Iran, Triều Tiên, Syria phản đối kiểm soát buôn bán vũ khí
Việc thông qua hiệp ước cần nhận được sự ủng hộ của tất cả 193 thành viên LHQ. Tuy vậy nhiều quốc gia đã đề nghị đưa việc thông qua hiệp ước ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) để bỏ phiếu.
Các nhà ngoại giao đã xây dựng bộ nguyên tắc chấm dứt tình trạng buôn bán vũ khí trôi nổi hơn một thập kỷ qua. Hồi năm 2012, nỗ lực đạt được đồng thuận về việc thông qua hiệp ước này bị đình trệ do những nước lớn như Mỹ, Nga và Trung Quốc yêu cầu cần thêm thời gian xem xét nội dung dự thảo.
Tất cả những nhà sản xuất vũ khí lớn đều ủng hộ Hiệp ước - Ảnh: AFP
Dự thảo hiệp ước quy định những quốc gia thành viên phải đảm bảo hoạt động buôn bán vũ khí quốc tế không diễn ra nếu số vũ khí này dùng trong các hoạt động vi phạm nhân quyền, tội ác chiến tranh hoặc diệt chủng. Các chính phủ cũng phải ngăn chặn tình trạng vũ khí bị tuồn ra chợ đen.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad từng cho biết Iran ủng hộ hiệp ước này. Tuy nhiên đại diện đoàn Iran, ông Mohammad Khazaee, nói hiệp ước không thể chấm dứt việc chuyển giao vũ khí cho những kẻ "có hành vi xâm lược", ý nói đến những nhóm nổi dậy.
Đồng quan điểm với đại sứ Iran, đại sứ Syria Bashar Jaafari phản đối dự thảo hiệp ước đã không đề cập đến việc cấm chuyển giao vũ khí cho những "nhóm vũ trang khủng bố". "Những quan ngại của đất nước chúng tôi đã không được xem xét đến. Do vậy chúng tôi không thể chấp nhận hiệp ước này".
Đại sứ Triều Tiên tiếp tục ủng hộ Iran và Syria khi khẳng định “Đây là một hiệp ước không cân bằng”. CHDCND Triều Tiên hiện đang chịu một cấm vận vũ khí của LHQ vì các hoạt động phóng tên lửa và thử hạt nhân của mình.
Theo Reuters, ngành buôn bán vũ khí trên toàn thế giới năm qua ước tính đạt 70 tỉ USD. Reuters cho biết Mexico, Úc và nhiều quốc gia khác đã đề nghị cuộc họp của LHQ thông qua bản hiệp ước trên, có thể diễn ra vào thứ ba tới.
Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ, trợ lý ngoại trưởng Thomas Countryman, dự đoán kết quả bỏ phiếu sẽ đạt "một tỉ lệ đa số đáng kể". Reuters cho biết Nga và Trung Quốc đã tuyên bố không cản trở việc thông qua hiệp ước, nhưng sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung hiệp ước sau đó. Ấn Độ và Pakistan cùng một số nước cho rằng hiệp ước thiên về ủng hộ các nhà xuất khẩu, tạo nên sự bất lợi cho những nước nhập khẩu vũ khí.
Nếu được đại hội đồng thông qua, hiệp ước phải được ít nhất 50 quốc gia ký kết và phê chuẩn để chính thức có hiệu lực.
Theo Tuổi trẻ - ĐT