Khách hàng Hà Nội thích thú với các sản phẩm OCOP đến từ miền Tây Nghệ An

Thành Duy 17/11/2023 19:01

(Baonghean.vn) - Nhiều sản phẩm OCOP, đặc trưng của miền Tây Nghệ An như: Thổ cẩm, chè hoa vàng, bò giàng, thậm chí ớt cay... được giới thiệu đến khách hàng Thủ đô Hà Nội và các doanh nghiệp.

bna_IMG_4233.JPG
Không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của miền Tây Nghệ An tại khuôn viên Bộ NN&PTNT. Ảnh: Thành Duy

Từ chiều 17/11, tại không gian trưng bày thuộc khuôn viên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) ở Hà Nội diễn ra các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của miền Tây Nghệ An.

Anh Lê Tuấn Anh, một khách tham gia bày tỏ bất ngờ trước chất lượng và sự đa dạng của các sản phẩm. “Cảm nhận ban đầu tốt”, anh cho biết, sau khi nếm thử các thức uống thảo dược như cà gai leo, giảo cổ lam;...

bna_IMG_4127.JPG
Anh Lê Tuấn Anh (thứ 2 từ phải vào) nếm thử các sản phẩm từ huyện Con Cuông. Ảnh: Thành Duy

Tại các gian trưng bày, nhiều khách tham quan liên tục tấm tắc trước sản phẩm bò giàng Kỳ Sơn, chè shan tuyết, cà ngọt, măng khô, rượu nếp cẩm, trà hoa vàng, thịt chua, măng muối, hương trầm, chuối sấy, bột rau má…

Đồng thời ấn tượng với các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An được biểu diễn bởi đội văn nghệ quần chúng đến từ huyện Con Cuông.

bna_IMG_4100.JPG
Các gian trưng bày đều được các địa phương bố trí người bán hàng, giới thiệu sản phẩm với trang phục truyền thống. Ảnh: Thành Duy
bna_IMG_4209.JPG
Các sản phẩm OCOP đa dạng từ miền Tây Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Vi Văn Quý cho biết, lần này huyện giới thiệu đến khách hàng Thủ đô các sản phẩm cà gai leo, giảo cổ lam, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ… “Chương trình rất ý nghĩa; mong muốn qua đây giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm của huyện”, ông Quý bày tỏ.

Ngoài 4 gian trưng bày của sản phẩm OCOP, đặc trưng của 11 huyện, thị xã miền Tây Nghệ An và một gian trưng bày sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An, còn có thêm gian trưng bày sản phẩm gỗ chế biến và thủ công mỹ nghệ của tỉnh.

bna_IMG_4257.JPG
Nghệ nhân đến từ Quỳ Châu giới thiệu kỹ thuật dệt thổ cẩm. Ảnh: Thành Duy
bna_IMG_4216.JPG
Du khách tìm hiểu, mua các sản phẩm thổ cẩm. Ảnh: Thành Duy

Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ Nghệ An cho biết: Hiệp hội mang các dòng sản phẩm chính của Nghệ An như: Than tre và sản phẩm từ tre, đồ thủ công mỹ nghệ, ván ghép thanh, ván sàn MDF, viên nén sinh khối. Đây là các sản phẩm thế mạnh của Nghệ An đã có mặt ở các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản.

“Nói chung đây là cơ hội cho tỉnh. Chúng tôi có trao đổi với nhau mấy khi Bộ NN&PTNT dành cho một “sân chơi” trong “sân bộ”, điều này thể hiện sự quan tâm của Bộ đối với phát triển nông, lâm nghiệp của Nghệ An”, ông Lâm nói.

bna_IMG_4112.JPG
Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An thăm các gian trưng bày. Ảnh: Thành Duy

Dân số toàn vùng 1,237 triệu người (chiếm 36,28% dân số toàn tỉnh); trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 41 vạn người, chiếm 38,4% dân số toàn miền Tây, gồm nhiều dân tộc chung sống (như Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ Đu, Kinh...).

Đây là khu vực giàu tiềm năng phát triển kinh tế rừng với cây lâm nghiệp phục vụ chế biến gỗ, đồ gỗ...; cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày như: Mía, chè, cao su..., cây ăn quả như cam, quýt, bưởi...

bna_IMG_4247.JPG
Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc trưng của các huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Ảnh: Thành Duy

Vùng miền Tây Nghệ An có lợi thế phát triển sản xuất sản phẩm đặc sản và các loại dược liệu đặc hữu với nhiều đặc sản rất phong phú đa dạng như: Trà hoa vàng, cam Con Cuông, cam Phủ Quỳ, xoài Tương Dương, mận tam hoa Mường Lống, gà Mông, lợn đen, nếp Khao Cày nọi, bò Mông, thịt bò giàng, lạp xường, măng rừng, khoai sọ, các loại dược liệu, các bài thuốc quý, các sản phẩm thổ cẩm, đan lát, dao Mông… Nhiều sản phẩm đã được xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Cùng với đó, miền Tây Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, công nghiệp khoáng sản, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc (bò thịt, bò sữa, lợn).

Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An trải dài trên 9 huyện miền núi với vùng lõi là vườn Quốc gia Pù Mát và 2 khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

bna_IMG_4227.JPG
Nhiều du khách khi tham quan đã mua được các sản phẩm ưng ý từ miền Tây Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, miền Tây Nghệ An vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy trong các ngày 17, 18/11, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, các tiềm năng của miền Tây Nghệ An tại Bộ NN&PTNT.

“Mục đích nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, các tiềm năng, lợi thế của miền Tây Nghệ An nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan, bộ, ngành Trung ương trong chiến lược xây dựng và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực miền Tây Nghệ An”, bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An - đơn vị thường trực của sự kiện cho biết.

bna_IMG_4098.JPG
Du khách nếm thử món bò giàng Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Duy

Do đó, sự kiện này không chỉ đơn thuần trưng bày các sản phẩm OCOP, lâm sản của Nghệ An mà còn trưng bày các sản phẩm đặc trưng về văn hóa, du lịch, công nghiệp với mong muốn thể hiện tiềm năng của miền Tây xứ Nghệ An, qua đó quảng bá, tìm kiếm các mối quan hệ để phát triển.

Bà Võ Thị Nhung cho biết thêm: “Trong chiều 17/11, rất nhiều đối tác đã đến tham quan, tìm hiểu và đề xuất phối hợp với Nghệ An để sản xuất nông sản hữu cơ, trồng ngô sinh khối và một số sản phẩm chế biến khác”.

bna_IMG_4181.JPG
Ngoài ra khi đến tham dự sự kiện, du khách còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc đến từ miền Tây Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
bna_IMG_4191.JPG
Ảnh: Thành Duy
bna_IMG_4173.JPG
Du khách và các đại biểu ghi lại những tiết mục biểu diễn văn nghệ ấn tượng. Ảnh: Thành Duy

Trong sáng mai (18/11), tại trụ sở Bộ NN&PTNT sẽ diễn ra Toạ đàm “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế -xã hội miền Tây Nghệ An” với sự tham gia của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, cùng nhiều bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

Miền Tây Nghệ An có diện tích tự nhiên 13.728,97 km2, chiếm 83,3% diện tích toàn tỉnh; có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, với 211 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 27 xã biên giới với 468,281 km đường biên với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, 5 cửa khẩu gồm: Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn), Cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy (Thanh Chương), 3 cửa khẩu phụ là Thông Thụ (Quế Phong), Tam Hợp ( Tương Dương), Cao Vều (Anh Sơn); 4 đường quốc lộ nối hành lang kinh tế Đông - Tây và đường Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi trong giao thông với Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và các nước trong khu vực.

Khách hàng Hà Nội thích thú với các sản phẩm OCOP đến từ miền Tây Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO