Italy và EU “đường ai nấy đi” vì bất đồng?

Thu Hoài 27/08/2018 15:27

Việc EU quyết không nhượng bộ Italy về vấn đề nhập cư đang khiến nhiều người lo ngại kịch bản “đường ai nấy đi”.

Italy liệu có rời EU vì bất đồng trong việc xử lý dân nhập cư
Italy liệu có rời EU vì bất đồng trong việc xử lý dân nhập cư.

Bất chấp cảnh báo của Chính phủ Italy ngừng đóng góp cho ngân sách Liên minh châu Âu, song không có bất kỳ thỏa thuận nào đạt được giữa hai bên nhằm giải quyết số phận của 150 người nhập cư vẫn phải lênh đênh trên biển suốt gần 1 tuần qua do không có nước nào chịu tiếp nhận. Nhiều chuyên gia đã bắt đầu lo ngại, nếu Italy và Liên minh châu Âu không thể tìm ra được một giải pháp thỏa đáng, thì chuyện “đường ai nấy đi” sẽ là một kịch bản không thể tránh khỏi.

Việc EU quyết không nhượng bộ Italy về vấn đề nhập cư đang khiến nhiều người lo ngại kịch bản “đường ai nấy đi”. Ảnh: YogaEsoteric

Ủy ban châu Âu tới nay vẫn không cho thấy ý định sẽ nhượng bộ trước tối hậu thư của Chính phủ Italia khi chưa đưa ra bất kỳ giải pháp nào liên quan việc tiếp nhận 150 người nhập cư vẫn bị giam giữ trên tàu Diciotti và cụ thể hơn là liên quan tới việc tái phân bổ hạn ngạch tiếp nhận những người nhập cư này giữa các nước thành viên.

Hồi giữa tuần Phó Thủ tướng Italy Luigi Đi Maio, đồng thời là lãnh đạo đảng Phong trào 5 sao theo chủ nghĩa dân túy cho biết, nếu Liên minh châu Âu không thể đạt được nhất trí về vấn đề này, Italy có thể sẽ ngừng đóng góp tài chính cho ngân sách châu Âu ngay từ đầu năm tới, ước tính khoảng 20 tỷ euro. Tuyên bố đã một lần nữa cho thấy những bất đồng sâu sắc giữa Italy và Liên minh châu Âu, bởi tới nay, không một quốc gia nào từ chối nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách cộng đồng.

Một cuộc họp các nhà ngoại giao và chuyên gia Liên minh châu Âu đã được triệu tập ngay những ngày cuối tuần qua, với mục đích là đánh giá lại toàn bộ hồ sơ nhập cư, song cuối cùng vẫn không thể giúp xoa dịu những bất đồng hiện nay với Italy.

Trước đó hôm 16/8, tàu Diciotti của lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đã cứu sống được 190 người nhập cư gặp nạn trên Địa Trung Hải khi đang trong hành trình tìm đường tới miền đất hứa châu Âu. 13 trong số những người này đã được chính quyền Italia cho phép lên bờ vì những lý do sức khỏe, trong khi những người khác tiếp tục bị giữ lại trên tàu và hiện đang neo tạm tại cảng Catana, trên đảo Sicile.

Đến ngày 22/8, Italy đã cho phép 27 trẻ em là người di cư không có người thân đi cùng được phép rời tàu, đồng thời yêu cầu các nước Liên minh châu Âu khác phải tiếp nhận số người nhập cư còn lại. Tuy nhiên, câu trả lời mà Liên minh châu Âu dành cho Italy là, “những cảnh báo sẽ khiến mọi chuyện không đi về đâu.” Liên quan đến tàu Diciotti, Ủy ban châu Âu chỉ khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Italy và các nước khác nhằm giải quyết số nhận những người nhập cư bị giữ trên tàu Diciotti.

Những người Lybia tìm cách nhập cư vào Italy. Ảnh Getty
Những người Lybia tìm cách nhập cư vào Italy. Ảnh Getty

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Alexander Winterstein nói: “Việc tìm kiếm giải pháp cho những người nhập cư trên tàu là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Đó cũng chính là những gì chúng tôi đang tập trung vào. Tuy nhiên, những nhận xét không mang tính xây dựng, những lời đe dọa không hữu ích sẽ không giúp chúng ta đến gần hơn với một giải pháp. Liên minh châu Âu là một cộng đồng các quy tắc và hoạt động trên cơ sở sác quy tắc, chứ không phải là các mối đe dọa”.

Ủy ban châu Âu thậm chí còn nhấn mạnh, Italy dù là một quốc gia “đóng góp ròng” cho ngân sách châu Âu, tức là khoản đóng góp nhiều hơn khoản được nhận, song vẫn nhận được trung bình 10-12 tỷ euro mỗi năm thông qua các quỹ cấu trúc, đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu,...Tổng cộng, nước này cũng nhận được 650 triệu euro cho việc quản lý người nhập cư, ước tính khoảng 700 triệu người từ 2014.

Hiện vẫn chưa rõ Liên minh châu Âu và Italy sẽ giải quyết những căng thẳng hiện nay như thế nào liên quan tới vấn đề nhập cư, vốn gây chao đảo chính trường nhiều nước thời gian qua. Song Liên minh châu Âu và Italy chắc chắn sẽ không để mọi chuyện đi tới bước “gà néo đứt dây”. Bởi Liên minh châu Âu không hề muốn có thêm một nước Anh thứ 2 có thể đẩy khối này vào một cuộc khủng hoảng thể chế, thậm chí là đổ vỡ. Còn đối với Italy, nước này cũng không muốn phải tự mình gánh vác cuộc khủng hoảng nhập cư vốn đang vượt tầm kiểm soát hiện nay, trong khi chính phủ mới vẫn cần thời gian để ổn định và xây dựng lòng tin.

Theo vov.vn
Copy Link
Mới nhất
x
Italy và EU “đường ai nấy đi” vì bất đồng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO