chửa khẩu 6

Việc mở thêm và nâng cấp các cửa khẩu trên địa bàn Nghệ An không chỉ phù hợp với định hướng phát triển liên vùng, kết nối tầm khu vực mà còn giúp các địa phương có đường biên giới thêm cơ hội nâng tầm các bước phát triển kinh tế - xã hội và hợp tác quốc tế.

Cơ hội phát triển kinh tế cho các địa phương

H

uyện trung du - miền núi Thanh Chương có diện tích khá rộng với 1.127 km2, dân số hơn 250 nghìn người. Thanh Chương là huyện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nhiều động lực quan trọng có thể tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, xã hội như: Có điều kiện tự nhiên đa dạng và phong phú, có thể tạo ra nhiều sản phẩm từ phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ, du lịch, dịch vụ theo hướng hiện đại để phát triển kinh tế tuần hoàn, nhanh và bền vững trong kinh tế hội nhập sâu rộng.

Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Chương, hiện nay huyện đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác. Xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao có nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể. Toàn huyện có 20 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tổng giá trị lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng năm đạt trên 4,3 nghìn tỷ đồng… Đối với thu hút đầu tư, nhiều công trình, dự án đã và đang triển khai phục vụ tiềm năng giao thương liên tỉnh, liên vùng như Cầu Đò Cung bắc qua sông Lam nối vùng Cát Ngạn với huyện Đô Lương; Đường giao thông nối Quốc lộ 46 đi xã Ngọc Sơn với xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn. Xây dựng các tuyến đường nối từ đường mòn Hồ Chí Minh đi vào vùng nguyên liệu trồng chè, cam thuộc xã Thanh Đức, Thanh Tiên…

Ảnh màn hình 2024-07-17 lúc 16.31.58
Thanh Chương có thế mạnh phát triển chè hữu cơ, VietGAP. Ảnh tư liệu PV
Ảnh màn hình 2024-07-14 lúc 23.46.02
An ninh biên giới ở Thanh Thuỷ luôn được đảm bảo. Ảnh tư liệu PV
Điểm đến du lịch trên địa bàn huyện Thanh Chương
Điểm đến du lịch trên địa bàn huyện Thanh Chương. Ảnh: CSCC

Thanh Chương có mạng lưới giao thông liên vùng khá hoàn chỉnh với 4 Quốc lộ chạy qua (46, 46B, 46C, đường Hồ Chí Minh), có đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn đi qua Cửa khẩu Thanh Thủy về phía Tây, kết nối với đường bộ và đường sắt Bắc - Nam với cảng biển Cửa Lò, sân bay Vinh nằm trong quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt.

Việc mở và nâng cấp Cửa khẩu Thanh Thủy sẽ giúp Thanh Chương phát huy tiềm năng các dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách phát triển kinh tế đã thu hút được, ví như: Nhà máy chất đốt sinh khối dạng viên nén tại xã Thanh Hương, Nhà máy may Matsuoka tại Thanh Liên, Nhà máy may Thanh Phong đã phê duyệt quy hoạch, Nhà máy gỗ Thanh Chương 2 (sản xuất viên nén và các sản phẩm từ gỗ) tại xã Thanh Tùng đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư…

Nhận thấy rõ tiềm năng này, UBND tỉnh hiện đang thực hiện các bước nâng cấp Cửa khẩu phụ Thanh Thủy thành cửa khẩu chính, và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế. Gần đây nhất, UBND tỉnh Nghệ An, huyện Thanh Chương đã phối hợp với đoàn công tác tỉnh Bôlykhămxay (Lào) mở hội nghị song phương liên ngành trao đổi, thống nhất về danh mục các loại giấy tờ có giá trị khi người, phương tiện và hàng hóa qua lại cửa khẩu phụ Thanh Thủy - Nậm On. Đây là nội dung hợp tác quan trọng, có tác dụng khai mở, hiện thực hóa chủ trương nâng cấp các cửa khẩu trên tuyến biên giới ở huyện Thanh Chương nói riêng và cả tỉnh Nghệ An với các tỉnh của nước bạn Lào nói chung.

Nhấn mạnh ý nghĩa hợp tác hữu nghị quốc tế thông qua khai mở Cửa khẩu Thanh Thủy, tiến tới nâng cấp tầm cao hơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh khẳng định, đây là hoạt động quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hai tỉnh đi lại, giao thương hàng hóa, đồng thời phát huy tiềm năng lợi thế về kinh tế, du lịch và thăm thân, đi lại của người dân hai tỉnh, hai quốc gia thông qua Cửa khẩu Thanh Thủy.

Ông Lê Hồng Vinh cũng nhấn mạnh, tỉnh Nghệ An có dân số hơn 3,4 triệu người, nếu hàng hoá của Bolykhamxay và các huyện, tỉnh lân cận của nước bạn Lào thông thương qua cửa khẩu sẽ được tiếp cận thị trường đầy tiềm năng ở Nghệ An. Đồng thời, với quỹ đất đai rộng lớn của Bôlykhămxay sẽ là tiềm năng lớn để giao lưu phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Đồng tình với nhận định đó, đồng chí Khăm-vén Pă-nha-nu-vông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Tỉnh trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh Bolykhamxay cũng cho biết, Cửa khẩu Thanh Thủy được khai mở, nâng cấp sẽ giúp hoạt động giao thương giữa Thanh Thủy - Nậm On, thuận tiện, nhanh chóng. Tỉnh Bôlykhămxay nằm ở miền Trung của Lào, dân số có vị trí địa lý chiến lược nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây của Lào, giáp hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh của Việt Nam. Tầm nhìn chiến lược, Nhà nước Lào sẽ xây dựng Bolykhamxay hành trung tâm logistics của cả nước và khu vực. Hiện Lào đang thực hiện dự án xây cầu nối Lào - Thái Lan, xây dựng cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giao thương kinh tế và nhiều lĩnh vực khác giữa hai tỉnh, hai quốc gia.

Triển khai mở, nâng cấp 6 cửa khẩu biên giới Việt - Lào

Về tiềm năng kinh tế cửa khẩu của Nghệ An, đại diện Sở Công Thương cho biết, Nghệ An có nhiều lợi thế lớn. Cụ thể, tỉnh có diện tích tự nhiên 16.493 km2, lớn nhất cả nước, có 468,281 km đường biên giới quốc gia trên đất liền đi qua 06 huyện, 27 xã khu vực biên giới, tiếp giáp với 21 bản, 06 huyện thuộc 03 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay (Lào). Trên tuyến biên giới đất liền hiện nay có 01 Cửa khẩu Quốc tế (Nậm Cắn) và 6 cửa khẩu phụ, 04 lối mở biên giới. Nếu các cửa khẩu được khai mở, nâng cấp sẽ tạo thêm tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai thác khoáng sản, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu.

Hiện nay, khu vực biên giới và các huyện biên giới vẫn duy trì, tăng trưởng kinh tế dương; các cụm công nghiệp đã dần hình thành và đang thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, các sản phẩm làng nghề đa dạng, ngày càng được các bạn hàng trong nước và quốc tế quan tâm. Hàng năm, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Nghệ An và Lào đạt trên 70 triệu USD.

Tuy nhiên, nhìn chung kinh tế - xã hội các vùng biên giới, cửa khẩu còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh. Cơ cấu kinh tế khu vực này còn chậm chuyển dịch, vẫn dựa vào nông nghiệp là chính. Thu hút đầu tư công nghiệp - thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu vẫn hết sức khó khăn, nhất là các dự án FDI. Chưa có nhiều dự án sản xuất công nghiệp lớn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế của khu vực.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu qua biên giới chiếm tỷ trọng khiêm tốn (khoảng 3-4%) trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh. Mối liên kết giữa sản xuất với lưu thông phân phối, giữa bán buôn với bán lẻ chưa gắn kết lâu dài, thiếu tính ổn định. Sản phẩm hàng hóa đặc sản, đặc trưng của khu vực biên giới, cửa khẩu đa dạng nhưng còn nhỏ lẻ.

Phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong những định hướng phát triển kinh tế của Nghệ An đã được Bộ Chính trị đã chỉ rõ tại Nghị quyết số 39/NQ-TW. Tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành chương trình hành động, cụ thể hoá thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết 39 đã chỉ ra.

Một góc cửa khẩu Thanh Thuỷ
Một góc Cửa khẩu Thanh Thủy.

Đối với phát triển kinh tế cửa khẩu, ngoài duy trì Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, ngày 9/7/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 547/KH-UBND triển khai thực hiện quy hoạch cửa khẩu biên giới đất liền thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mở và nâng cấp thêm 6 cửa khẩu, vừa tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, vừa từng bước khai mở, nâng tầm các hoạt động kinh tế - xã hội thông qua các cửa khẩu.

Chi tiết quy hoạch cửa khẩu biên giới đất liền thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

1
Nâng cấp Cửa khẩu chính Thanh Thủy (2024 - 2026)
Cảnh đìu hiu ở Cửa khẩu Thanh Thuỷ (Thanh Chương). Ảnh tư liệu
Cửa khẩu Thanh Thuỷ (Thanh Chương). Ảnh tư liệu PV

1. Khảo sát, quy hoạch đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2025 - 2030.

2. Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn, đoạn từ Cửa khẩu Thanh Thủy nối Cửa Lò (2021-2030).

3. Đề nghị Chính phủ Lào công bố cửa khẩu chính đối với Cửa khẩu Nậm On, nhằm đối ứng với Cửa khẩu Thanh Thuỷ, tiến tới tổ chức khai trương cặp cửa khẩu chính Thanh Thủy - Nậm On và hoàn chỉnh các thủ tục nâng cấp Cửa khẩu chính Thanh Thủy - Nậm On thành cửa khẩu quốc tế, báo cáo Chính phủ hai nước quyết định (2025).

4. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 2030

2
Nâng cấp cửa khẩu phụ Thông Thụ (2024 - 2027)
Cửa khẩu phụ Thông Thụ

1. Ban hành Quyết định cho phép phương tiện cơ giới đường bộ của hai tỉnh được vận chuyển người, hàng hóa qua cửa khẩu phụ Thông Thụ - Nậm Tạy. Ban hành Quyết định công bố danh mục cửa khẩu phụ Thông Thụ - Nậm Tạy được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa (2024).

2. Đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng tuyến QL48 từ Quỳ Hợp lên Cửa khẩu Thông Thụ, Quế Phong (2021-2030) từ ngân sách tỉnh và Trung ương.

3. Rà soát quy hoạch, đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2025 - 2030. Đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai xây dựng các hạng mục, trụ sở làm việc của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu (2024).

4. Hoàn chỉnh các thủ tục nâng cấp cửa khẩu phụ Thông Thụ thành cửa khẩu chính, báo cáo Chính phủ hai nước quyết định. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (2027).

3
Mở cửa khẩu phụ Huồi Khe - Loong Ho (2026 - 2030)
Việc mở các cửa khẩu sẽ giúp thông thương hàng hoã và tạo điều kiện thăm thân gắn kết tình hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới
Người dân Mường Ải (Kỳ Sơn) cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng giữ gìn an ninh biên giới. Ảnh: HT

1. Khảo sát, tiến hành các thủ tục xin ý kiến các bộ, ngành và ý kiến Chính phủ; tham mưu UBND tỉnh ra Quyết định mở cửa khẩu phụ Huồi Khe (Mường Ải, Kỳ Sơn). Dự kiến năm 2026.

2. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định (2030).

4
Nâng cấp cửa khẩu phụ Tam Hợp (2021-2047)
Ảnh màn hình 2024-07-17 lúc 17.48.19
Một góc xã biên giới Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: HT

1. Đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng tuyến ĐT.541B (được quy hoạch là tuyến Quốc lộ 7E đường lên Cửa khẩu Tam Hợp, Tương Dương từ 2021 - 2030).

2. Đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu nâng cấp cửa khẩu phụ Tam Hợp - Thoong Mi Xay thành cửa khẩu chính (2035-2040).

3. Hoàn chỉnh các thủ tục nâng cấp cửa khẩu phụ Tam Hợp thành cửa khẩu chính, báo cáo Chỉnh phủ hai nước quyết định (2040).

4. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định (2045-2047).

5
Nâng cấp cửa khẩu phụ Cao Vều (2035-2040)
cao vều
Khởi công xây dựng công trình sửa chữa, nâng cấp tuyến ĐT 534C đi Cửa khẩu Cao Vều. Ảnh tư liệu

1. Đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu nâng cấp cửa khẩu phụ Cao Vều (Anh Sơn) - Thong Phị La (Bolykhamxay) thành cửa khẩu chính (2035-2040).

2. Hoàn chỉnh các thủ tục nâng cấp cửa khẩu phụ Cao Vều thành cửa khẩu chính, báo cáo Chính phủ hai nước quyết định (2040).

3. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định (2045-2047).

6
Mở cửa khẩu phụ Huồi Mới-Đen Đín (2032-2040)
Một góc bản biên giới HUồi Mới Tri Lễ, Quế Phong
Một góc bản biên giới Huồi Mới Tri Lễ (Quế Phong).

1. Đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu mở cửa khẩu phụ Huồi Mới - Đen Đín. Hoàn chỉnh các thủ tục nâng cấp cửa khẩu phụ, thống nhất với chính quyền tỉnh Hủa Phăn (Lào) báo cáo Chỉnh phủ hai nước sau khi có sự đồng ý của Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An sẽ ra quyết định mở cửa khẩu phụ Huồi Mới (2032-2035).

2. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp quy định (năm 2040).

Khai mở tiềm năng kinh tế cửa khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO