừng ngủ cạnh ông nhà nhé. Bà chánh tổng không hiểu vì sao người kia lại dặn vậy nhưng vẫn làm theo mà không nói gì với chồng. Tối đó mọi người nghe ba tiếng súng, chạy đến thì thấy vị cựu chánh tổng đã gục chết. Hung thủ cũng trốn mất dạng.
Ngày nay, nhiều bậc cao niên ở vùng phủ Tương Dương xưa, chủ yếu là các huyện Con Cuông và Tương Dương vẫn lưu truyền nhưng giai thoại về Xống Át, vị chánh tổng được nhiều người nể phục.
Hữu Vi
TIN LIÊN QUAN |
---|