Kẻ giết người bằng xyanua và đốt xác trong lò sưởi

25/09/2016 12:25

Giả vờ tổ chức đưa người trốn khỏi châu Âu đang chìm trong chiến tranh, kẻ mệnh danh Bác sĩ Quỷ đã dụ dỗ hàng chục nạn nhân vào bẫy tử.

Bác sĩ Quỷ Marcel Andre Henri Felix Petiot. Ảnh: Lineup
Bác sĩ Quỷ Marcel Andre Henri Felix Petiot. Ảnh: Lineup

Vụ án Marcel Andre Henri Felix Petiot, kẻ bị hành quyết bằng cách chặt đầu vì sát hại 26 người và bị tình nghi gây ra cái chết cho hàng chục người khác, đến nay vẫn nhuốm màu bí hiểm. Hồ sơ tội ác quá tàn độc khiến y được gán những biệt danh như Bác sĩ Quỷ, Ma sói Paris hay Quỷ tàn ác, theo Lineup.

Trộm cắp và biển thủ công quỹ

Sinh năm 1897 ở Auxerre, Pháp, tuổi trẻ của Petiot trượt dài với hàng loạt vụ phạm tội nhưng chủ yếu chỉ là những vụ việc lặt vặt. Y được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần lần đầu tiên vào năm 1914 lúc 17 tuổi. Đến năm 1916, y tình nguyện gia nhập quân đội Pháp trong Thế chiến I.

Sau khi bị thương trên chiến trường, Petiot được đưa trở về trại dưỡng thương, nơi y bị bắt và bỏ tù vì ăn cắp morphine cùng các nhu yếu phẩm của quân đội. Y nhận bản chẩn đoán mắc bệnh tâm thần lần thứ hai cũng vào thời điểm này. Tuy nhiên, năm 1918, y vẫn được trở lại tiền tuyến. Không lâu sau đó, Petiot bị cáo buộc tự gây thương tích ở bàn chân bằng lựu đạn. Y được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần lần ba và bị giải ngũ kèm theo khoản trợ cấp khuyết tật.

Sau chiến tranh, Petiot theo học một chương trình giáo dục y khoa cấp tốc. Y hoàn thành chương trình trong 8 tháng và đến thực tập ở một bệnh viện tâm thần tại thị trấn Evreux, rồi nhận bằng y khoa vào năm 1921.

Petiot được cho là đã ăn cắp thuốc mê gây nghiện để sử dụng và phát cho bệnh nhân. Y còn tiến hành các ca phá thai bất hợp pháp và ăn cắp mọi thứ, từ cây thánh giá bằng đá cho đến tiền, trong kho bạc thị trấn Evreux.

Năm 1926, Petiot hẹn hò với Louise Delaveau, con gái một trong những bệnh nhân của y. Delaveau biến mất không lâu sau khi mối tình bắt đầu. Dù Petiot chưa bao giờ chính thức thừa nhận có liên quan đến vụ mất tích này, giới chuyên gia cho rằng Delaveau có thể là nạn nhân đầu tiên của y. Những người hàng xóm kể lại họ thấy Petiot chuyển một cái hòm lên xe riêng vào thời điểm cô gái mất tích.

Trong cùng năm đó, Petiot chuyển hướng quan tâm sang chính trị và đã phát động cuộc tranh cử thành công, trở thành thị trưởng thị trấn Villeneuve-sur-Yonne, tỉnh Yonne. Một lần nữa, y lại tận dụng chức quyền để trục lợi cá nhân, biển thủ công quỹ.

Năm 1927, Petiot kết hôn với con gái một chủ lò mổ giàu có ở địa phương. Họ sinh hạ một bé trai. Trong thời gian giữ chức thị trưởng, y tiếp tục thực hiện các giao dịch dân sự mờ ám. Sau nhiều lần bị tố cáo về những hành vi phi pháp, Petiot bị đình chỉ chức vụ và cuối cùng phải từ chức thị trưởng vào năm 1931. Song y vẫn xoay xở để kiếm được một ghế trong hội đồng nhân dân tỉnh Yonne vào năm 1932. Chỉ vài tháng sau, y buộc phải rời ghế hội đồng vì tội ăn cắp điện của thị trấn Villeneuve-sur-Yonne.

Giăng bẫy giết người

Petiot tại phiên tòa xét xử y. Ảnh: Lineup
Petiot tại phiên tòa xét xử y. Ảnh: Lineup

Khi sự nghiệp chính trị chấm dứt, Petiot chuyển đến Paris sinh sống. Tại đây, y làm giả các văn bằng y khoa để tự giới thiệu mình như một bác sĩ tài giỏi. Sự gian dối này đã phát huy tác dụng. Danh tiếng giúp Petiot thu hút nhiều bệnh nhân. Năm 1936, y được trao thẩm quyền cấp giấy chứng tử. Tuy nhiên, những lời đồn về các trò gian lận của y như phá thai bất hợp pháp, kê đơn thuốc quá mức cần thiết, lại nổi lên.

Theo bản tự khai, Petiot làm việc cho phong trào Kháng chiến Pháp suốt thời kỳ Pháp bị chiếm đóng. Y đặt bẫy mìn treo, phát triển những vũ khí giết người mà không để lại bằng chứng pháp y và có những cuộc gặp với các tư lệnh cấp cao phe Đồng minh. Petiot được đại tá John F. Grombach, cựu giám đốc tổ chức tình báo độc lập Pond, chứng nhận y là nguồn tin của cơ quan này. Pond do chính phủ Mỹ thành lập năm 1942 và chấm dứt hoạt động năm 1955.

Petiot tự nhận mình điều hành một tuyến đường trốn thoát bí mật trong thời kỳ Pháp bị chiếm đóng. Hoạt động với mật danh Bác sĩ Eugene, Petiot đã nói với các chiến sĩ của phong trào Kháng chiến Pháp, những người tị nạn Do Thái và những người bị phát xít Đức truy nã rằng y có thể giúp họ trốn từ châu Âu đang chìm trong chiến tranh sang Argentina. Y lấy phí 25.000 franc cho mỗi người muốn sang Argentina.

Tất nhiên, lời mời gọi ấy là một cái bẫy. Petiot nói với các nạn nhân rằng họ cần tiêm chủng trước khi sang Argentina. Y đã tận dụng cơ hội này để tiêm chất xyanua kịch độc vào cơ thể họ. Y sau đấy lấy sạch đồ quý giá của họ và quăng xác xuống sông Seine hoặc chôn xác bằng vôi sống hay ném xác vào lò sưởi tại căn nhà của y.

Tháng 3/1944, những người hàng xóm phàn nàn về mùi hôi thối bốc ra từ căn nhà Petiot ở trên đường Le Sueur, Paris, cũng như khói độc tỏa ra từ ống khói nhà y. Nhà chức trách đã triệu tập Petiot lên làm việc. Khi kiểm tra nhà Petiot, họ tìm thấy hài cốt nhiều nạn nhân, bao gồm cả những phần thi thể người đen như than đang cháy âm ỉ trong lò sưởi.

Petiot lẩn trốn được trong một khoảng thời gian ngắn bằng cách sử dụng tên giả và để râu. Y bị bắt vào tháng 10/1940 với các cáo buộc giết người. Phiên tòa xét xử y diễn ra vào tháng 3/1946 và tin tức về vụ xét xử đã trở thành tâm điểm của báo chí thời đó. Từ đầu đến cuối, Petiot vẫn nhất quyết khẳng định y vô tội và chỉ giết hại "những kẻ thù của Pháp", lính Đức và một số điệp viên hai mang.

Nhưng nhà chức trách không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa Petiot và phong trào Kháng chiến Pháp. Nhiều nhóm hoạt động của phong trào Kháng chiến Pháp mà Petiot nêu ra và các kỳ tích mà y tự nhận khi làm việc cho phong trào này chưa bao giờ tồn tại.

Cuối cùng, tòa kết luận Petitot phạm 26 tội danh giết người cướp của. Nhiều ý kiến cho rằng số nạn nhân thực sự có thể lên đến 60 người. Ngày 25/5/1946, y bị thi hành án tử hình bằng máy chém.

Chiếc máy chém được tháo dỡ sau khi Petiot bị hành hình. Ảnh: boisdejustice.com
Chiếc máy chém được tháo dỡ sau khi Petiot bị hành hình. Ảnh: boisdejustice.com

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Kẻ giết người bằng xyanua và đốt xác trong lò sưởi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO