Iran vẫn ở lại thỏa thuận hạt nhân; Trung Quốc chạy thử tàu sân bay nội địa

Hữu Quân 14/05/2018 06:49

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua có nhiều thông tin nổi bật như: Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc chạy thử trên biển; Mỹ yêu cầu Triều Tiên chuyển vũ khí hạt nhân ra nước ngoài; Argentina kêu gọi hỗ trợ tài chính từ IMF; LHQ và Congo đẩy mạnh kiểm soát dịch Ebola đang lan rộng...

Trung Quốc chạy thử trên biển tàu sân bay nội địa đầu tiên

Trung Quoc chay thu tren bien tau san bay noi dia dau tien hinh anh 1

Tàu sân bayType-001A do Trung Quốc tự đóng. Ảnh:IC.

Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc vừa được đưa vào chạy thử trên biển vào sáng 13/5.

Chiếc tàu sân bay hiện được gọi là Type-001A và chưa có tên chính thức. Đây là tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc và là chiếc đầu tiên tự đóng trong nước. Tàu sân bay Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, được mua từ Ukraine.

AP dẫn truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết tàu Type-001A đã rời cảng Đại Liên, phía bắc Trung Quốc, vào sáng sớm 13/5. Cục an toàn hàng hải tỉnh Liêu Ninh đã ra lệnh cho tàu thuyền tránh xa vùng biển phía đông nam thành phố Đại Liên từ ngày 13 - 18/5.

Cả tàu Liêu Ninh và chiếc tàu mới đều được đóng dựa trên mô hình của Liên Xô và chạy bằng dầu. Trung Quốc được cho là đang lên kế hoạch đóng một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Mỹ yêu cầu Triều Tiên chuyển vũ khí hạt nhân ra nước ngoài

my yeu cau trieu tien chuyen vu khi hat nhan ra nuoc ngoai hinh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters/AP

Mỹ đã yêu cầu Triều Tiên chuyển một phần trong kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cùng vật liệu phân hạch và tên lửa tầm xa của Triều Tiên ra khỏi nước này trong vòng vài tháng sau cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12/6 tới đây tại Singapore.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn các nguồn tin hôm nay cho biết, phía Mỹ đã đưa ra yêu cầu này trong các cuộc thảo luận với phía Triều Tiên nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Theo yêu cầu của Mỹ, các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên sẽ không được rút bớt nếu yêu cầu trên không được đáp ứng. Hiện chưa rõ phản ứng của phía Triều Tiên về đòi hỏi này của Mỹ.

Iran có thể sẽ vẫn là một phần của thỏa thuận hạt nhân

iran co the se van la mot phan cua thoa thuan hat nhan hinh 1

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Ảnh minh họa: KT)

Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm nay tái khẳng định nước này sẽ vẫn ở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nếu 5 nước còn lại của thỏa thuận này (ngoại trừ Mỹ) tuân thủ các cam kết đã ký và các lợi ích của Tehran không bị xâm hại.

Ông Rouhani chỉ trích Mỹ đã “vi phạm đạo đức” khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, khiến Trung Đông đối diện với nguy cơ bất ổn cũng như ảnh hưởng xấu đến thị trường dầu mỏ quốc tế.

Trong khi đó, cùng ngày, trong chuyến thăm tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết, Iran sẽ thiết kế lại thỏa thuận hạt nhân Iran với 5 cường quốc là Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức mà không cần tới Mỹ.

Dự kiến, sau Trung Quốc, Ngoại trưởng Iran sẽ tới Nga và Bỉ, để gặp đối tác các nước còn lại của thỏa thuận bàn về vấn đề này.

Argentina kêu gọi hỗ trợ tài chính từ IMF để tránh khủng hoảng kinh tế

Ngân hàng Trung ương Argentina. Nguồn: Reuters

Chánh Văn phòng của Tổng thống Argentina Marcos Pena cho biết đã yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ tài chính để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế tại nước này.

Phát biểu trước truyền thông, ông Pena cho hay các cuộc đàm phán giữa Buenos Aires với IMF tập trung vào đề nghị hỗ trợ tài chính mà không đề cập đến yêu cầu IMF về một chương trình kinh tế.

Chính phủ Argentina tiến hành các cuộc đối thoại với IMF để kêu gọi sự hỗ trợ tài chính sau khi đồng nội tệ peso liên tục mất giá trong hai tuần qua, với đồng nội tệ giao dịch ở mức 23,73 peso/USD, mức giá thấp nhất của đồng peso trong năm nay.

Ngân hàng Trung ương Argentina vừa buộc phải can thiệp vào thị trường hối đoái trong nước để hạn chế đà tuột dốc của đồng peso, bao gồm cả việc tăng lãi suất cơ bản lên 40%.

Đa số người dân Thái Lan phản đối việc kêu gọi biểu tình

52% so nguoi duoc hoi tai thai lan phan doi viec keu goi bieu tinh hinh 1

29% người dân Thái Lan được khảo sát cho rằng cuộc bầu cử có thể được tổ chức sớm vì sức ép từ một số bộ phận dân chúng. (Ảnh: Rerteus)

Đây là kết quả khảo sát vừa được Trung tâm khảo sát Suan Dusit Poll, Thái Lan công bố ngày 13/5.

Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 8/5 đến ngày 12/5, với sự tham gia của gần 1.200 người dân, có độ tuổi từ 18 trở lên, trong các ngành nghề khác nhau trên khắp cả nước. Khi được hỏi liệu cuộc tổng tuyển cử có thể được tổ chức vào cuối năm nay không, mặc dù Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã tuyên bố sẽ tổ chức vào tháng 2/2019; song có tới 29% cho rằng cuộc bầu cử có thể được tổ chức sớm vì sức ép từ một số bộ phận dân chúng.

Đối với kế hoạch kêu gọi tập trung biểu tình của một số nhà hoạt động ủng hộ tổ chức bầu cử sớm, gần 71% cho rằng họ có quyền làm vậy trong một đất nước dân chủ; trên 22% không chắc chắn; và xấp xỉ 7% cho rằng không được phép vì Hội đồng trật tự quốc gia (NCPO) vẫn cấm hoạt động chính trị. Tuy nhiên, khi được hỏi có đồng ý với kế hoạch biểu tình không, trên 52% phản đối, muốn họ có biện pháp hòa bình để tránh làm xấu hình ảnh đất nước, trong khi khoảng 48% ủng hộ vì muốn cuộc bầu cử càng sớm càng tốt.

Liên Hợp Quốc và Congo đẩy mạnh kiểm soát dịch Ebola đang lan rộng

lien hop quoc va congo day manh kiem soat dich ebola dang lan rong hinh 1

Liên hợp quốc, Congo đẩy mạnh nỗ lực kiểm soát Ebola đang lan rộng (Ảnh minh họa: KT)

Theo nguồn tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Bộ trưởng Y tế Congo Oly Ilunga Kalenga đã cùng các quan chức hai tổ chức trên tới thị sát tình hình dịch bệnh tại tỉnh Equateur – tỉnh mới nhất được xác nhận có ca nghi nhiễm mới Ebola ở nước này. Nhà chức trách Congo và các bên liên quan cho biết sẽ đẩy mạnh nỗ lực để đối phó với dịch bệnh một cách hiệu quả.

Hồi đầu tuần qua, nhà chức trách Congo lần đầu tiên chính thức xác nhận dịch Ebola đã bùng phát ở nước này, trong đó ổ dịch là làng Ikoko Impenge với 32 trường hợp nhiễm bệnh và 18 ca tử vong kể từ đầu tháng 4 vừa qua.

Các quan chức Congo hiện đang chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn virus Ebola lan rộng vượt tầm kiểm soát như đã từng xảy ra ở khu vực Tây Phi trong giai đoạn 2014-2016 làm hơn 11.300 người ở Guineé, Sierra Leone và Liberia tử vong.

Đội cận vệ của Giáo hoàng có mũ mới

Đội cận vệ Giáo hoàng.
Đội cận vệ Giáo hoàng.

Đội Cận vệ của Giáo hoàng (hay còn gọi là Đội Vệ binh Thụy Sĩ của Vatican) sắp tới đây sẽ thay loại mũ sắt truyền thống bằng loại mũ nhựa PVC sản xuất bằng máy in 3D.

Đối với các thành viên Cận vệ là những người thường xuyên phải đứng gác ngoài trời, loại mũ mới này thuận lợi hơn nhiều bởi vì sẽ giúp họ tránh được tác hại của các tia cực tím. Hơn thế nữa, loại mũ mới không đắt hơn loại mũ sắt. Theo tờ The Daily Mail, cả 2 loại mũ đều có giá ở mức 836 euro.

Đánh bom liên tiếp vào nhà thờ ở Indonesia, 11 người chết

Danh bom lien tiep vao nha tho o Indonesia, 11 nguoi chet hinh anh 1

Hiện trường vụ đánh bom ở một nhà thờ tại thành phố Surabaya. Ảnh:BBC.

Theo RT, cả 3 vụ đánh bom xảy ra sáng Chủ nhật, 13/5 tại 3 nhà thờ ở thành phố Surabaya (đảo Java, Indonesia), và chỉ cách nhau khoảng vài phút.

Tính đến thời điểm hiện tại, con số thương vong trong vụ đánh bom liên hoàn đã tăng mạnh, lên tới 13 người thiệt mạng (bao gồm 6 nghi phạm) và hơn 40 người khác bị thương.

Đặc biệt, các nghi phạm gây ra vụ đánh bom được xác định là vợ chồng, con cái của một gia đình chịu ảnh hưởng bởi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vừa trở về từ Syria.

Cụ thể, người cha đã lái chiếc xe chứa thuốc nổ đâm vào cửa chính của một nhà thờ, sau đó “kêu gọi mọi người bình tĩnh”. Vợ và 2 con gái (12 và 9 tuổi) của người này tham gia tấn công nhà thờ thứ hai. Trong khi 2 con trai (18 và 16 tuổi) lao xe máy tới tấn công nhà thờ thứ ba với thuốc nổ mang theo người.

IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng không cung cấp bằng chứng cụ thể.

Kẻ đâm dao ở Paris sinh năm 1997 tại Chechnya

Cảnh sát phong tỏa đường phố ở quận hai,gần nhà hát lớn Operasau vụ tấn công bằng dao khiếnmột người chết. Ảnh:Reuters.

Cảnh sát phong tỏa đường phố ở quận hai,gần nhà hát lớn Operasau vụ tấn công bằng dao khiến một người chết. Ảnh:Reuters.

Một nguồn tư pháp của Pháp cho biết kẻ bị cảnh sát bắn chết sau khi gây ra vụ tấn công bằng dao vào đêm thứ 7 tại trung tâm Paris được sinh ra vào năm 1997 tại vùng Chechnya thuộc Nga, nhưng không tiết lộ danh tính và quốc tịch của kẻ này, Reuters đưa tin.

Cảnh sát Pháp đã tạm giữ bố mẹ của nghi phạm để thẩm vấn. Công tố viên Paris dẫn lời các nhân chứng cho biết nghi phạm đã hô to "Allah Akbar" (Thánh Allah vĩ đại) khi dùng dao tấn công người đi đường. Cơ quan chức năng đang điều tra sự việc theo hướng đây là một vụ tấn công khủng bố.

Vụ đâm dao xảy ra tại quận hai của Paris, gần nhà hát lớn Opera, nơi tập trung đông khách du lịch vui chơi vào đêm cuối tuần. Hiện hai trong số 4 người bị thương vẫn trong tình trạng nguy kịch.

Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng không đưa ra bằng chứng cho thấy nghi phạm này là thành viên của tổ chức.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Mới nhất
x
Iran vẫn ở lại thỏa thuận hạt nhân; Trung Quốc chạy thử tàu sân bay nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO