Hy Lạp: Thủ tướng mới - thách thức cũ!

(Baonghean) - Theo kết quả kiểm phiếu cuối cùng, đảng đối lập Dân chủ mới theo đường lối bảo thủ đã đánh bại đảng cánh tả Syriza cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vừa diễn ra hôm 7/7 tại Hy Lạp.

Điều này đồng nghĩa, Thủ lĩnh của đảng chiến thắng là ông Kyriakos Mitsotakis đã đắc cử trở thành tân Thủ tướng của nước này. Mặc dù tuyên bố sẽ “thay đổi Hy Lạp”, nhưng theo giới quan sát, chồng chất khó khăn và thách thức vẫn đang chờ đợi tân Thủ tướng Mitsotakis.

Đất nước Hy lạp
Đất nước Hy Lạp.

CHIẾN THẮNG ĐƯỢC DỰ BÁO TRƯỚC

Theo số liệu được Bộ Nội vụ Hy Lạp công bố, đảng Dân chủ mới của ông Kyriakos Mitsotakis đã giành được gần 40% số phiếu ủng hộ, trong khi đảng Syriza cầm quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras chỉ nhận được hơn 31% phiếu ủng hộ. Ngay khi có kết quả, ông Tsipras đã thừa nhận thất bại và đã chúc mừng đối thủ.

Thực ra, chiến thắng của phe Dân chủ Mới không phải là quá bất ngờ, khi liên tiếp các cuộc bầu cử gần đây, đảng này đều giành thắng lợi. Cụ thể, trong cả 2 cuộc bầu cử vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua là bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) và bầu cử địa phương, đảng Dân chủ Mới đều giành chiến thắng trước đảng Syriza cầm quyền. Chính những kết quả bất lợi này đã buộc ông Tsipras phải đề nghị Tổng thống giải tán quốc hội và tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn -  khoảng 3 tháng trước khi nhiệm kì chính phủ hiện nay mãn nhiệm.

Tân Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis với hàng loạt thách thức bộn bề trước mắt. Nguồn: News.com.au
Tân Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis với hàng loạt thách thức bộn bề trước mắt. Ảnh: News.com.au

Từng được ca ngợi là “người hùng” khi có công giúp Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công lớn nhất trong lịch sử - vốn từng đẩy nước này tới bờ vực phá sản, đến nay, chính ông Tsipras lại phải ngậm ngùi chấp nhận thực tế rằng, người dân nước này đã quá mệt mỏi sau suốt 8 năm thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” khắc khổ.

Nhìn lại khi mới bắt đầu nhiệm kỳ, ông Tsipras đã kiên định áp dụng đến cùng các chính sách khắc khổ. Nhờ đó, chính phủ của ông đã được nhóm bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua các gói cứu trợ tài chính sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Thế nhưng dù đã thoát khỏi kịch bản phá sản, nhưng cũng phải thừa nhận, kể từ tháng 8/2018 đến nay, Hy Lạp vẫn đang chật vật để phát triển kinh tế, tình trạng thất nghiệp cao.

Người dân Hy Lạp dường như đã kiệt sức với chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ của Thủ tướng Tsipras.

Đó là chưa kể, gần đây phe đối lập và cả người dân không đồng tình với một số quan điểm chính sách của ông Tsipras. Điển hình là sự phản đối mạnh mẽ việc ông Tsipras đã nhất trí gọi Macedonia là Cộng hòa Bắc Macedonia - vốn trùng tên với một tỉnh miền Bắc nước này. Các ý kiến phản đối cho rằng, ông Tsipras đã từ bỏ một phần đất nước khi nhất trí một thỏa thuận với Macedonia nhằm giải quyết cuộc tranh cãi về tên gọi của nước láng giềng phía Bắc này kéo dài suốt 27 năm qua. Và rằng, đa phần người dân phản đối do lo ngại rằng, sự trùng hợp này có thể dẫn tới tranh chấp về lãnh thổ với nước láng giềng.

ĐỐI DIỆN VỚI THÁCH THỨC CŨ

Chiến thắng của tân Thủ tướng Mitsotakis có thể nói dựa trên sự mệt mỏi và chưa bằng lòng với chính quyền nhiệm kỳ cũ. Thế nhưng, chính những thất vọng như vậy sẽ lại đặt ra kỳ vọng lớn hơn cho người chèo lái tiếp theo. Đắc cử Thủ tướng trong bối cảnh Hy Lạp vẫn bộn bề khó khăn đặc biệt về kinh tế, theo giới quan sát, ông Mitsotakis sẽ phải đối diện với hàng loạt thách thức không hề mới!

Cuộc chuyển giao quyền lực được dự báo trước giữa người tiền nhiệmAlexis Tsipras và tân Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis (Nguồn: DW)
Cuộc chuyển giao quyền lực được dự báo trước giữa người tiền nhiệmAlexis Tsipras và tân Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis. Nguồn: DW

Trước hết, đó là trọng trách ổn định tài chính của Hy Lạp để tiếp tục làm hài lòng bộ 3 chủ nợ, kiến tạo sự thân thiện với doanh nghiệp và thu hút đầu tư, vực dậy nền kinh tế. Cụ thể, ông Mitsotakis sẽ phải giải quyết loạt vấn đề từ tài chính chính phủ, các khoản vay còn lại, chính sách quan liêu vẫn còn len lỏi trong chính quyền. Quan trọng là tất cả những cải cách hay đổi mới vẫn đều phải nằm trong khuôn khổ các hạn chế tài chính chặt chẽ mà các chủ nợ đã đưa ra. Bên cạnh đó, nợ xấu cũng là vấn đề mà chính quyền ông Mitsotakis phải bận tâm. Giải quyết khoảng 80 tỷ euro nợ xấu mà chính phủ tiền nhiệm để lại có thể nói là một di sản không hề dễ dàng!

Người Hy Lạp cần sự cải cách mạnh mẽ. Ảnh: AFP
Người Hy Lạp cần sự cải cách mạnh mẽ. Ảnh: AFP

Một trong những nhiệm vụ cũng là thách thức hàng đầu khác của tân Thủ tướng Mitsotakis còn là thu hút đầu tư, với mục tiêu đặt ra là tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng của Hy Lạp lên khoảng 4% vào năm 2020. Nhìn lại từ năm 2018 đến nay, nền kinh tế Hy Lạp đã khởi sắc thêm khoảng 1,9% và đang trên đà tăng trưởng vượt mức 2% trong năm nay. Nhưng mức tăng trưởng này vẫn chưa đủ mức cam kết tăng trưởng 3,5% mỗi năm với các chủ nợ quốc tế cho đến năm 2022.

Để thuyết phục các nhà đầu tư, dự kiến, tân Thủ tướng Mitsotakis sẽ hồi sinh dự án Hellinikon vốn bị trì hoãn từ lâu. Dự án có giá trị lên tới 7 tỷ USD dự kiến sẽ khiến tổ hợp sân bay bỏ hoang Hellinikon thành một trong những tổ hợp nghỉ dưỡng lớn nhất châu Âu với khoảng 8.000 khách sạn, nhà ở, trung tâm mua sắm và trung tâm giải trí, lớn gấp đôi Công viên Trung tâm New York. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt cho nền kinh tế Hy Lạp với khoảng 10.000 - 70.000 việc làm mới cho người dân.

Tân Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis được người dân kỳ vọng sẽ mang đến một đất nước Hy Lạp mới. Ảnh: AFP - Getty
Tân Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis được người dân kỳ vọng sẽ mang đến một đất nước Hy Lạp mới. Ảnh: AFP - Getty

Trong khi đó về năng lượng, tân Thủ tướng Hy Lạp cũng sẽ phải đặt hãng điện lực Public Power Corp vào các nhiệm vụ cần ưu tiên. Nhà cung cấp điện lớn nhất của Hy Lạp này vốn đang gặp khó khăn khi thua lỗ hơn 500 triệu euro trong năm 2018. Bên cạnh đó còn là loạt vấn đề như quản trị, an ninh, vấn đề người nhập cư, chính sách đối ngoại…

Về phần mình, phát biểu với báo giới ngay sau khi kết quả sơ bộ đầu tiên được công bố, ông Mitsotakis khẳng định, chiến thắng này đã trao cho ông một nhiệm vụ rõ ràng và mạnh mẽ để thay đổi Hy Lạp. Ông cũng cho biết sẽ sớm tiến hành thương lượng với các chủ nợ châu Âu ngay khi chính phủ mới được thành lập, nhằm giảm bớt gánh nặng thuế từ các chính sách khắc khổ và kích thích đầu tư và phát triển đất nước. Quyết tâm là vậy nhưng có thể thấy, giải quyết được núi thách thức này sẽ tốn của tân Thủ tướng Hy Lạp không ít thời gian và công sức. Và rằng, liệu ông có thể đáp ứng nguyện vọng của cử tri hay không, câu hỏi này sẽ cần nhiều thời gian để có câu trả lời!.

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.