Khai trương hệ thống kết nối các nhà thuốc toàn quốc
(Baonghean.vn) - Sáng 24/8, tại tỉnh Hưng Yên, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc.
Đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Quản lý thuốc chữa bệnh lỏng lẻo
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến nhấn mạnh: Hoạt động cung ứng thuốc vẫn còn không ít bất cập, nổi bật là Việt Nam là nước còn tình trạng mua bán thuốc không theo kê đơn, đặc biệt là mua bán sử dụng thuốc kháng sinh ở mức độ đáng báo động, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là công tác quản lý cả các cơ sở cung ứng thuốc chưa hiệu quả, chưa có công cụ hữu hiệu giúp người dân được biết thông tin, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thuốc, giá cả cũng như giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán thuốc trên thị trường.
Vì vậy, Bộ Y tế đã phối hợp với tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel xây dựng đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020.
Quang cảnh điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê |
Theo đó, Bô Y tế đã chọn các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định triển khai thí điểm dự án công nghệ thông tin kết nối nhà thuốc. Đến nay đã có 25 tỉnh triển khai dự án công nghệ thông tin kết nối nhà thuốc.
Đã có 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc được cấp acount, 1.915 cơ sở thường xuyên cập nhật số liệu về hoạt động mua bán thuốc, 22.196 đơn thuốc được cập nhật lên trang web: http://duocquocgia.com.vn.
“Việc ứng dụng CNTT tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng. Các cơ sở cung ứng thuốc có công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động kinh doanh như chức nâng thống kê, báo cáo, kiểm soát chặt chẽ hạn dùng của thuốc, đưa ra cảnh báo khi thuốc sắp hết hạn.
Đồng thời tiếp nhận kịp thời các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý như thông tin thuốc bị thu hồi, thuốc không đạt chất lượng, kiểm soát giá cả, nguồn gốc xuất xứ của thuốc, ngăn chặn tình trạng bán thuốc phải kê đơn không đúng quy định nhằm sử dụng thuốc hợp lý an toàn hiệu quả giá cả hợp lý, bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe cho người dân”- người đứng đầu ngành Y tế khẳng định.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông cho biết: Tại Nghệ An hiện nay có 255 nhà thuốc, 580 quầy thuốc, 1.181 đại lý bán buôn bán lẻ thuốc.
Đồng chí Lê Minh Thông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Lê |
Từ năm 2018, Sở Y tế Nghệ An đã phối hợp triển khai phần mềm quản lý các cơ sở hành nghề y dược trên địa bàn tỉnh với tên gọi là Medcomm – Mạng y tế cộng đồng. Medcomm là phần mềm có thể sử dụng trên máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh với cả phiên bản app và web.
Thông qua Medcomm, người dùng có thể tìm thấy các nhà thuốc, phòng khám, thẩm mỹ viện và các đơn vị hoạt động trong ngành y tế trên bản đồ theo từng vùng miền và gần mình nhất theo định vị của điện thoại.
Medcomm hiển thị công khai, rõ ràng các loại giấy phép, chức năng hoạt động, hình ảnh của từng cơ sở cũng như việc chỉ đường, liên lạc qua điện thoại hay thậm chí là nhận xét của mỗi cá nhân về dịch vụ của cơ sở.
Tính đến 20/8/2018, Viettel Nghệ An đã trực tiếp bàn giao và hướng dẫn lại cách sử dụng phần mềm cho 81 nhà thuốc. Dự kiến, hết tháng 8/2018 sẽ hoàn thành kết nối cho 255 nhà thuốc đạt chuẩn GPP trên địa bàn; đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành kết nối 480 tủ thuốc trạm y tế xã; đến cuối năm 2019 cơ bản sẽ hoàn thành kết nối cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất Bộ Y tế ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình thực tế, tạo hành lang pháp lý cho các Sở Y tế trong việc thanh kiểm tra việc thực hiện quy định kết nối công nghệ thông tin. Đối với nhà cung cấp dịch vụ cần phải xây dựng phần mềm đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông, các danh mục thuốc. Các ban ngành tăng cường tuyên truyền để các cơ sở cung ứng thuốc nhận thức rõ lợi ích khi được kết nối.
Việc cần làm ngay
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: những việc cần làm ngay của ngành Y tế đó là: Triển khai hệ thống đồng bộ y tế cơ sở tiến tới lập hồ sơ sức khỏe cho người dân và tiến tới bệnh án điện tử. Việc thứ hai là kết nối quản lý toàn bộ hệ thống bán lẻ thuốc.
Theo Phó Thủ tướng việc quản lý bán thuốc ở Việt Nam thuộc hàng lỏng lẻo nhất thế giới; tỷ lệ kháng kháng sinh Việt Nam đang ở tốp cao của thế giới; giá cả các loại thuốc tại các nhà thuốc bán lẻ chưa được quản lý. Hiện nay, chúng ta không có công cụ nào để giúp người dân nhận biết được công dụng, cách sử dụng và thời hạn sử dụng thuốc. Điều này chúng ta cần khắc phục sớm.
Cho rằng việc đưa phần mềm quản lý vào sử dụng sẽ loại bỏ tất cả các hành vi buôn bán không lành mạnh. Phần mềm đưa vào hoạt động sẽ giúp công khai, minh bạch hoạt động mua bán thuốc, vì sức khỏe nhân dân.
Toàn cảnh điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê |
Theo Phó Thủ tướng, để Chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/8/2018 đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết cụ thể tuyên truyền thuyết phục.
"Đây là việc làm mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân và cho ngành y tế, trước hết nhân viên y tế ủng hộ chủ trương này. Cùng đó là sự đồng lòng quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2018 của BCH Trung ương Đảng về chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng và các đại biểu đã bấm nút triển khai hệ thống kết nối các nhà thuốc.