Kế hoạch thế kỷ hay thỏa thuận vô nghĩa?
(Baonghean) - Sau hơn 3 năm ấp ủ, cuối cùng, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” đầy tham vọng - mà cá nhân người đứng đầu nước Mỹ khẳng định là một bước tiến lớn đối với tiến trình hòa bình cho khu vực này. Thế nhưng, trong khi chính quyền Israel “hân hoan” gọi đây là một bước tiến lịch sử thì Palestine và nhiều nước khác đang dấy lên làn sóng phản đối và chỉ trích mạnh mẽ!
Kẻ mừng, người chê
Khu định cư Maale Adumim (phía dưới) của Israel tại Khu Bờ Tây, ngoại ô Jerusalem, ngày 27/12/2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cũng đặt trọng tâm vào giải pháp 2 nhà nước cho Israel và Palestine, trong đó, một số khu vực ở Đông Jerusalem sẽ là thủ đô tương lai của Palestine. Thế nhưng, “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” mà Tổng thống Donald Trump vừa công bố vẫn vấp phải những luồng quan điểm trái chiều. Bởi đi kèm với tương lai này, nhà nước Palestine sẽ buộc phải chấp nhận việc Mỹ sẽ công nhận chủ quyền các khu định cư, các vùng chiếm đóng ở Bờ Tây cho chính quyền Israel cũng như việc vẽ lại đường biên giới khu vực Bờ Tây và cả khu vực Đông Jerusalem. Đây hẳn nhiên là điều mà chính quyền Palestine khó có thể chấp nhận, bất chấp trước đó, chính quyền Tổng thống Trump đã công bố “phần kế hoạch kinh tế”, trong đó đầu tư khoảng 50 tỷ USD nhằm hỗ trợ khôi phục nền kinh tế cho người dân Palestine, Jordan và Ai Cập.
Kể từ khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ đến đây, chính quyền Palestine đã không còn coi Mỹ là trung gian hòa giải cho tiến trình hòa bình tại khu vực.
Ngay khi bản kế hoạch hòa bình chưa được chính thức công bố, hàng nghìn người dân Palestine đã biểu tình phản đối một thỏa thuận “quá thiên vị” cho phía Israel. Trong khi đó, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cho rằng, đây thực tế không phải là một kế hoạch hòa bình ở Trung Đông, đồng thời kêu gọi các cường quốc thế giới tẩy chay sáng kiến này. Chưa hết, trong một động thái hiếm có, hai phong trào đối địch nhau tại Palestine là Hamas và Fatah đã vừa nhóm họp để thảo luận các nỗ lực chung phản đối “Kế hoạch Hòa bình Trung Đông” của Tổng thống Donald Trump. Đây là những phản ứng dễ hiểu khi nhìn lại thời gian qua, có một thực tế là kể từ khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ đến đây, chính quyền Palestine đã không còn coi Mỹ là trung gian hòa giải cho tiến trình hòa bình tại khu vực.
Người biểu tình giơ cao hình ảnh Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong cuộc biểu tình phản đối “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu vực Bờ Tây do Israel chiếm đóng. Ảnh: Reuters |
Không chỉ trong nước, giới chức Iran cũng đã lên tiếng phản đối kế hoạch này của Mỹ. Cố vấn Tổng thống Iran Hesameddin Ashena cho rằng, “đây không phải một kế hoạch hòa bình mà chỉ là một kế hoạch áp đặt và trừng phạt”. Nhiều ý kiến chuyên gia cũng nhận định, “kế hoạch hòa bình” của chính quyền Trump thực tế đang làm gia tăng mạnh mẽ sự bất công trong tiến trình hòa bình vốn đã phức tạp tại Trung Đông. Thậm chí nặng nề hơn, đây có thể còn là một “cuộc tấn công vào hòa bình” của khu vực.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, dễ hiểu khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ca ngợi kế hoạch của đồng minh Mỹ là “hướng đi thực tế tới hòa bình lâu dài tại khu vực Trung Đông”. Một số nước khác như Anh, Jordan hay Ai Cập dù thận trọng nhưng cũng đã bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch mới này của Wasington!
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Washington Post |
Đánh lạc hướng!
Với đánh giá ấn tượng là “Thỏa thuận thế kỷ”, kiến trúc sư chính của “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” lần này là Jared Kusher - Cố vấn cao cấp, con rể Tổng thống Trump, người vốn luôn ủng hộ các kế hoạch định cư bất hợp pháp của Israel trên đất của người Palestine. Các quan điểm chỉ trích cho rằng, bản kế hoạch được tuyên bố là kết quả của các cuộc đàm phán kỹ lưỡng nhưng thực tế chỉ là giữa chính quyền Mỹ và Israel mà thôi!
Không những chưa thể khơi thông bế tắc đàm phán, “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” lại đang khơi lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ tại khu vực.
Trước thực tế này, giới quan sát bình luận, nếu trong 3 thập kỷ qua, các đời Tổng thống Mỹ trước đây đều ít nhiều bày tỏ thiện chí lắng nghe, tham khảo ý kiến của phía Palestine cho tiến trình hòa bình Trung Đông do Mỹ đứng đầu. Thế nhưng, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay cả việc tham gia đàm phán cũng là “điều xa xỉ” đối với người Palestine. Bởi thế, không những chưa thể khơi thông bế tắc đàm phán, “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” của chính quyền Tổng thống Trump lại đang khơi lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ tại khu vực.
Jared Kusher - Cố vấn cao cấp, con rể Tổng thống Donald Trump - Kiến trúc sư chính của “Kế hoạch hòa bình Trung Đông”. Ảnh: Washington Post |
Nhưng bất chấp những phản ứng chỉ trích đã được dự báo trước, Tổng thống Donald Trump dường như vẫn quyết tâm công bố bản kế hoạch hòa bình Trung Đông ngay vào lúc này chứ không phải một thời điểm khác! Rõ ràng, trong bối cảnh cuộc luận tội tại Thượng viện vẫn đang diễn ra, động thái này sẽ khiến dư luận trong nước phần nào giảm bớt sự tập trung, chĩa mũi dùi vào Tổng thống.
Chưa hết, tận dụng mọi tình huống là không thừa với ông Trump để tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri khi cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần. Đặc biệt ở chỗ, ủng hộ đồng minh Israel cũng là góp phần tăng lá phiếu từ cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái vốn mang tính quyết định trong bất kỳ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nào từ trước tới nay. Đó là chưa kể, bước đi này cũng là động thái khôn ngoan của Tổng thống Trump để thắt chặt tình đồng minh với Thủ tướng Israel vốn đang vướng phải những cáo buộc tham nhũng trong nước. Rộng hơn, dù là vấp phải chỉ trích, nhưng rõ ràng, dư luận khu vực và quốc tế cũng đang phải “dậy sóng” và bận tâm về chính sách ngoại giao của Mỹ - vốn bị cho là mờ nhạt tại Trung Đông suốt thời gian qua!
Thậm chí từ một góc độ khác, giới quan sát cho rằng, Tổng thống Trump cũng có cơ sở để tự tin đưa ra “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” lần này. Về mặt kinh tế, ông Trump cho rằng, trong vòng 10 năm tới, nếu thực hiện tốt, người Palestine sẽ có thêm 1 triệu việc làm, tỷ lệ nghèo sẽ giảm đi một nửa và GDP sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp 3. Đây là điều mà người Palestine có thể cân nhắc. Trong khi đó về các thỏa thuận chính trị khác, có thể ông Trump cho rằng, nếu người Palestine phản đối thì cũng chưa thể có thỏa thuận nào tốt hơn.
Trang 181 trong Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Tổng thống Trump bao gồm bản đồ phân định đường biên giới cuối cùng của Israel và Nhà nước Palestine tương lai. Ảnh: Foreign Policy |
Bởi thế, đứng trước những phân chia lợi ích dù chưa đều, nhưng thông qua “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” lần này, Tổng thống Trump có thể còn muốn gửi thông điệp rằng, nếu các thỏa thuận hòa bình quá khó để thực hiện, chính quyền Mỹ sẵn sàng sử dụng các biện pháp bất ngờ để phá vỡ tiến trình đang đình trệ và bế tắc - giống như việc đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel trước đây. Tất nhiên, hơn ai hết, ông Trump hiểu rằng, bất kể một động thái quá giới hạn nào cũng sẽ phải trả giá - kể cả tương lai chính trị của mình. Thế nhưng, trong một bối cảnh khá nhạy cảm và đặc biệt như hiện nay, dường như, chỉ cần khuấy động được dư luận trong nước và khu vực đã là một tính toán thành công của Tổng thống Trump khi công bố “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” lần này!.