Khả thi Đề tài phòng chống sốt xuất huyết

30/08/2011 10:09

Tại Nghệ An, từ năm 1995 trở lại đây, dịch sốt xuất huyết (SXH) thường xuyên xảy ra; bình quân mỗi năm có gần 500 ca, cao nhất có năm lên đến trên 1.400 ca.

Hàng năm đều có các báo cáo về dịch SXH chung của cả tỉnh, song chưa có nghiên cứu sâu nào về đặc điểm dịch tễ học SXH cũng như các biện pháp phòng chống hữu hiệu đối với đặc điểm tình hình của địa phương.

Từ những lý do trên, Đề tài: "Đặc điểm dịch tễ sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue ở Nghệ An và biện pháp phòng chống" được triển khai. Đề tài do BsCKII. Lê Thanh Hà - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An làm chủ nhiệm đề tài, Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An là đơn vị chỉ trì thực hiện.



Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra và diệt bọ gậy ở xóm Hồng Phương (Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu) - Ảnh: Từ Thành


Kết quả nghiên cứu của đề tài về tỷ lệ mắc bệnh SXH tại Nghệ An giai đoạn 2001-2008 cho thấy: Số bệnh nhân mắc SXH cao nhất vào năm 2001 là 31,3/100.000 dân; năm 2006 là 45,7/100.000 dân và năm 2008 là 42,9/100.000 dân; thấp nhất vào năm 2005 với tỷ lệ mắc là 1,5/100.000 dân.

Như vậy, dịch SXH ở Nghệ An xảy ra với chu kỳ 2-5 năm. Đề tài đã chú trọng việc tập huấn kiến thức cho các cộng tác viên và giáo viên về kỹ năng thực hành biện pháp mới trong phòng chống SXH, nâng cao kỹ năng giám sát, phát hiện ổ bọ gậy, phân biệt bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH với các loài khác, nhận biết tác nhân sinh học Meso, nhân nuôi, bảo quản và sử dụng tác nhân sinh học mới. Từ đó, các CTV, các giáo viên sẽ tuyên truyền các kiến thức được học cho người dân, cho học sinh.

Hàng tháng CTV kiểm tra các hộ gia đình mình phụ trách. Trong 2 năm đã tổ chức 7 chiến dịch thả bổ sung Meso cho các dụng cụ chứa nước lớn và 6.137 đồ phế thải có thể là ổ bọ gậy (khoảng 3.000 kg) được thu gom, xử lý (42,3% huỷ bỏ, 35,3% được lật úp, 6,5% thu gom và 15,9% xử lý khác). Các đợt chiến dịch được sự tham gia của tổng số 99 lượt giáo viên, 80 lượt CTV, 32 lượt ban chỉ đạo, 153 lượt chính quyền thôn xóm, 112 lượt phụ nữ, 1.841 lượt học sinh và 205 lượt những thành phần khác. Các hình thức tuyên truyền cho người dân bằng loa đài, hội họp cũng được sử dụng.


Với sự giám sát của Ban chủ nhiệm đề tài và chính quyền địa phương sở tại, đề tài được triển khai tại xã Diễn Kim (Diễn Châu) với sự vào cuộc một cách nhiệt tình. Chị Lê Thị Lan - cộng tác viên tại xã Diễn Kim, cho biết: "Hàng tháng, tôi đến từng hộ gia đình để tuyên truyền cho từng hộ gia đình biết, phát các tờ rơi, tranh treo cho các hộ gia đình. Lúc đầu đến tuyên truyền cũng gặp nhiều khó khăn nhưng sau một thời gian tuyên truyền, khi họ đã hiểu được vấn đề thì họ cảm ơn chương trình đã giúp họ và địa phương có một chương trình sức khỏe tốt".


Sau 3 năm triển khai thực hiện, đề tài đã mang đến những hiệu quả rất thiết thực. Tại xã Diễn Kim, bọ gậy đã giảm từ 96-99%. Từ 2 loài Meso được xác định có khả năng ăn bọ gậy cao đã nhân giống tại phòng thí nghiệm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương được phóng thả vào toàn bộ hệ thống chứa nước lớn tại địa phương. Tác nhân sinh học này được xác định là phát triển tốt trong các bể chứa nước, tỷ lệ các bể chứa nước có thả Meso tăng 10 lần so với trước khi triển khai đề tài. Hơn 90% gia đình thả Meso để tiêu diệt bọ gậy và tham gia thực hiện phòng chống SXH. Nhận thức của người dân tăng lên rõ rệt.


Đề tài cũng có đối chứng với mô hình xã Diễn Hải, là xã có một số đặc điểm cơ bản giống xã Diễn Kim, đây là 2 xã thường xảy ra dịch SXH của huyện Diễn Châu. Kết quả đối chứng như sau: Liên tục trong 3 năm qua tại xã Diễn Kim không có trường hợp nào mắc sốt xuất huyết tại địa phương mà chỉ có một trường hợp bị mắc ngoại lai từ xã có dịch bệnh về, nhưng do dự án đã khống chế được muỗi vectơ nên không lây lan. Ngược lại, tại xã Diễn Hải thì tỷ lệ muỗi sốt xuất huyết tăng cao, có 39 vụ dịch sốt xuất huyết xảy ra năm 2010.


Hà Phương

Mới nhất
x
Khả thi Đề tài phòng chống sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO