Kế “liên minh NATO Arab” có giúp Mỹ “kiềm” Iran?
(Baonghean.) - Trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Iran đang tiếp tục nóng với cuộc khẩu chiến giữa hai bên, dư luận đang rộ lên thông tin rò rỉ từ Nhà Trắng cho hay, Mỹ đang âm thầm triển khai thiết lập một liên minh chính trị - an ninh - quân sự với các quốc gia đồng minh Arab ở Trung Đông.
Được ví như một khối “NATO Arab”, ý tưởng liên minh mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang ấp ủ liệu có hiện thực hóa những tính toán của Mỹ tại khu vực điểm nóng địa chiến lược của thế giới này?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Nhà Trắng hồi tháng 3/2017. Ảnh: Getty |
Hé lộ chiến lược Trung Đông mới
Thực tế không phải đến bây giờ, ý tưởng về một liên minh chính trị - an ninh - quân sự giữa Mỹ với các đồng minh Arab ở khu vực Trung Đông mới xuất hiện.
Trong quá khứ, cũng đã từng có không ít lần dư luận xôn xao về việc các chính quyền Mỹ trước đây muốn thúc đẩy một liên minh chính thức, chặt chẽ hơn với các đồng minh Arab. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà những ý tưởng tương tự đều chưa thành hiện thực.
Nhưng có lẽ, ý tưởng này đang có động lực hơn bao giờ hết khi quan hệ Mỹ - Iran đã trở nên đặc biệt căng thẳng kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5 vừa qua. Những ngày gần đây, độ nóng càng tăng lên với cuộc khẩu chiến của cả hai bên.
Mới nhất, Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRG) đã mạnh mẽ cảnh báo Tổng thống Donald Trump rằng, Mỹ sẽ mất tất cả nếu tấn công Iran. Lời cảnh báo này đưa ra sau khi Tổng thống Trump viết trên trang Twitter rằng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đừng bao giờ đe dọa Mỹ.
Trước đó, Tổng thống Iran Rouhani cũng không “chịu nhịn” khi cảnh báo rằng: “Hòa bình với Iran là mẹ của các loại hòa bình, còn chiến tranh với Iran là mẹ của các loại chiến tranh”.
Thậm chí, đã có nguồn tin từ Australia tiết lộ, Mỹ rất có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào Iran ngay trong tháng 8 tới. Dù các bên đều đã phủ nhận thông tin này nhưng với chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump, có lẽ không có gì là không thể!
Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến thăm Saudi Arabia mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các quan chức Riyadh đã đưa ra ý tưởng về một hiệp ước an ninh. Sau chuyến công du, hai bên cũng đã đạt được một thỏa thuận vũ khí lớn dù khi đó chưa nhắc tới kế hoạch thành lập liên minh.
Và đến nay, chính Nhà Trắng cũng đã xác nhận đã thảo luận về ý tưởng thành lập liên minh này với các đối tác truyền thống khu vực trong vài tháng qua.
Cụ thể hơn, liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA) sẽ bao gồm loạt quốc gia Arab như Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cùng với Ai Cập, Jordan. Mỹ cũng kỳ vọng sẽ ra mắt liên minh này tại một hội nghị thượng đỉnh giữa các nước dự kiến diễn ra vào ngay giữa tháng 10 tới đây.
Mũi tên nhiều đích
Tất nhiên, phía Mỹ đã khẳng định rằng, Washington không có chính sách thay đổi chế độ hay khiến Iran sụp đổ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong tuyên bố mới đây khẳng định, Mỹ chỉ giữ đúng mục đích ngăn chặn những hành động mang tính đe dọa của Iran mà thôi.
Thế nhưng, một liên minh chặt chẽ cả về phòng thủ tên lửa, huấn luyện quân đội, chống khủng bố… của Mỹ với các đồng minh liệu chỉ dừng lại là một bức tường ngăn cản Iran, chưa ai có thể biết trước!
Tổng thống Trump được chào đón tại Saudi Arabia. Ảnh: AP |
Thế nhưng mặt khác, cũng không hẳn không có lý khi cho rằng, một liên minh giữa Mỹ với các nước Arab tại Trung Đông rất có thể chỉ là động thái “rung cây dọa khỉ”. Trước hết, chắc chắn Iran và các đồng minh như Nga hay Syria ngay lúc này cũng đang dõi theo chặt chẽ các động thái tiếp theo của Mỹ và các đồng minh Arab.
Đà thắng của “tam tấu” Nga - Iran - Syria tại chiến trường Syria hay các bước tiến tăng cường vai trò, tiếng nói của Iran và Nga tại khu vực vì thế cũng sẽ phần nào bị xao nhãng.
Không những thế, liên minh MESA còn được cho là “đòn gió” mà Tổng thống Trump gửi đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - liên minh mà ông luôn chỉ trích là thiếu hiệu quả và thiếu công bằng.
Chắc hẳn, sức ép đóng góp tài chính cho ngân sách quốc phòng của NATO mà Mỹ gửi tới các quốc gia thành viên vì thế cũng sẽ có sức nặng hơn vài phần.
Thứ hai, bước đi này của Tổng thống Trump còn được dự báo có thể hàn gắn lại cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh giữa Qatar với các nước Arab đã kéo dài hơn 1 năm qua.
Việc đồng minh Qatar và đối thủ Iran nối lại quan hệ quan giao đầy đủ hồi tháng 8 năm ngoái chắc chắn khiến Tổng thống Trump không hài lòng. Vì thế, việc ông Trump “vời” cả Qatar vào liên minh MESA lần này chẳng khác nào “đá quả bóng” quyết định về phía Qatar.
Giữa một bên là Mỹ, các đồng minh Arab cùng những cam kết đảm bảo an ninh và một bên là Iran, có lẽ Qatar cũng không quá khó để lựa chọn. Trong khi đó, rất có thể, cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh kéo dài cũng sẽ vì liên minh chiến lược Trung Đông của ông Trump mà “không chữa cũng tự lành”.
Thứ ba, có lẽ mục tiêu “nước Mỹ trên hết” cũng được Tổng thống Trump gửi gắm trong ý tưởng liên minh Arab lần này. Bởi chắc chắn rằng, ý tưởng này dù có thành sự thật hay không cũng đang một lần nữa “khuấy động” Trung Đông vốn đã không êm ả. Các cuộc chạy đua vũ trang không chỉ giữa các đối thủ mà cả giữa các đồng minh chắc chắn cũng đang bắt đầu được lên dây cót.
Tất nhiên, kẻ được lợi nhất chính là những nhà buôn bán vũ khí của Mỹ vốn luôn sẵn sàng đáp ứng các thỏa thuận, hợp đồng khổng lồ ở bất cứ vùng chiến sự căng thẳng nào.
Đặc biệt lại là các quốc gia giàu có Arab vốn có không ít kẻ thù cần đối phó và luôn không tiếc tay chi tiền mua vũ khí. Bên cạnh đó cũng cần nhắc tới, các tuyến đường vận chuyển dầu mỏ huyết mạch tại Trung Đông trong tương lai tất yếu cũng sẽ nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền Mỹ.
Bởi thế, tiếng là chỉ nhằm ngăn chặn và phong tỏa Iran, nhưng có thể nói, liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA) với các nước đồng minh Arab của Tổng thống Mỹ Donald Trump lần này, có lẽ còn đang ấp ủ nhiều hơn thế!