Italia có mang lại “phép màu” cho Libya?

Thúy Ngọc 12/11/2018 18:30

(Baonghean) - Trong hai ngày 12 và 13/11, hội nghị quốc tế về Libya diễn ra tại thành phố Palermo dưới sự chủ trì của Italia. Mục tiêu của hội nghị này là thúc đẩy một giải pháp chính trị cho đất nước vốn đang chìm trong hỗn loạn kể từ khi nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi bị lật đổ.

Đất nước Libya đang bị chia rẽ sâu sắc

Thế nhưng, với một đất nước Libya đang bị chia rẽ sâu sắc, trong khi cộng đồng quốc tế lại có cách tiếp cận không thống nhất, có lẽ chỉ có “phép màu” mới giúp hội nghị quốc tế tại Palermo tìm ra được giải pháp cho Libya lúc này.

Từ thống nhất bên ngoài

Italia chủ trì hội nghị quốc tế về Libya tại Palermo nhằm thúc đẩy một kế hoạch mới của Liên hợp quốc nhằm ổn định tình hình tại Libya sau khi sáng kiến tổ chức cuộc bầu cử vào tháng 12 tới thất bại. Trước đó, Phái viên Liên hợp quốc về Libya Ghassan Salame đã thông báo không chấp nhận kế hoạch bầu cử tại Libya vào ngày 10/12 tới, thay vào đó là tổ chức hội nghị toàn quốc tại Libya để hàn gắn hàng trăm nhóm vũ trang và bộ lạc đối địch tại các thị trấn, khu vực.

Ông Ghassan Salame đưa ra thông báo trong bối cảnh, từ cuối tháng 8 vừa qua, thủ đô Tripoli chứng kiến các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng dân quân vũ trang từ thành phố Tarhuna, cách Tripoli khoảng 80 km về phía Đông Nam khiến hơn 100 người đã thiệt mạng.

Khi tổ chức hội nghị lần này với sự tham dự đông đảo của đại diện các quốc gia, một trong những mục tiêu quan trọng là rút ngắn khác biệt giữa Italia và Pháp và trong vấn đề Lybia. Pháp chính là nước đã chủ trì một hội nghị quốc tế về Libya hồi tháng 5 vừa qua, trong đó thống nhất về việc tiến hành các cuộc tổng thống và quốc hội vào tháng 12 tới. Cả Italia và Pháp đều có lợi ích lớn liên quan đến dầu mỏ ở Libya, song đang có cách tiếp cận khác nhau dù cả hai bên đều nỗ lực để giải quyết xung đột tại quốc gia Bắc Phi này.

Thủ tướng Italia Giuseppe Conte mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Libya. Ảnh: Channel News Asia

Cách tiếp cận của Pháp là “từ trên xuống”, theo đó chỉ đại diện của những lực lượng quan trọng nhất được tham gia vào bàn đàm phán về tiến trình chính trị tại Libya. Trong khi đó, Italia có cách tiếp cận “từ dưới lên”, tức là bất cứ giải pháp nào cho Libya đều phải xuất phát từ chính nguyện vọng của hàng trăm vũ trang và bộ lạc đang kiểm soát những vùng lãnh thổ khác nhau. Đó là lý do Italia đã phải đầu tư khá nhiều công sức vào các hoạt động ngoại giao con thoi nhằm thuyết phục đại diện các nhóm tham gia vào hội nghị lần này.

Bên cạnh cách tiếp cận, Italia và Pháp còn có sự khác biệt lớn khi ủng hộ các lực lượng khác nhau – cho dù đây là sự ủng hộ “ngầm” chứ không được công khai thừa nhận.

Trong khi Pháp cùng đồng minh Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất ủng hộ tướng Khalifa Haftar, người đang nắm giữ chính quyền ở phía Đông Libya bởi coi ông là “bức tường” chống lại những chiến binh Hồi giáo cực đoan, thì Italia lại đứng về phía Thủ tướng Fayez Serraj, người đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya hoạt động tại Thủ đô Tripoli. Italia là nước thuộc “tuyến đầu” của châu Âu đang phải chống chọi với làn sóng di cư từ Libya và nhiều quốc gia Bắc Phi khác, bởi vậy đang rất cần sự hợp tác của ông Fayez Serraj để ngăn chặn dòng người di cư này.

Những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ổn định tình hình tại Libya kể từ sau khi nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi bị lật đổ được đánh giá là không mang lại nhiều kết quả. Sự bất đồng giữa Italia và Pháp trong suốt thời gian qua càng khiến những đề xuất của các bên trở nên khó khả thi. Bởi vậy, nếu hội nghị lần này tại Parlemo không thể đưa ra những giải pháp chính trị nào cho Libya thì riêng việc thống nhất được quan điểm giữa Italia và Pháp cũng đã được xem là một thành công.

Đến hàn gắn bên trong

Nếu từ bên ngoài, sự bất đồng giữa Italia và Pháp là một thách thức lớn cho tiến trình chính trị ở Libya, thì từ bên trong, sự chia rẽ sâu sắc giữa các lực lượng còn khó giải quyết hơn gấp nhiều lần. Sự can thiệp của phương Tây vào Libya hồi năm 2011 đã xóa bỏ chế độ bị coi là “độc tài” của nhà lãnh đạo Moamar Gaddafi, nhưng lại đẩy Libya vào tình trạng hỗn loạn kéo dài với sự trỗi dậy của các nhóm dân quân và Hồi giáo cực đoan. Bất chấp một bản thỏa thuận đã từng đạt được vào năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực và chia rẽ chính trị.

Libya vẫn nằm dưới sự kiểm soát của hàng trăm nhóm vũ trang khác nhau. Ảnh: Middle East Eyes
Libya vẫn nằm dưới sự kiểm soát của hàng trăm nhóm vũ trang khác nhau. Ảnh: Middle East Eyes

Hiện ở Lybia tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya do Thủ tướng Fayez Serraj lãnh đạo, được Liên hợp quốc hậu thuẫn và kiểm soát hầu hết phần lãnh thổ miền Tây, trong đó có Thủ đô Tripoli. Trong khi đó, tướng Khalifa Haftar đứng đầu một chính quyền ở khu vực miền Đông.

Giới phân tích nhận định rằng yếu tố khó khăn nhất trong chính nội tại Lybia, ngăn cản các nỗ lực tìm kiếm hòa bình nằm ở tính chất “nền chính trị bộ tộc” của quốc gia này. Theo đó, các nhóm vũ trang vẫn bị chi phối bởi lợi ích của bộ tộc, của khu vực, thậm chí chia nhỏ đến thị trấn thay vì đặt lợi ích của quốc gia lên trên, và các lực lượng này đều có khuynh hướng phải bảo vệ lợi ích riêng của mình bằng mọi giá. Trong khi đó, không có một thế lực nào đủ mạnh để có thể tập hợp và thống nhất các lực lượng này.

Người dân Lybia đối diện với những khủng hoảng tồi tệ, có hàng trăm ngàn người muốn thoát khỏi tình trạng này bằng cách di cư. Ảnh Reuters
Người dân Lybia đối diện với những khủng hoảng tồi tệ, hàng trăm ngàn người muốn thoát khỏi tình trạng này bằng cách di cư, chạy trốn chiến tranh. Ảnh: Reuters

Fayez al-Sarraj, người đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya gần như đã bất lực trong việc giành được vị thế hợp pháp, được các nhóm chấp nhận tại Libya. Sự tồn tại của chính phủ của ông vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào sự bảo vệ của các lực lượng dân quân. Mặc dù đã rất nỗ lực để sắp xếp lại các lực lượng dân quân này thành các lực lượng chuyên nghiệp, nhưng Fayez al-Sarraj và các nhóm dân quân đến thời điểm này vẫn là những nhóm vũ trang hoạt động mang tính tự phát. Trong khi đó, tướng Khalid al-Mishri Haftar cũng bất lực không kém. Khalid al-Mishri Haftar được xem là quyền lực đối trọng với Fayez al-Sarraj với vùng hoạt động ở phía Đông. Tuy nhiên, Haftar bị đánh giá là có tham vọng cá nhân quá lớn, và khuynh hướng thành lập vùng lãnh thổ tự trị đã biến ông thành một nhân vật gây chia rẽ và bị cho là trở ngại lớn cho việc thống nhất đất nước.

Khi tuyên bố trước khi bắt đầu hội nghị tại Palermo, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã nói rằng, đây là hội nghị “cho Libya”, chứ không phải “về Libya” – một tuyên bố được cho là khá nhạy cảm về mặt ngữ nghĩa, nhưng phản ánh hoàn toàn đúng bản chất tình hình Libya trong suốt những năm qua.

Ngoài những chia rẽ nội bộ, Libya đã trở thành tâm điểm cho những toan tính của các thế lực bên ngoài, lúc là Thổ Nhĩ Kỳ, lúc là Anh, lúc Pháp, các thế lực khu vực khác, và ngay cả Italia cũng là một phần của những thế lực này. Dù vậy, cho dù hội nghị có đáp ứng mong muốn “cho Libya” của ông Giuseppe Conte đi chăng nữa, bản thân người dân Libya cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào hội nghị này.

Hội nghị có thể đặt lên bàn thảo luận rất nhiều vấn đề, từ di cư bất hợp pháp, sự hỗ trợ với rất nhiều tiền bạc của châu Âu, thậm chí là những đề xuất ngừng bắn, nhưng chỉ có “phép màu” mới có thể giúp Libya tìm được con đường hòa bình sau 7 năm chìm trong xung đột và bạo lực.

Mới nhất
x
Italia có mang lại “phép màu” cho Libya?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO