Khai mạc Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC
(Baonghean) - Ngày 8/11, trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) lần thứ 29 đã chính thức khai mạc tại thành phố Đà Nẵng.
Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia APEC 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị AMM 29 với sự tham gia của các Bộ trưởng Ngoại giao, Kinh tế của 21 nền kinh tế thành viên, cùng Giám đốc điều hành Ban Thư ký quốc tế, Trưởng đoàn quan sát viên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh, Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại Thế giới.
Toàn cảnh Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 29. Ảnh VOV |
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò của APEC trong thúc đẩy kinh tế khu vực và toàn cầu; đồng thời nhấn mạnh, Hội nghị AMM 29 là diễn đàn với mong muốn đạt sự đồng thuận giữa Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế của các nền kinh tế thành viên APEC, tạo cơ sở cho cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trong những ngày tới.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, với mục tiêu “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, APEC đang nỗ lực duy trì động lực hợp tác, thúc đẩy 4 ưu tiên của năm APEC 2017, bao gồm: tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhắc lại về tầm nhìn của các nhà lãnh đạo hơn 20 năm trước khi đặt ra “Mục tiêu Bogor”. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Hội nghị AMM 29 sẽ thảo luận về những gì APEC đã và đang thực hiện để hướng tới mục tiêu quan trọng này và sẽ bàn bạc về các bước tiếp tới để thúc đẩy quá trình hoàn thành mục tiêu Bogor.
Bộ trưởng cũng nhận định, 21 nền kinh tế thành viên đang nỗ lực, tận dụng tối đa cơ hội , thể hiện sự linh hoạt để hoàn thành những kế hoạch, sáng kiến của các nhà lãnh đạo APEC. Trong quá trình đó, các nước luôn thể hiện sự gắn kết, tạo động lực phát triển cho khu vực.
Theo đó, Việt Nam mong muốn, trong viễn cảnh thay đổi nhanh chóng và bất ổn của kinh tế thế giới, những gì các thành viên đang thực hiện sẽ là "thông điệp thể hiện sự kiên định rõ ràng của APEC trong việc tự do hoá và mở rộng kinh tế và đầu tư khu vực".
Một tầm nhìn mới cho khuôn khổ APEC trong tương lai cần được xây dựng ngay từ hôm nay. Các khuôn khổ hợp tác kinh tế cần được xem xét, có thể dần được mở rộng sang các lĩnh vực phi kinh tế như văn hóa, môi trường, khoa học công nghệ và giáo dục, trong đó lấy phát triển con người làm trung tâm, là động lực mang tính quyết định các khuôn khổ và cấu trúc hợp tác mới./.
Mỹ Nga
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|