James Comey và mối quan hệ “cay đắng” với Donald Trump

Thúy Ngọc 26/04/2018 19:07

(Baonghean) - Sau “Lửa và Cuồng nộ: Bên trong Nhà Trắng của Trump” của nhà báo Michael Wolff, hồi ký của cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey đã trở thành cuốn sách chính trị mới nhất lọt danh sách bán chạy nhất trên Amazon.

Với tiêu đề “Lòng trung thành cao hơn: Sự thật, những lời dối trá và sự lãnh đạo”, cuốn hồi ký hé lộ nhiều tình tiết “thâm cung bí sử” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, phản chiếu qua mối quan hệ đầy “cay đắng” của cựu Giám đốc FBI với ông chủ Nhà Trắng.

Ông James Comey trong buổi giới thiệu cuốn hồi ký “Lòng trung thành lớn hơn: Sự thật, những lời dối trá và sự lãnh đạo”. Ảnh: Reuters
Ông James Comey trong buổi giới thiệu cuốn hồi ký “Lòng trung thành lớn hơn: Sự thật, những lời dối trá và sự lãnh đạo”. Ảnh: Reuters

“Cú phản đòn” của James Comey

Với 600.000 bản được bán ra kể từ ngày 17/4, cuốn hồi ký “Lòng trung thành lớn hơn: Sự thật, những lời dối trá và sự lãnh đạo” của ông James Comey có lượng phát hành trong tuần đầu tiên vượt cả cuốn hồi ký “Những chuyện đã xảy ra” của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và cuốn “Lửa và Cuồng nộ: Bên trong Nhà Trắng của Trump” của nhà báo Michael Wolff. Flatiron Books - đơn vị xuất bản cuốn hồi ký của ông Comey cho biết họ kỳ vọng sẽ bán được hơn 1 triệu bản cuốn sách này.

Cuốn hồi ký kể về cuộc sống của ông James Comey trong cương vị một ủy viên công tố liên bang, quan chức cấp cao Bộ Tư pháp Mỹ và Giám đốc FBI - những vị trí giúp ông có khả năng tiếp cận với nhiều chuyện “thâm cung bí sử” ở Nhà Trắng. Giống như “Lửa và Cuồng nộ” của nhà báo Michael Wolff được viết dựa trên hơn 200 cuộc phỏng vấn với các nhân vật thân cận Tổng thống, hồi ký của ông James Comey cũng dựa trên những cuộc trao đổi của ông Donald Trump với các quan chức cấp cao ở Nhà Trắng mà ông bí mật ghi lại – những thông tin được dư luận ví von là “quả bom hẹn giờ”.

Trong cuốn sách, cựu Giám đốc FBI đã nói thẳng nhiều chuyện, từ nguyên nhân viết sách đến những suy nghĩ và quyết định của ông liên quan đến cuộc điều tra về các email của bà Hillary Clinton - ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2016, cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, mối quan hệ giữa ông Comey với Tổng thống và những diễn biến dẫn đến việc bất ngờ bị sa thải vào ngày 9/5/2017.

Một trong những trang thu hút sự chú ý nhất là hai bữa ăn tối riêng của ông James Comey với Tổng thống, trong đó ông Donald Trump rất nhiều lần nhắc ông James Comey về “sự trung thành”. Nhân danh “sự trung thành”, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị ông James Comey chấm dứt cuộc điều tra về việc Nga can thiệp bầu cử, về mối liên hệ giữa những nhân vật trong bộ máy tranh cử của ông Donald Trump với Nga, thậm chí còn “đe dọa” ông James Comey rằng “có tới 20 người khác thèm muốn chiếc ghế của ông Comey ở FBI”. Qua những câu chuyện được trải dài suốt 300 trang sách, ông Comey đã so sánh Tổng thống của nước Mỹ với một “trùm băng đảng xã hội đen”, người luôn gây áp lực buộc người khác phải trung thành, bất chấp luật pháp, đạo đức và sự thật. Được viết sau khi James Comey bị sa thải hồi tháng 5/2017, cuốn sách được dư luận ví như “cú phản đòn” với ông Trump sau những gì nhận được từ ông chủ Nhà Trắng.

Cuộc chiến chưa xác định người chiến thắng giữa ông James Comey và ông Donald Trump. Ảnh: CNN
Cuộc chiến chưa xác định người chiến thắng giữa ông James Comey và ông Donald Trump. Ảnh: CNN

Cái giá của sự thẳng thắn

Cuốn hồi ký của ông James Comey đã khiến Tổng thống Donald Trump vô cùng giận dữ và chỉ trích ông bằng những từ ngữ nặng nề nhất như “kẻ dối trá”, “Giám đốc FBI tồi tệ nhất trong lịch sử”. Dù vậy, thái độ của ông Donald Trump không khiến nhiều người ngạc nhiên khi họ đã chứng kiến mối quan hệ chẳng mấy suôn sẻ giữa ông Trump với ông James Comey trong thời gian ông Comey tại vị, ngoại trừ khoảng thời gian “mật ngọt” ngắn ngủi sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống.

Hồi tháng 10/2016, khi còn 10 ngày nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, ông James Comey đã viết thư cho Quốc hội để thông báo việc FBI mở lại cuộc điều tra về việc bà Hillary Clinton dùng email cá nhân để xử lý công việc khi còn làm Ngoại trưởng Mỹ. Lá thư của Comey được xem là "món quà bất ngờ tháng 10” mà ông Donald Trump khi đó hứa sẽ trao tặng cho bà Hillary Clinton. Lý giải về quyết định khi đó, ông James Comey nói rằng ông phải lựa chọn giữa phương án “rất xấu” là nói ra sự thật và phương án “thảm họa” là che giấu sự thật. Và cuối cùng ông đã lựa chọn phương án phải thẳng thắn nói ra sự thật - một quyết định thẳng thắn đã góp phần làm nên chiến thắng cho ông Donald Trump, và cũng giúp ông trở thành một trong số không nhiều nhân vật cấp cao được cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm còn trụ lại trong bộ máy của ông Trump.

Thế nhưng, cũng chính sự thẳng thắn đã khiến ông phải rời khỏi vị trí Giám đốc FBI khi vẫn còn hơn nửa nhiệm kỳ. Ông Donald Trump yêu cầu sự trung thành của ông, nhưng ông đã đáp lại bằng sự im lặng. Rồi chỉ 2 tháng sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức, ông James Comey đã thẳng thắn thừa nhận FBI đang điều tra nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ, đồng thời từ chối ủng hộ các tuyên bố của Tổng thống Trump rằng ông bị cựu Tổng thống Obama nghe lén. Hậu quả đã tới không lâu sau đó khi ông bị Tổng thống Trump sa thải với lý do “giải quyết không tốt trong cuộc điều tra về loạt email của bà Hillary Clinton”.

Và điều cay đắng nhất với ông James Comey có lẽ là cách mà ông nhận được thông tin về việc sa thải này: “Tôi đang ở trụ sở FBI ở Los Angeles. Có một cái tivi trên tường và tôi đang ở giữa phòng cảm ơn mọi người vì sự đóng góp của họ với FBI. Rồi tôi thấy chữ "Comey từ chức" trên tivi. Tôi nghĩ ai đó đã đùa, và tôi phải công nhận là nếu ai đó đang đùa, họ đã tốn nhiều công sức… Và dòng chữ "từ chức" sau đó được chuyển thành "bị sa thải".

Vẫn nhiều người ủng hộ Tổng thống Donald Trump và phản đối cuốn hồi ký của ông James Comey. Ảnh: Reuters
Vẫn nhiều người ủng hộ Tổng thống Donald Trump và phản đối cuốn hồi ký của ông James Comey. Ảnh: Reuters

Sự thật và lòng trung thành

Là Giám đốc thứ 7 trong lịch sử của FBI, có lẽ cách mà Tổng thống Donald Trump đưa ông James Comey ra khỏi cơ quan quyền lực này không phải là những gì mà ông chờ đợi. Khi bổ nhiệm James Comey là Giám đốc FBI hồi năm 2013, cựu Tổng thống Barack Obama đã khen ngợi ông là người “cực kỳ độc lập và vô cùng chính trực, không màng tới chính trị, chỉ làm tốt trọng trách của mình.” Dù Tổng thống Donald Trump mới đây tái khẳng định việc ông sa thải ông James Comey là vì lý do năng lực của ông Comey không đáp ứng yêu cầu, song có lẽ nhiều người hiểu rằng, nguyên nhân sâu xa chính là lời từ chối yêu cầu trung thành của ông James Comey với Tổng thống.

Qua những câu chuyện của “Lòng trung thành lớn hơn: Sự thật, những lời dối trá và sự lãnh đạo”, ông James Comey có thể muốn chứng minh giá trị của sự thật so với lòng trung thành, nhất là lòng trung thành mà ông cho là “bất chấp luật pháp và đạo đức”. Thế nhưng, ai chiến thắng trong cuộc chiến giành lấy “sự thật” sẽ vẫn chưa ngã ngũ, khi phía ông Donald Trump cũng lập tức “phản pháo” rằng chính ông Comey mới là người bịa đặt. Theo một khảo sát của Washington Post, 32% số người được hỏi nói ông Trump đáng tin so với con số 48% dành cho ông Comey - một sự chênh lệch không phải quá lớn. Dẫu ai đúng ai sai, câu chuyện của James Comey lại một nữa khuấy động chính trường Mỹ vốn chẳng mấy bình yên kể từ khi có vị Tổng thống mới Donald Trump.

Mới nhất

x
James Comey và mối quan hệ “cay đắng” với Donald Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO