Iran tuyên bố không có lý do để đàm phán với Mỹ
Ngoại trưởng Iran cho biết, khó có thể khôi phục lại lòng tin giữa Tehran và Washington.
Theo TASS ngày 1/2, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tuyên bố, giới lãnh đạo Iran không thấy lý do gì để bắt đầu đàm phán trực tiếp với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo ông Araghchi, việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa tài sản của Iran có thể là bước đầu tiên trong việc khôi phục lòng tin giữa Tehran và Washington.
"Để đàm phán có thể diễn ra, cần phải có lý do. Hiện tại, tôi không thấy lý do nào cho điều đó. Nhưng tất nhiên, chúng ta cần xem Mỹ sẽ theo đuổi chính sách gì, liệu có cơ sở cho đối thoại hay không" – Ngoại trưởng Iran Araghchi nói trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera, trả lời câu hỏi về sự sẵn sàng của Tehran trong việc đàm phán trực tiếp với chính quyền Tổng thống Trump.
Ông Araghchi cho biết thêm: “Trước đây, chúng tôi đã đàm phán trực tiếp với Mỹ, chúng tôi đã liên lạc thường xuyên với họ, chúng tôi đã có thể kết luận một thỏa thuận hạt nhân. Chính quyền Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận, và lòng tin đang suy giảm. Tôi không nói rằng không thể khôi phục lòng tin, nhưng điều đó rất khó khăn".
Ngoại trưởng Iran cho rằng, các bên đang “sa lầy trong sự ngờ vực”, đồng thời lưu ý rằng, việc “mở khóa tài sản của Iran" bị Mỹ đóng băng tại nhiều khu vực pháp lý khác nhau có thể là bước đầu tiên "để khôi phục lòng tin".
"Tôi không thể nói rằng một hoặc hai bước sẽ khôi phục được lòng tin, bởi vì mối quan hệ của chúng ta đã trải qua một chặng đường khó khăn. Tôi nghĩ rằng Mỹ hiểu rõ hơn bất kỳ ai về những gì cần phải làm để đạt được điều này", ông Araghchi cho biết.
Theo Ngoại trưởng Iran, nếu các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran thành công, các bên sẽ có thể bắt đầu thảo luận về các vấn đề khác, bao gồm cả Syria và Liban.
"Trước đây, khi chúng tôi đàm phán với Mỹ, EU, Trung Quốc và Nga, chúng tôi quyết định rằng, các cuộc đàm phán sẽ giới hạn trong hồ sơ hạt nhân. Kinh nghiệm trong quá khứ đã thành công, trong các cuộc đàm phán, chúng tôi đã nói với Mỹ, Châu Âu và cộng đồng quốc tế cho rằng, nếu các cuộc đàm phán về hồ sơ hạt nhân thành công, thì chúng ta sẽ có thể bắt đầu đối thoại tích cực về các vấn đề khác” - ông Araghchi nói.
Kế hoạch hành động toàn diện chung đã được năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức ký kết với Iran vào năm 2015 để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Vào năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận và áp dụng lại mọi lệnh trừng phạt chống Iran đã được dỡ bỏ theo các điều khoản của JCPOA.
Kể từ tháng 4/2021, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Vương quốc Anh, Đức và Pháp đã đàm phán với Iran để khôi phục thỏa thuận đã kết thúc mà không có kết quả vào năm 2022.