Katherine Johnson: Người hùng thầm lặng của NASA

Khang Duy 28/02/2020 08:21

(Baonghean) - Đã có khoảng thời gian dài, khi khoa học công nghệ toàn cầu phát triển mạnh mẽ, Nhà khoa học, Nhà toán học, Kỹ sư không gian tài giỏi Katherine và nhiều nhà khoa học nữ nổi danh của NASA đã “bị bỏ quên”. Chỉ đến khi cuốn sách “Hidden Figures” ra đời, được chuyển thể thành phim năm 2016, người ta mới có cái nhìn thực sự đầy đủ về những nữ anh hùng thầm lặng này. Và sau hơn 3 thập kỷ gắn bó với NASA và những công việc gắn liền với tính toán và những con số, bà Katherine đã qua đời hôm 24/2, hưởng thọ 101 tuổi.

Bộ não siêu máy tính

Trả lời một cuộc phỏng vấn báo chí năm 2008, bà Katherine Johnson kể lại câu chuyện về một chuyến bay lịch sử của tàu vũ trụ Friendship 7, trong khuôn khổ chuyến bay Mercury-Atlas 6. Chuyến bay được thực hiện ngày 20/2/1962, là sứ mệnh không gian thứ ba có người lái trong chương trình Mercury, nhưng là lần đầu tiên một nhà du hành vũ trụ Mỹ thực hiện một chuyến bay trọn vẹn quanh quỹ đạo Trái đất.

Bà Katherine kể lại, trước chuyến bay lịch sử, ngay từ đầu, giới chức lãnh đạo NASA đã lên một kế hoạch chi tiết về hành trình của chuyến bay thông qua điện toán. Thế nhưng, nhà du hành vũ trụ John Glenn trước khi bước lên tàu vũ trụ đã đích thân yêu cầu bà Katherine Johnson - người nhận nhiệm vụ kiểm tra thủ công chương trình theo dõi quỹ đạo, phải kiểm tra lại toàn bộ hành trình bằng các phép tính bằng tay. Và ông chỉ đồng ý điều khiển chuyến bay nếu các phép tính bằng tay trùng khớp với kết quả từ máy tính. Và sau 1 ngày rưỡi kiểm tra, bà Katherine đã có những quyết định thay đổi quan trọng, đảm bảo để chuyến tàu được diễn ra một cách an toàn tuyệt đối.

Đây chỉ là một trong những đóng góp quan trọng của nhà toán học, khoa học Katherine Johnson trong quãng thời gian 33 năm gắn bó với NASA. Cần nhắc lại vào thời điểm đó, máy tính chưa phổ biến, hầu hết mọi tính toán đều được thực hiện thủ công, phụ thuộc hoàn toàn vào trí óc của con người. Có thể nói, đây là môi trường tuyệt vời để những bộ óc như bà Katherine Johnson được phô diễn tài tăng.

Khi đó, bà Katherine làm việc cho NASA với tư cách là nhà toán học, chịu trách nhiệm tính toán cơ học các quỹ đạo phức tạp. Các tính toán thủ công của bà với các phương trình phức tạp đã giúp các phi hành gia và kỹ sư có thể gửi một tên lửa lên bầu trời, đưa người lên Mặt trăng và sau đó đưa họ về nhà an toàn.

Trước nhà du hành John Glenn, chính bà Katherine đã tính được đường bay của tàu vũ trụ Mercury chở Alan Shepard - người Mỹ đầu tiên lên vũ trụ. Bà cũng góp phần quan trọng để tính hành trình cho trạm vũ trụ Apollo 11. Nhà du hành Neil Armstrong khi nói về thời khắc đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng ngày 21/7/1969 cũng đã gửi lời cảm ơn các “bộ óc máy tính nữ” như Katherine Johnson.

Nhân tài bị lãng quên

“Tôi đếm tất cả mọi thứ nhìn thấy xung quanh, từ số bước chân từ nhà tới trường, số bát đĩa rửa hàng ngày và tôi cũng thử đếm cả những vì sao trên trời…”, bà Katherine Johnson đã không quên những chi tiết như thế trong câu chuyện về cuộc đời mình. Khi sinh thời, bà cũng chẳng cần khiêm tốn khi cá nhân là người nổi tiếng về khả năng đặc biệt về toán học và nhạy cảm với các con số từ khi còn rất nhỏ.

Sinh ngày 26/8/1918, bà Katherine là con út trong một gia đình có 4 người con ở White Sulphur Springs, tiểu bang West Virginia, Mỹ. Ngay từ nhỏ, Katherine đã biết đọc và viết từ khi chưa đến trường. Ở tuổi 15, bà Katherine đã xuất sắc được vào đại học và tốt nghiệp thủ khoa khi 18 tuổi với tấm bằng về Toán và tiếng Pháp. Khởi đầu sự nghiệp của bà khá giản dị với vai trò của một giáo viên dạy Toán, cho đến khi biết đến thông tin Ủy ban Cố vấn Hàng không Quốc gia (NACA) - tiền thân của NASA, đang tìm người cho trung tâm tính toán để đưa người lên vũ trụ lần đầu tiên. Đây là một nhiệm vụ đòi hỏi phải thực hiện vô số phép tính phức tạp mà máy tính với sự phát triển thô sơ khi đó chưa thể đáp ứng.

Bà Katherine đã đáp ứng được tất cả các điều kiện của cơ quan tuyển dụng từ năm 1953, với công việc trong phòng nghiên cứu Langley ở Hampton, bang Virginia. Thế nhưng, bà cùng một số đồng nghiệp khác đã phải ngồi trong phòng “máy tính màu” dành cho những người da màu, bị phân biệt đối xử đồng thời không được công nhận về chuyên môn. Không khó hiểu bởi vào những năm 1950, nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn rất gay gắt ở Mỹ. Cho đến tháng 10/1958, chính quyền Mỹ hợp nhất tất cả các hoạt động liên quan đến vũ trụ, đặt tên mới cho NACA là Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA).

Cựu Tổng thống Barack Obama trao Huân chương Tự do của Tổng thống cho bà Katherine Johnson. Ảnh: Getty
Cựu Tổng thống Barack Obama trao Huân chương Tự do của Tổng thống cho bà Katherine Johnson. Ảnh: Getty

Thời điểm này, sau nhiều nỗ lực phản ứng lại sự phân biệt đối xử, bà Katherine cuối cùng đã tham gia vào các cuộc họp kín của Phòng Nghiên cứu Hành trình bay, sau này là Phòng Cơ học Không gian vũ trụ. Bắt đầu từ năm 1961, bà Katherine và các đồng nghiệp da màu khác mới được nhìn nhận đúng, khi được phép tham gia hầu hết các dự án không gian của NASA. Đặc biệt chính là dấu ấn trong chuyến bay trọn vẹn vòng quanh trái đất năm 1962. Với thành công đi vào lịch sử, bà Katherine khi đó đã trở thành biểu tượng của sự tiến bộ.

Đến năm 1986, bà chính thức nghỉ hưu!

Những thành tích trong sự nghiệp dù đáng nể nhưng sau đó đã nhanh chóng bị lãng quên với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và máy tính. Bất chấp năm 2015, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã trân trọng trao cho bà Katherine Huân chương Tự do của Tổng thống. Nhưng chỉ đến khi bộ phim “Hidden Figures” ra mắt khán giả toàn cầu năm 2016, những chiến công cần ghi vào sử sách của bà Katherine và các đồng nghiệp mới được biết đến rộng rãi trên toàn cầu. Không chỉ là những bộ óc tuyệt vời, những cá nhân như bà Katherine còn cần phải nhớ đến trong hành trình vượt lên và chiến thắng cuộc chiến chống lại phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Đúng như cựu Tổng thống Barack Obama đã khẳng định: “Bà Katherine là người tiên phong phá tan ranh giới của chủng tộc và giới tính và cho lớp trẻ thấy rằng, ai cũng có thể có thành tích đỉnh cao trong khoa học tự nhiên và vươn tới các vì sao”!

Con đường đi qua trụ sở chính của NASA được đổi tên thành Hidden Figures (tháng 6/2019) - Ảnh: NASA
Con đường đi qua trụ sở chính của NASA được đổi tên thành Hidden Figures (tháng 6/2019). Ảnh: NASA
Mới nhất
x
Katherine Johnson: Người hùng thầm lặng của NASA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO