IAEA: Triều Tiên mở rộng cơ sở hạt nhân; Mỹ ngăn xung đột giữa người Kurd với Thổ Nhĩ Kỳ
(Baonghean.vn) - IAEA nghi ngờ Triều Tiên đang mở rộng cơ sở hạt nhân chính; Báo Thổ nói CIA có bản ghi âm Thái tử Arab ra lệnh giết Khashoggi; Mỹ ngăn xung đột giữa người Kurd với Thổ Nhĩ Kỳ; Australia siết chặt quy định tước quốc tịch đối với người bị kết tội... là những tin tức nổi bật thế giới 24h qua.
IAEA nghi ngờ Triều Tiên đang mở rộng cơ sở hạt nhân chính
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở tỉnh Bắc Hamgyong của Triều Tiên. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 22/11 cho biết Triều Tiên dường như vẫn mở rộng các hoạt động tại cơ sở hạt nhân chính của nước này. Trong một báo cáo gửi Ban giám đốc IAEA về tình hình từ tháng 8/2018 đến nay, Tổng giám đốc Yukiya Amano nêu rõ Triều Tiên dường như đã đưa các thiết bị vào một lò phản ứng nước nhẹ đang được xây dựng tại cơ sở hạt nhân chính Yongbyon, nơi được nhiều người cho là cung cấp vật liệu phân hạch để sản xuất bom hạt nhân.
Theo ông Amano, tại lò phản ứng nước nhẹ này, IAEA cũng đã quan sát thấy những hoạt động phù hợp với việc sản xuất các thiết bị của lò phản ứng và có thể chuyển những thiết bị này vào khu nhà chứa lò phản ứng này.
Báo Thổ nói CIA có bản ghi âm Thái tử Arab ra lệnh giết Khashoggi
Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman. Ảnh: AP |
Trong chuyến đi tới Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel đã được cung cấp đoạn ghi âm cuộc nói chuyện điện thoại giữa Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman với người em trai Khaled bin Salman, đại sứ Arab Saudi tại Mỹ, Hurriyet đưa tin.
Tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ dẫn các nguồn tin giấu tên khẳng định trong cuộc nói chuyện, hai người tỏ ra "khó chịu" về những chỉ trích công khai của Khashoggi đối với chính quyền Arab. "Thái tử đã chỉ thị để Khashoggi im lặng càng sớm càng tốt. Vụ giết người sau đó là kết quả của chỉ thị này", tờ báo cho hay, nhấn mạnh thêm rằng nếu một cuộc điều tra quốc tế về vụ giết Khashoggi được thực hiện, bằng chứng mới sẽ được tiết lộ vì CIA đang giữ nhiều bản ghi âm hơn những gì công chúng biết.
Mỹ ngăn xung đột giữa người Kurd với Thổ Nhĩ Kỳ
Lực lượng dân chủ Syria được Mỹ hậu thuẫn từng dừng chiến dịch chống IS ở Syria vì căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters |
"Chúng tôi sẽ xây các trạm quan sát tại một số địa điểm ở miền bắc Syria dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để kịp thời cảnh báo cho người Thổ nếu phát hiện các hoạt động vượt ra khỏi khu vực do Mỹ kiểm soát", ABC News ngày 21/11 dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Tuyên bố này của ông Mattis được cho là ám chỉ các tay súng dân quân người Kurd (YPG), lực lượng vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Dân quân người Kurd đóng vai trò nòng cốt trong Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và là đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Một số chỉ huy quân đội Mỹ gần đây cho rằng dân quân người Kurd đang bỏ bê cuộc chiến chống IS và chỉ tập trung vào các cuộc giao tranh với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dọc biên giới.
Anh, EU nhất trí dự thảo tuyên bố về tương lai quan hệ song phươngChủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk. Nguồn: THX/TTXVN
Ngày 22/11, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết các nhà lãnh đạo Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí trên nguyên tắc dự thảo tuyên bố về tương lai quan hệ song phương sau khi Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.
Đề cập dự thảo được thảo luận trong cuộc gặp ngày 21/11 giữa Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, ông Tusk cho biết Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã thông báo rằng dự thảo tuyên bố về tương lai quan hệ giữa Anh và EU đã được nhất trí ở cấp các nhà đàm phán và được nhất trí trên nguyên tắc ở cấp chính trị. Dự thảo tuyên bố này sẽ được đưa ra xem xét tại hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến vào ngày 25/11 tới.
Hai miền Triều Tiên thúc đẩy dự án tìm kiếm hài cốt thời chiến tranhBinh sỹ Hàn Quốc mặc niệm tưởng nhớ đồng đội sau khi tìm thấy một bộ hài cốt được cho là binh sỹ tử trận trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-53) tại khu phi quân sự ở biên giới liên Triều ngày 25/10 vừa qua. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ngày 22/11, Hàn Quốc và Triều Tiên kết nối một con đường dài 3km băng qua vạch ranh giới quân sự bên trong Khu vực phi quân sự (DMZ) để hỗ trợ dự án chung tìm kiếm hài cốt quân nhân thời Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Địa điểm này được hai bên thiết kế để phục vụ dự án sắp triển khai từ tháng 4-10/2019 nhằm tìm kiếm hài cốt những người tử trận.
Con đường không lát đá rộng 12m chạy qua DMZ được thiết lập tại Dãy Arrowhead, hay Đồi 281, thuộc khu vực Cheorwon, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 90km về phía Đông Bắc. Phần đường của phía Hàn Quốc chạy dài khoảng 1,7km trong khi của phía Triều Tiên là khoảng 1,3km. Tuyến đường này sẽ được sử dụng cho mục đích vận chuyển nhân sự và trang thiết bị phục vụ dự án tìm kiếm hài cốt.
Nhiều nhân viên công ty khai khoáng của Pháp bị bắn chết ở Niger
Ít nhất 7 nhân viên của công ty khai khoáng FORACO của Pháp và một quan chức địa phương bị bắn chết vào sáng sớm 22/11 khi một nhóm các tay súng tấn công vào khu vực họ cắm trại tại miền Đông Nam Niger.
Tuyên bố của công ty cho biết một nhóm khủng bố đã tấn công vào tòa nhà nơi các kỹ sư và thợ khoan của công ty FORACO đang nghỉ tại làng Toumour, Đông Nam Niger. Những kẻ tấn công đã nã súng vào những người này và giết chết 8 người. Ngoài ra, có 5 người khác cũng bị thương trong vụ việc.
Cảnh sát gác tại hiện trường vụ tấn công bằng dao ở Melbourne, Australia ngày 9/11. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 22/11, Chính phủ Australia đã công bố kế hoạch tước quốc tịch công dân đối với những phần tử khủng bố bị kết tội, thậm chí cả những đối tượng là người bản xứ sinh ra ở Australia.
Quyết định trên được đưa ra sau khi nhà chức trách Australia phát giác một loạt âm mưu khủng bố và các vụ tấn công trong nước. Theo Thủ tướng Australia Scott Morrison, chính phủ cần được tăng quyền hạn trong việc tước quốc tịch công dân đối với bất kỳ đối tượng nào bị phát hiện phạm tội khủng bố.
Lính Mỹ được phép mạnh tay với đoàn người nhập cư ở biên giớiLực lượng binh sĩ Mỹ tại biên giới với Mexico. Ảnh: Reuters
Nhà Trắng được cho là đã ra chỉ thị cho phép binh sĩ tuần tra tại biên giới Mỹ với Mexico được quyền sử dụng vũ lực gây chết người chống lại dân nhập cư bất pháp hợp pháp nếu cần thiết.
Hiện có khoảng 6.000 binh sĩ Mỹ được triển khai đến các địa điểm then chốt dọc theo biên giới với Mexico. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh điều động binh sĩ đến biên giới với Mexico sau khi cáo buộc việc hàng loạt xe tải chở người di cư Trung Mỹ hướng đến biên giới Mexico với Mỹ là “xâm lược”.
Các binh sĩ mới được triển khai có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng Cục Hải quan và Biên phòng (CBP) và Vệ binh Quốc gia để bảo vệ biên giới.