Iran xích lại gần Pakistan: cuộc đua lưỡng cực trong thế giới Hồi giáo nóng trở lại

28/03/2016 11:06

(Baonghean) - Chuyến thăm Pakistan tuần qua của Tổng thống Iran Hassan Rouhani không ngoài mục đích xúc tiến mối quan hệ kinh tế được dự báo là rất hứa hẹn. Nhưng bối cảnh địa chính trị tại khu vực Trung Đông – Nam Á và thế giới Hồi giáo còn cung cấp những dự báo xa xôi hơn nữa. Dường như hai bên đang muốn vừa thúc đẩy hợp tác, nhưng cũng cân bằng những mối quan hệ đối ngoại của mình.

Láng giềng nhiều tiềm năng

Sự cởi trói khỏi các lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt đối với Iran là điều kiện không thể tốt hơn để Pakistan nâng cấp mối quan hệ song phương với nước láng giềng. Đó cũng là nội dung bàn thảo chính trong chuyến thăm Pakistan của Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Chuyến thăm Pakistan của Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước (nguồn: Deutsch Welle)
Chuyến thăm Pakistan của Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước (nguồn: Deutsch Welle)

Như khẳng định của lãnh đạo 2 nước, có nhiều lĩnh vực mà hai bên có thể khai thác như thương mại, kinh tế và năng lượng, đồng thời việc mở thêm 2 cửa khẩu biên giới sẽ được tiến hành nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho mậu dịch và thúc đẩy giao lưu nhân dân hai bên biên giới.

"Mối quan hệ thương mại và kinh tế của chúng ta đã chịu tổn thương bởi lệnh trừng phạt" - Thủ tướng Pakistan Nawaf Sharif giải thích trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Rouhani, vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Iran sang thăm nước láng giềng Pakistan trong vòng 14 năm qua.

Về phần mình, Tổng thống Rouhani cũng cho biết lãnh đạo 2 nước đã thảo luận các phương hướng khai thác các tiềm năng hợp tác mới trên lĩnh vực năng lượng và giao thương bằng đường thủy giữa cảng Gwadar của Pakistan và cảng Chahbahar của Iran. Phát biểu với báo giới tại Islamabad vào cuối chuyến thăm, ông Rouhani nêu rõ:

"Một trong những mục tiêu chính của chúng tôi là sự tương tác kinh tế tốt hơn với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là những nước thân thiện với Iran trong khu vực. Chúng tôi muốn có một hành lang giữa Gwadar và Chahbahar, để những cảng này sẽ được kết nối qua các tuyến đường sắt, đường bộ và cả đường biển".

Nhân chuyến thăm này, 6 thoả thuận về thương mại và kinh tế, bao gồm cả Kế hoạch hợp tác Thương mại chiến lược 5 năm nhằm thiết lập một cơ chế để giải quyết các vấn đề có thể làm tổn hại đến thương mại song phương đã được ký kết.

Giới phân tích nhận định, không gian hợp tác của 2 nước láng giềng Hồi giáo này còn lớn hơn thế nhiều. Dư luận khu vực đang tò mò về khả năng khởi động lại một trong những dự án hợp tác năng lượng quan trọng là đường ống dẫn khí đốt trị giá 7,5 tỷ USD. Hiện tại, Iran đã hoàn tất phần đường ống dài 1.800km trị giá 2 tỷ USD trên phần lãnh thổ của mình từ tháng 3/2013. Phía Pakistan vẫn chưa triển khai xây dựng vì lệnh cấm vận của quốc tế chống Iran.

Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của Trung Quốc, nước này mới đây đã xúc tiến kế hoạch tham gia trong hành lang kinh tế đầy tham vọng mang tên “Con đường Tơ lụa” trị giá 46 tỷ USD để nối khu vực miền Tây của Trung Quốc đến Pakistan và các quốc gia Trung Đông khác. Một khi hoàn thành, công trình này sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu năng lượng tồn tại đã nhiều năm tại Pakistan, với lượng khí đốt nhập khẩu trị giá lên tới 2,5 tỷ USD mỗi năm.

Đường ống khí đốt Iran – Pakistan - dự án tham vọng nhất giữa hai nước trong tương lai (nguồn: The Wall Street Journal)
Đường ống khí đốt Iran – Pakistan - dự án tham vọng nhất giữa hai nước trong tương lai (nguồn: The Wall Street Journal)

Bàn cờ chiến lược

Dẫu biết chuyến thăm này chủ yếu nhằm xúc tiến các lợi ích kinh tế thì dư luận tại khu vực không khỏi băn khoăn khi Tổng thống Iran tới Pakistan – quốc gia có quan hệ thân thiết với Saudi Arabia giữa lúc quan hệ Iran với Saudi Arabia đang hồi căng thẳng.

Người ta cho rằng Iran đang muốn lôi kéo Pakistan ngả về phía mình trong cuộc cạnh tranh chiến lược tại Trung Đông. Giới lãnh đạo ở Islamabad cũng tỏ ra khéo léo khi muốn điều hoà quan hệ giữa 2 cực lớn nhất của thế giới Hồi giáo trong khi vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia tối đa.

Mosharraf Zaidi, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Pakistan nhận định chuyến thăm của Tổng thống Iran là "dấu hiệu tích cực" cho thấy Pakistan không vì duy trì mối quan hệ với Arabia Saudi và các nước vùng Vịnh khác mà “hy sinh mối quan hệ hữu ích và thiết thực” với Iran.

Pakistan có đông người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống song có mối quan hệ bình thường với Iran, nơi người Hồi giáo Shiite chiếm đa số. Mối quan hệ bang giao tốt đẹp giữa hai bên là bằng chứng sinh động để thuyết phục Saudi Arabia cùng có thái độ tích cực. Thậm chí, hồi tháng 1 vừa qua, trong chuyến thăm Iran, thủ tướng Nawaz Sharif còn nhắc tới khả năng đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán giữa Iran và Saudi Arabia nhằm giải quyết những bất hòa sau vụ Riyadh xử tử giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Sheikh Nimr al-Nimr kéo theo việc đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran bị người biểu tình tấn công.

Cân bằng mối quan hệ với hai cường quốc Hồi giáo Iran và Saudi Arabia sẽ là bài toán chiến lược lớn đối với Islamabad. (nguồn: VOAnews)
Cân bằng mối quan hệ với hai cường quốc Hồi giáo Iran và Saudi Arabia sẽ là bài toán chiến lược lớn đối với Islamabad. (nguồn: VOAnews)

Pakistan quá hiểu sự nhạy cảm, nếu không muốn nói là nguy hiểm của những mối quan hệ liên minh trong thế giới Hồi giáo. Nước này đã từ chối thẳng thừng lời đề nghị tham gia liên minh các nước Arab chống lại lực lượng nổi dậy Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Chính vì lời từ chối dứt khoát này mà quan hệ Riyadh và Islamabad có vẻ lạnh nhạt hơn. Nhưng không vì thế mà Pakistan có thể “buông tay” với đồng minh này bởi những mối quan hệ hợp tác quân sự gần gũi từ hàng thập kỷ qua.

Lựa chọn đối tác nào, ưu tiên ra sao vào thời điểm hiện tại và tương lai để không rơi vào vòng xoáy mâu thuẫn lại vừa đảm bảo và thúc đẩy lợi ích quốc gia đang là bài toán chiến lược cần sự cân nhắc của Pakistan./.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Iran xích lại gần Pakistan: cuộc đua lưỡng cực trong thế giới Hồi giáo nóng trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO