Kẻ từ chối giao nộp bin Laden

31/07/2015 07:26

(Baonghean.vn) - Cái chết của y cũng bí ẩn như chính cuộc đời của y vậy: Mullah Omar, một trong những kẻ bị truy nã gắt gao nhất thế giới, đã qua đời tại một bệnh viện ở Karachi, Pakistan hơn 2 năm về trước, theo thông tin từ các quan chức chính phủ Afghanistan. Các quan chức Mỹ tuyên bố họ tin đây là lời lý giải “có thể tin được”.

Mullah Omar, người lãnh đạo lực lượng Taliban, được cho là đã qua đời hồi tháng 4/2013 tại Pakistan.
Mullah Omar, người lãnh đạo lực lượng Taliban, được cho là đã qua đời hồi tháng 4/2013 tại Pakistan. Ảnh: Internet.

Điều này hoàn toàn phù hợp với cuộc đời của Mullah Omar. Từ một giáo sỹ Hồi giáo tại một ngôi làng vô danh, y trở thành người lãnh đạo đất nước Afghanistan trong những năm trước khi xảy ra các vụ tấn công 11/9 nhắm vào nước Mỹ, dù vậy y hầu như không bao giờ xuất hiện công khai và cũng hiếm hoi lắm mới có được một bức ảnh chụp y.

Mullah Omar sẽ được lịch sử nhắc đến là kẻ đã từ chối giao nộp Osama bin Laden sau các vụ tấn công 11/9. Ngay sau những vụ tấn công này, Chính quyền Bush đã yêu cầu Taliban phải giao nộp bin Laden.

10 ngày sau sự kiện 11/9, Đài phát thanh nước Mỹ đặt câu hỏi phỏng vấn Mullah Omar: “Ông sẽ không giao Osama bin Laden ra ư?”. Omar đáp: “Không. Chúng tôi không thể làm vậy. Nếu làm thế, điều đó có nghĩa chúng tôi không phải người Hồi giáo, đạo Hồi cũng không còn. Nếu chúng tôi sợ bị tấn công, hẳn chúng tôi đã đầu hàng và giao người khi bị đe dọa”.

Mullah Omar đã giải thích với nội bộ Taliban: “Đạo Hồi nói rằng khi một tín đồ xin nương náu, hãy cho anh ta nơi trú ẩn và không bao giờ giao anh ta cho kẻ thù. Và truyền thống của người Afghanistan chúng ta nói rằng, ngay cả khi kẻ thù của anh xin trú ẩn, hãy tha thứ và cho anh ta chốn nương thân. Osama đã giúp đỡ thánh chiến tại Afghanistan, ông ta đã về phe chúng ta trong lúc khó khăn và tôi sẽ không giao ông ta cho bất cứ ai cả”.

Rahimullah Yusufzai, một trong những ký giả hàng đầu của Pakistan, là một trong số ít người từng phỏng vấn Mullah Omar. Trước và sau sự kiện 11/9, kẻ lãnh đạo Taliban này vẫn luôn cứng rắn về vấn đề giao nộp bin Laden cho người Mỹ, theo lời Yusufzai, y từng nói: “Tôi không muốn lưu danh sử sách là kẻ phản bội vị khách của mình. Tôi sẵn lòng hy sinh tính mạng và chế độ của mình. Bởi vì chúng tôi đã cho ông ta trú ẩn, hiện tôi không thể giao nộp ông ta”.

Omar cũng tin những lời đe dọa xuất phát từ phía Washington rằng sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu bin Laden không được giao nộp gần như chỉ là hăm dọa. Abdul Salam Zaeef, sứ giả Taliban tại Pakistan, nói rằng Mullah Omar đơn thuần tin rằng Mỹ sẽ không tiến hành chiến dịch quân sự tại Afghanistan: “Theo suy nghĩa của Mullah Omar, chỉ tồn tại xác suất nhỏ hơn 10% rằng Mỹ sẽ dựa vào điều gì khác những lời hăm dọa, và vì thế tấn công là điều không thể”. Zaeef đã bảo đảm với Mullah Omar rằng “Mỹ chắc chắn sẽ tấn công Afghanistan”.

Tuyên bố hùng hồn, thế giới quan hạn chế

Sự thiếu hiểu biết của Mullah Omar về phản ứng có thể xảy ra của nước Mỹ sau vụ 11/9 có thể giải thích phần nào bởi thực tế rằng y hiếm khi gặp gỡ ai ngoài nhóm thân tín của mình. Những tương tác của y với báo giới trước sự kiện 11/9 rất hãn hữu và sau đó cũng chẳng còn. Y cũng hầu như không bao giờ gặp “những kẻ bội tín”, tức phần đông những người không theo đạo Hồi.

Dù xuất thân khiến tốn, năm 1996 Mullah Omar tự xưng là Amīr al-Mu'minīn, tức “Người chỉ huy của các tín đồ sùng đạo”, danh xưng hiếm khi được dùng từ thế kỷ VII với hàm ý y không chỉ là người lãnh đạo của Taliban, mà còn của các tín đồ Hồi giáo khắp mọi nơi.

Để củng cố vị thế lãnh đạo Hồi giáo đi vào lịch sử thế giới của mình, Mullah Omar khoác lên mình về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng “Áo choàng của nhà tiên tri”, một di vật tôn giáo từng được Nhà tiên tri Mohammed mặc và được lưu giữ ở thành phố Kandahar phía Nam Afghanistan trong nhiều thế kỷ và gần như chưa bao giờ được trưng bày công khai. Mullah Omar lấy tấm áo ra khỏi nơi cất giữ và leo lên tầng cao nhất của một tòa nhà, vận chiếc áo trước hàng trăm phần tử Taliban đang reo hò.

Bất chấp tuyên bố hùng hồn của y về việc trở thành Người chỉ huy của các tín đồ sùng đạo, kẻ lãnh đạo lực lượng Taliban này kiên quyết hoạt động ở tỉnh lẻ; trong 5 năm kiểm soát Afghanistan, y hầu như không đặt chân tới thủ đô Kabul, xem nơi này là chốn đàng điếm và trụy lạc.

Nền chuyên chế của Taliban

Khi Taliban vừa nổi lên tại Afghanistan dưới sự lãnh đạo của Mullah Omar, lực lượng này có mức độ nổi tiếng và tính chính danh cao trong những năm đầu mang lại trật tự và biện pháp hòa bình cho một đất nước từng trải qua 15 năm nội chiến.

Lúc đầu, Taliban cũng được xem là thanh sạch, và hầu như không có ai quan tâm tới việc chiếm quyền lực cho bản thân. Tuy nhiên, câu châm ngôn “quyền lực tha hóa và quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối” gần như là sự miêu tả hoàn hảo về cách chế độ Taliban phát triển qua nhiều năm. Taliban ngày càng biến sự cai quản bằng luật pháp và trật tự của lực lượng này trở thành điều gì đó hướng tới một nhà nước Hồi giáo thực sự chuyên chế.

Taliban cấm bóng đá, thả diều, âm nhạc, truyền hình và cấm nữ giới tới trường và đi làm. Đàn ông không được phép cạo hoặc tỉa râu. Phụ nữ phải trùm khăn burqa kín mít và phải ở nhà trừ phi ra ngoài cùng một người thân là đàn ông. Hành vi Taliban cho là lầm đường lạc lối phải chịu các hình phạt thời trung cổ. Các học giả tôn giáo của Taliban tìm cách trả lời câu hỏi làm thế nào để đối phó với các trường hợp tình dục đồng giới. Vài người nói rằng các trường hợp đó nên bị chôn sống, những người khác lại cho rằng họ đáng bị ném từ tòa nhà cao xuống đất.

Vahid Mojdeh, cựu quan chức Taliban nói: “Taliban là những kẻ tra tấn tàn nhẫn, cách lực lượng này thường sử dụng nhất là dùng dây điện đánh đập người khác”.

Hình mẫu cho IS

Một thập kỷ rưỡi sau đó Taliban đóng vai trò như một hình mẫu đối với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Việc IS phá hủy phần lớn di sản văn hóa của Iraq và Syria trong những tháng qua đã được báo trước bởi cách Mullah Omar đối phó với vấn đề về 2 bức tượng Phật khổng lồ sừng sững tại thung lũng Bamiyan bị tuyết bao phủ ở miền Trung Afghanistan hơn 1.500 năm. Tháng 5/2001, Taliban đã sử dụng thuốc nổ và hỏa lực của xe tăng để phá hủy điểm hút khách du lịch nổi tiếng nhất Afghanistan.

Hầu như mỗi một quốc gia trên thế giới, kể cả nhiều quốc gia Hồi giáo, đã khẩn khoản yêu cầu Taliban không can dự vào hành động phá hoại văn hóa này. Những lời cầu xin khẩn thiết của họ dường như chỉ khiến Mullah Omar thêm quyết tâm cho nổ tan những pho tượng. Y nói với một phái đoàn công du gồm các quan chức Pakistan rằng trong nhiều thế kỷ mùa mưa đã tạo nên các hố lớn gần chân các bức tượng, mà theo cách diễn đạt của Chúa trời, “đây là nơi anh nên chôn thuốc nổ” để phá hủy những pho tượng.

Sau vụ 11/9, các quan chức Mỹ đã nhanh chóng xác định đó là chiến dịch của bin Laden và họ biết hắn đang ở Afghanistan. Vào ngày 7/10/2001, ngày Mỹ bắt đầu ném bom oanh tạc Taliban, Faraj Ismail, một nhà báo người Ấn Độ, đã phỏng vấn Mullah Omar tại Kandahar. Y tự bảo đảm rằng bin Laden không có vai trò gì trong các vụ tấn công: “Tôi kiểm soát toàn bộ Afghanistan. Tôi chắc chắn ông ta không làm việc đó”.

Việc Mỹ xâm chiếm Afghanistan đã đánh bại Taliban chỉ trong vài tuần và vào ngày 7/12/2001, Mullah Omar đã rời bỏ thành phố Kandahar, nơi y nắm quyền cai trị tuyệt đối trong 7 năm.

Lần cuối Mullah Omar phát đi các đoạn băng ghi âm là một thập kỷ trước, vào ngày 25/7/2005. Kể từ đó, y đã biến mất khỏi tầm nhìn của mọi người, hàng năm đưa ra những tuyên bố bằng văn bản quanh thời điểm kết thúc tháng lễ Ramadan, bao gồm một tuyên bố như vậy vào hôm 15/7 vừa qua. Dĩ nhiên, các tuyên bố bằng văn bản không phải là “bằng chứng của sự sống”.

Ai đại diện cho các băng nhóm Taliban?

Vậy cái chết của Mullah Omar có ý nghĩa gì? Nó chắc chắn làm dấy lên những nghi ngờ đáng kể về triển vọng đàm phán hòa bình đang diễn ra giữa Taliban và chính phủ Afghanistan. Xét cho cùng, nếu không có người lãnh đạo chung, ai đại diện cho nhiều phe phái của Taliban?

Theo Barnett Rubin, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về Afghanistan: “Việc đó là tăng nghi ngờ về việc ai, nếu có, có thể đứng ra đại diện cho các chiến binh Taliban trên thực địa để đàm phán”.

Hassan Abbas, chuyên gia hàng đầu về Taliban giảng dạy tại Đại học Quốc phòng ở Washington cũng có chung quan điểm này: “Không ai trong số lớp thứ 2 trong lực lượng Taliban tại Afghanistan có uy tín và địa vị để thế chỗ Mullah Omar”.

Cả các lãnh đạo al-Qaeda - gồm bin Laden lẫn người kế nhiệm y là Ayman al-Zawahiri - đều nguyện trung thành với Mullah Omar như là lãnh đạo tinh thần của thánh chiến toàn thế giới. Khi Omar không còn, al-Zawahiri sẽ trung thành với ai? Chắc chắn không phải với người đứng đầu IS, Abu Bakr al-Baghdadi, người mà Zawahiri công khai bất đồng. Baghdadi từng là một thành viên của al-Qaeda nhưng đã tách ra để thành lập IS.

Cuối cùng, tin về cái chết của Mullah Omar tại thành phố Karachi ở miền Nam Pakistan đã đặt ra một vài câu hỏi thú vị cho chính phủ nước sở tại. Các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ hồi năm 2010 nói rằng theo quan điểm của họ, Mullah Omar tối thiểu đã sống tại Karachi một thời gian. Làm cách nào mà một trong những kẻ bị săn lùng gắt gao nhất thế giới sống ở Pakistan trong nhiều năm mà không sa lưới? Nhiều người cũng từng đặt câu hỏi tương tự về Osama bin Laden.

Thu Giang

(Theo CNN)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Kẻ từ chối giao nộp bin Laden
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO