Israel tìm cách giảm căng thẳng với Nga; Châu Âu ra mắt Liên minh phòng thủ chung
(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra với nhiều tin tức nổi bật như: Israel tìm cách giảm căng thẳng với Nga; Hàn - Triều nhất trí giữ lại 2 trạm gác ở Khu vực Phi quân sự; Châu Âu ra mắt Liên minh phòng thủ chung, giảm dần sự phụ thuộc Mỹ; Hun Sen bác cáo buộc bổ nhiệm con trai để củng cố quyền lực...
Israel tìm cách giảm căng thẳng với Nga
Máy bay trinh sát IL-20 của Nga. Ảnh: RT. |
Israel cho biết vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Nga sạu vụ rơi máy bay trính sát Il -20 của Nga ở Syria. Người phát ngôn của quân đội Israel Jonathan Kounkrinos nói rằng, nước này đang đưa ra các hành động và tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ để làm giảm căng thẳng với Nga. Đây là một cơ chế chuyên nghiệp và hiệu quả vì lợi ích của cả Israel và Nga.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Liberman nhấn mạnh rằng quan hệ Israel - Nga đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, phía Nga nói rằng vẫn còn căng thẳng giữa hai nước khi Israel tiếp tục các hành động quân sự đặc biệt ở Syria. Nga yêu cầu Israel điều chỉnh các hoạt động quân sự ở Syria để đảm bảo không vô tình gây nguy hiểm cho phía Nga.
Hàn - Triều nhất trí giữ lại 2 trạm gác ở Khu vực Phi quân sự
Binh sĩ Hàn Quốc gác tại Khu vực an ninh chung (JSA) ở làng đình chiến Panmunjom ngày 18/4/2018. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN |
Tại cuộc hội đàm cấp tướng diễn ra giữa hai miền Triều Tiên hồi tháng trước, hai bên nhất trí đến cuối tháng 11 này, mỗi bên rút 11 trạm gác ở Khu vực Phi quân sự (DMZ) và xác nhận việc dỡ bỏ các trạm gác này vào tháng 12 tới. Kế hoạch này được thực hiện theo thỏa thuận quân sự mà lãnh đạo quốc phòng hai nước ký trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 9.
Saudi Arabia cấm người Hồi giáo Israel, Palestine tới thánh địa MeccaCác tín đồ Hồi giáo cầu nguyện tại Đại lễ đường ở Thánh địa Mecca, Saudi Arabia. Nguồn: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn báo Haaretz của Israel đưa tin các tín đồ Hồi giáo nước này có thể sẽ không được thực hiện lễ hành hương Hajj và Umrah, vì chính quyền Saudi Arabia không còn công nhận giấy thông hành tạm thời của Jordan.
Saudia Arabia và Israel không có quan hệ ngoại giao chính thức. Từ trước đến nay, những người Hồi giáo mang hộ chiếu Israel có thể sử dụng giấy thông hành do Jordan cấp để nhập cảnh Saudia Arabia, nơi có hai thánh địa linh thiêng nhất của người Hồi giáo là Mecca và Medina. Quy định mới của Saudi Arabia không chỉ ảnh hưởng đến hơn một triệu tín đồ Hồi giáo là công dân Israel, chiếm 17% dân số nước này, mà còn cả những người Palestine ở Đông Jerusalem, khu Bờ Tây và Dải Gaza đi du lịch bằng giấy thông hành tạm thời do Jordan cấp.
Hun Sen bác cáo buộc bổ nhiệm con trai để củng cố quyền lực
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tới dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEM tại Brussels, Bỉ ngày 19/10. Ảnh:Reuters. |
Phát biểu trước các sinh viên tại Phnom Penh ngày 8/11, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định các con của ông được bổ nhiệm là do tự học tập và rèn luyện. Thủ tướng Campuchia khẳng định việc các con của ông được bổ nhiệm là kết quả của quá trình học tập và rèn luyện, không phải nhằm củng cố quyền lực của bản thân ông. Đây là lần đầu tiên trong thời gian dài Thủ tướng Hun Sen lên tiếng trước cáo buộc bổ nhiệm các con để củng cố quyền lực, AFP đưa tin.
Con trai cả của Thủ tướng Hun Sen là đại tướng Hun Manet, tốt nghiệp học viện quân sự West Point của Mỹ năm 1999 và có bằng tiến sĩ kinh tế của đại học Bristol. Năm 2010, Hun Manet được phong quân hàm thiếu tướng lục quân và trở thành tư lệnh phó Đội Cận vệ Thủ tướng. Tháng 9, tướng Hun Manet nắm quyền Tham mưu trưởng Quân đội Hoàng gia Campuchia. Con trai thứ của Thủ tướng Hun Sen là Hun Manit, hiện chỉ huy một đơn vị tình báo quân đội. Con trai út Hun Many là nghị sĩ phụ trách phong trào thanh niên của đảng Nhân dân Campuchia (CCP).
12 người thiệt mạng trong vụ nổ súng tại bang California Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ xả súng ở Thousand Oaks, California, Mỹ ngày 7/11. Ảnh: AFP/TTXVN
Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Ventura xác nhận vụ xả súng đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, và thủ phạm đã bị bắn hạ tại khu dân cư ngoại ô thành phố Thousand Oaks.
Trước đó, truyền thông đưa tin một vụ xả súng đã xảy ra tại quán Borderline Bar & Grill ở thành phố Thousand Oaks, hạt Ventura, thuộc khu vực Nam California. Theo lời nhân chứng, kẻ tấn công đã ném lựu đạn khói vào đám đông trước khi xả súng. Lực lượng an ninh sau đó đã xuất hiện, đấu súng với nghi phạm và 1 cảnh sát bị thương.
Tai nạn xe buýt kinh hoàng tại Zimbabwe, ít nhất 47 người thiệt mạng
Hiện trường một vụ tai nạn xe buýt tại Zimbabwe. (Nguồn: contribute.pindula.co.zw). |
Các phương tiện truyền thông Zimbabwe đưa tin, vụ tai nạn xảy ra khi hai chiếc xe buýt va chạm nhau tại gần một địa điểm thu phí ở thị trấn Rusape của tỉnh Manicaland vào lúc tối 7/11 (theo giờ địa phương). Theo các báo cáo ban đầu trước đó, có tới 30 thi thể các nạn nhân thiệt mạng được xác định ngay tại hiện trường vụ việc. Theo tờ báo Herald Zimbabwe, có 2 nạn nhân là trẻ em trong số 47 nạn nhân thiệt mạng được báo cáo mới nhất. Hiện công tác cứu hộ và điều tra nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được tiến hành.
Châu Âu ra mắt Liên minh phòng thủ chung, giảm dần sự phụ thuộc Mỹ
10 quốc gia tham gia Sáng kiến can thiệp Châu Âu (European Intervention Initiative). Ảnh minh họa: Sputnik. |
Châu Âu vừa ra mắt Lực lượng can thiệp quân sự chung tại thủ đô Paris của Pháp.Với sự tham gia của 10 quốc gia, Sáng kiến can thiệp Châu Âu (European Intervention Initiative) do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất được cho là biện pháp tăng cường sức mạnh quân sự của khối, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang nới dần cam kết với khu vực.
Tham gia Sáng kiến can thiệp Châu Âu này có 10 quốc gia bao gồm Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp. Các thành viên hợp tác trên các lĩnh vực quy hoạch, phân tích khủng hoảng quân sự và nhân đạo mới, đưa ra các kế hoạch quân sự để giải quyết khủng hoảng.
Liban lập kế hoạch hồi hương 200.000 người Syria cuối năm 2018
Người tị nạn Syria chuẩn bị hồi hương từ Liban tại cửa khẩu Masnaa. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khuôn khổ cuộc họp Ủy ban Điều phối chung Nga và Syria về người tị nạn tổ chức tại Moskva, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Nga, Tướng Mikhail Mizintsev cho biết, Liban đang có kế hoạch và sẵn sàng đảm bảo cho 200.000 người tị nạn Syria hồi hương vào cuối năm nay. Theo ông Mizintsev, việc hồi hương của người tị nạn là hoàn toàn tự nguyện và phù hợp với các quy định của Liên hợp quốc.
Ngay sau khi giành lại quyền kiểm soát đối với hầu hết các vùng lãnh thổ vốn bị lực lượng đối lập và các tổ chức khủng bố chiếm đóng trước đây, Chính phủ Syria hiện tập trung tạo điều kiện thuận lợi để hồi hương người tị nạn. Moskva đang hỗ trợ Damacus thông qua cung cấp viện trợ nhân đạo cho dân thường và bảo đảm cho một lệnh ngừng bắn.