Khai trương bảo tàng đầu tiên về văn hóa dân tộc các nước ĐN Á
Chiều 30/11, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã khai trương tòa Bảo tàng đầu tiên về văn hóa các nước Đông Nam Á. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện Đại sứ quán các nước trong khu vực Đông Nam Á, các bảo tàng trong và ngoài nước tới dự.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ chúc mừng và cảm ơn các quốc gia trong khu vực, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, tham gia đóng góp để Bảo tàng Đông Nam Á được khai trương.
Phó Thủ tướng chia sẻ, chỉ hơn một năm sau khi gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã chủ trương xây dựng Bảo tàng Đông Nam Á, dù khi đó Việt Nam là thành viên mới, trình độ phát triển thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Đó là một minh chứng sống động cho quan điểm, tầm nhìn cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc tăng cường giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, cùng với các trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN - ngôi nhà chung của các quốc gia Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai trương Bảo tàng Đông Nam Á, chiều 30/11.
Dù còn khiêm tốn nhưng Bảo tàng Đông Nam Á sẽ cổ vũ cho giao lưu văn hóa, không chỉ giữa các nước ASEAN mà còn với các nền văn hóa khác, tăng cường sự hiểu biết, làm phong phú, nổi bật những nét đặc sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển quan hệ hợp tác giữa các quốc gia vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện, không ngừng phát triển Bảo tàng Đông Nam Á, đồng thời có nhiều sáng kiến, hoạt động thiết thực để giúp nhân dân Việt Nam hiểu thêm về văn hóa các dân tộc cũng như mang những nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam tới nhân dân các nước.
Trước, đó, trong buổi gặp gỡ báo chí, Giám đốc Bảo tàng Võ Quang Trọng cho biết, đây là bảo tàng đầu tiên về văn hóa các nước Đông Nam Á, là điểm kết nối giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa các nước trong khu vực. Bảo tàng Đông Nam Á mở ra triển vọng mới, là điểm đến lý tưởng cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa các nước trong khu vực.
Trưng bày Văn hóa Đông Nam Á được xác định là một trưng bày thường xuyên, lâu dài trong tầng 1 của tòa bảo tàng mới này. Bảo tàng tập trung vào 2 trọng tâm là văn hóa các dân tộc Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Tòa nhà Bảo tàng Đông Nam Á có tên “Cánh diều” được hoàn thành sau 6 năm xây dựng. Đây là công trình kiến trúc hiện đại, được các chuyên gia Việt Nam và Pháp cùng góp sức. Đây có thể coi là một hình mẫu để các địa phương xây dựng các bảo tàng trong tương lai.
Bảo tàng Đông Nam Á mang hình cánh diều, một yếu tố văn hóa chung của các cư dân Đông Nam Á.
Trong 5 năm qua, Bảo tàng đã thực hiện nhiều chuyến đi nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và tư liệu ở các nước Đông Nam Á. Với hơn 2.000 hiện vật và gần 100 băng ghi âm, ghi hình, sẽ là những tư liệu quan trọng để tạo dựng trưng bày này và các trưng bày chuyên đề về sau. Trong số các hiện vật, phong phú và đẹp nhất là nhóm hiện vật về đồ họa, bởi nét độc đáo là người phụ nữ các nước Đông Nam Á luôn khéo tay làm những đồ thủ công có hoa văn đẹp, phản ánh tâm tư, tình cảm của họ, trong đó có những bộ trang phục được dệt rất tinh xảo.
Ngoài ra, Bảo tàng được thừa hưởng 3 bộ sưu tập quí của các nhà khoa học ở các nước. Đó là bộ sưu tập của Giáo sư Karenko (người Nhật Bản), bộ sưu tập của Giáo sư Nguyễn Thành Khôi - Việt Kiều tại Paris (Pháp) và bộ sưu tập tranh kính của Tiến sĩ Rosaria - người Italia đã hiến tặng bảo tàng. Bảo tàng sẽ triển lãm 3 bộ sưu tập này trong năm 2014, góp thêm nét văn hóa đặc sắc để công chúng hiểu thêm về văn hóa Đông Nam Á cũng như một số nước trên thế giới. Trong tương lai, Bảo tàng sẽ có nhiều hoạt động khác và trưng bày chuyên đề để giới thiệu sâu hơn các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể của các nước trong khu vực...
Bảo tàng bắt đầu mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 1/12. Nhân dịp khai trương, Bảo tàng tổ chức nhiều hoạt động trình diễn trong ngày 1/12. Các tiết mục nghệ thuật múa dân gian đương đại do các nghệ sĩ đến từ Thái Lan và Lào biểu diễn. Các hoạt động trải nghiệm khám phá về Đông Nam Á như thử mặc trang phục, làm con rối, cắt dán mặt nạ, làm tranh và bưu thiếp di sản văn hóa Đông Nam Á bằng ngũ cốc, tìm hiểu về quốc kỳ và các quốc gia Đông Nam Á qua trò chơi; đồng thời có nhiều trò chơi dân gian bổ ích, gồm trò chơi các nước Đông Nam Á và trò chơi tương ứng của Việt Nam./.
Theo ĐCSVN