Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp
(Baonghean.vn) - Công nghiệp được ví là trụ cột và "xương sống", dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, được khẳng định tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghệ An khẳng định điểm đến hấp dẫn
Trung tuần tháng 10, Nghệ An vừa đón nhận thêm tin vui, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1164/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Hoàng Mai II, tỉnh Nghệ An; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.900 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 570 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 9/10/2023. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai với quy mô sử dụng đất của dự án là 334,79 ha.
Trước đó, sáng 29/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thực hiện nghi thức khởi công dự án VSIP Nghệ An II. Dự án có quy mô sử dụng đất là 500 ha tại các xã Diễn Thọ, Diễn Phú, Diễn Lộc (huyện Diễn Châu), thuộc Khu kinh tế Đông Nam, Nghệ An. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 8/2/2023. Đây là dự án xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị hội tụ các yếu tố xanh, thông minh, phát triển bền vững.
Trong thời gian qua, nhiều dự án có số vốn khủng, công nghệ hiện đại cũng đã lựa chọn Nghệ An làm điểm đến để đầu tư như: Dự án của Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn tại Khu Công nghiệp Hoàng Mai I, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) với vốn đầu tư hơn 400 triệu USD, được trao chứng nhận chủ trương đầu tư trong tháng 6/2023. Nhà máy của dự án này có công suất thiết kế gần 40.000 tấn thanh silic/năm, gần 30.000 tấn tấm đĩa bán dẫn/năm. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành các thủ tục để được bàn giao mặt bằng; triển khai xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc, thiết bị từ tháng 6/2023 đến tháng 10/2023; tháng 11/2023 sẽ sản xuất thử và sản xuất chính thức giai đoạn đầu của dự án; đến tháng 6/2025 đưa toàn bộ dự án vào hoạt động.
Trước đó, tháng 7/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam tại Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 165 triệu USD, nhằm sản xuất hợp kim nhôm phục vụ cho ngành sản xuất sản phẩm điện tử, năng lượng xanh. Dự án có công suất thiết kế 100.000 tấn/năm và có quy mô gần 11,8 ha, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 10/2024, và tạo ra khoảng 1.500 việc làm.
Giữa tháng 5/2023, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cũng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Foxconn Interconnect Technology Singapore PTE.LTD để triển khai Dự án Công ty TNHH Fu Wing Interconnect Technology tại Khu Công nghệp WHA Industrial Zone 1 trên địa bàn xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Dự án có diện tích khoảng 48 ha và dự kiến hoàn thành xây dựng hạng mục nhà xưởng và công trình phụ từ tháng 6/2023-6/2024. Giai đoạn tiếp theo, từ tháng 7 - 10/2024, nhà đầu tư sẽ nhập khẩu thiết bị máy móc, vận hành chạy thử để hoàn thiện các công đoạn đưa vào sử dụng với công suất thiết kế 400 triệu dây kết nối/năm, 94 triệu sạc không dây/năm và trên 627 đầu kết nối/năm.
Có thể nói, nhờ nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động thu hút đạt nhiều kết quả tích cực. 9 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đã cấp mới cho 91 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 35.578,3 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 41.799,7 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số dự án cấp mới tăng 13,7%, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng 1,9 lần.
Thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong 9 tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 8/63 tỉnh thành trong cả nước với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 1,275,21 tỷ USD. Lũy kế đến nay, tỉnh Nghệ An có 130 dự án FDI đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt gần 3,85 tỷ USD.
Môi trường đầu tư kinh doanh của Nghệ An ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, khi số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được trong 9 tháng đã tăng mạnh so với cùng kỳ. Nhờ thu hút được những nhà đầu tư lớn, các dự án có tính đột phá, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và làm tiền đề cho tăng trưởng...
Nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy công nghiệp
Sau 5 năm thực Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, công nghiệp Nghệ An có những bước phát triển và khởi sắc. Kết quả có được nhờ giải pháp tổng thể, trong đó có những chính sách hỗ trợ phát triển trong giai đoạn mới, với tầm nhìn mới…
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động, trên cơ sở UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các kế hoạch và văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo gồm có 11 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như: lựa chọn xây dựng danh mục phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên đến năm 2030; chính sách hỗ trợ dịch vụ logistics, hỗ trợ các hãng tàu biển vận chuyển container quốc tế và nội địa; xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển hàng hóa bằng container đi, đến cảng Cửa Lò; sửa đổi bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; phân bố không gian phát triển công nghiệp; bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2019 - 2025.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở cho công nhân làm việc trong khu kinh tế, khu công nghiệp; đồng thời đang làm thủ tục trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh, mở rộng Khu kinh tế Đông Nam từ 80 ngàn ha lên 105 ngàn ha, đổi tên từ Khu kinh tế Đông Nam thành Khu kinh tế Nghệ An. Trên cơ sở chương trình hành động và kế hoạch của UBND tỉnh, các sở ngành và các huyện, thị... đã kịp thời ban hành các kế hoạch triển khai, cụ thể hóa. Một số địa phương như TP Vinh, thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai, Nam Đàn còn chủ động lồng ghép các nội dung chính sách đầu tư phát triển công nghiệp vào thực hiện các cơ chế đặc thù trình HĐND tỉnh thông qua.
Mặt khác, để thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nghệ An đã hỗ trợ cho 29 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất trên địa bàn 10 huyện, thị xã, với tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2018 - 2023 hơn 51 tỷ đồng; đồng thời nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp, tạo mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong giai đoạn này, thông qua các Nghị quyết, tỉnh mời gọi 03 nhà đầu tư hạ tầng lớn là VSIP, WHA và Hoàng Thịnh Đạt đầu tư vào các KCN trọng điểm của tỉnh là VSIP, WHA, Hoàng Mai I với tổng diện tích 1.130,37 ha. Hiện tại, các nhà đầu tư đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN Thọ Lộc (Diễn Châu), WHA Nghệ An 2 (Nghi Hưng) và làm thủ tục đầu tư KCN Hoàng Mai II.
Đại diện Phòng Công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: Giai đoạn 2018 - 2023, tỉnh hỗ trợ kinh phí trên 57 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông và hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp Nghĩa Long (Nghĩa Đàn), Nghĩa Mỹ (Thái Hòa), Tháp - Hồng - Kỷ (Diễn Châu), Trường Thạch (Nghi Lộc)... qua đó đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa yên tâm thuê đất đầu tư sản xuất kinh doanh.
Cùng thời điểm, tỉnh tiếp tục thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ logistic, hạ tầng cảng biển. Cụ thể, ngoài các bến của Cảng Cửa Lò, Cảng quốc tế Vissai hay cảng xăng dầu DKC đã khai thác; Nghệ An đang triển khai xây dựng bến cảng chuyên dụng Đông Hồi tại TX Hoàng Mai để phục vụ vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ các dự án nhiệt điện, xi măng. Hiện nay, tỉnh đang dồn nguồn lực đầu tư 2 hạng mục hạ tầng trọng điểm là đường dẫn nối N5 giai đoạn 1 về cảng nước sâu Nghi Thiết Cửa Lò; nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh; đồng thời tiếp tục đầu tư 1 số hạng mục hạ tầng như mương thoát nước cho KCN WHA Nghệ An 1; cầu vượt đường sắt N2 cạnh KCN Thọ Lộc, thi công đường N2 phía đông Quốc lộ 1A nối với đường bộ ven biển và Cửa Hiền – Bãi Lữ...
Các chuyển biến, kết quả tạo đà
Nhờ sự chỉ đạo tích cực và quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong đó quan tâm lồng ghép các nội dung nhiệm vụ của Nghị quyết số 23-NQ/TW với việc thực hiện Thông báo số 55-TB/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025, nên dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng lĩnh vực công nghiệp, thu hút đầu tư đã có chuyển biến tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) tăng nhanh từ 58.152 tỷ đồng (năm 2018) lên xấp xỉ 82.000 tỷ đồng (năm 2022), dự kiến năm 2023 ước đạt trên 91.000 tỷ đồng. Quy mô và tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong Tổng giá trị sản phẩm xã hội của tỉnh (GRDP) tăng từ 16,26% (năm 2018) lên 19,0% (năm 2022).
Nghệ An đã chủ động phối hợp, hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các địa phương, nhất là với 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ; phối hợp với Hà Tĩnh và Thanh Hóa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2025...
Công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp được tập trung đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án công nghiệp, như: Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu của Khu kinh tế Đông Nam, hạ tầng các khu công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai I, Thọ Lộc, Nam Cấm, Đông Hồi; cảng biển, giao thông tiếp tục mở rộng. Đã quy hoạch phát triển 56 CCN với tổng diện tích khoảng 1.447,23 ha, trong đó 24 CCN đã thực hiện các bước đầu tư xây dựng, đáp ứng cơ bản nhu cầu mặt bằng cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện Nghệ An cũng đã hoàn thành xây dựng Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó hình thành các hệ sinh thái theo từng lĩnh vực ngành nghề, hình thành chuỗi giá trị để giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Theo đó, công nghiệp tập trung phát triển nhanh theo khu vực ven biển, dọc Quốc lộ 1A, đường bộ cao tốc Bắc Nam, gắn với Khu Kinh tế Đông Nam và vùng Bắc Nghệ An - Nam Thanh Hóa, Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngày càng hoàn thiện mà hạt nhân là các KCN trong và ngoài KKT Đông Nam. Hiện tại, các KCN trên địa bàn đã và đang thu hút đầu tư nhiều dự án sử dụng công nghệ cao trên lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, sản xuất và lắp ráp ô tô; sản xuất vật liệu mới; công nghiệp hỗ trợ,...
Các huyện miền Tây dọc đường Hồ Chí Minh và vùng phụ cận với lợi thế đất đai rộng lớn, tài nguyên rừng và nguyên liệu tại chỗ dồi dào đã quy hoạch phát triển các KCN Nghĩa Đàn, KCN Tri Lễ (Anh Sơn), Thanh Hương (Thanh Chương) để thu hút phát triển một số ngành công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, viên nén gỗ sinh khối, chế biến thực phẩm gắn với phát triển vùng nguyên liệu cây, con, hình thành chuỗi giá trị nông sản khép kín. Các mô hình chăn nuôi và chế biến sữa, chế biến nước trái cây, chế biến lâm sản của Tập đoàn TH và Vinamilk; các nguyên liệu vật tư cho nông nghiệp như phân bón, thức ăn gia súc...;
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Ban quản lý KKT Đông Nam cho biết: Một tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây là cùng với thu hút được các dự án quy mô lớn đã kéo được các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ vào theo. Điển hình là Tập đoàn Juteng, Luxshare-ICT, Goertek, Evewin Precision và mới nhất là Tập đoàn Sunny, sau khi vào đầu tư thì các doanh nghiệp, đối tác vệ tinh cũng vào theo...