Khám phá Mường Quàng - Bài 4: Hội "Cắng Kím" và chuyện tình nàng Nguộc

27/08/2015 18:02

(Baonghean) - Truyền thuyết kể rằng xưa, nàng Nguộc ở bản Cu (Quang Phong – Quế Phong) có làn da trong suốt như nước suối ban mai. Còn ở bản Tỉn Pu có đồi sim ghi dấu sự kiện nàng Đỏn bị con trăn bắt. Chồng nàng là Tạo Hiền từ đó không chịu lấy ai nữa. Sau này trai gái lên đồi sim mở hội “Cắng Kím” với mong muốn có một mối tình chung thủy như nàng Đỏn, Tạo Hiền.

Bản Cu nơi có miếu thờ nàng Nguộc.
Bản Cu nơi có miếu thờ nàng Nguộc.

Hẹn nhau vào mùa sim chín

Những chuyện tình đẹp bao giờ cũng có sức sống bền lâu và mối tình của Tạo Hiền và nàng Đỏn cũng vậy. Người Mường Quàng vẫn truyền tai nhau rằng: Ngọn đồi sim ở bản Tỉn Pu là nơi năm xưa nàng Đỏn bị con trăn lớn ăn thịt, chàng Tạo Hiền chờ mong thương nhớ trong nỗi cô quạnh.

Đó là văn tắt câu chuyện của ông Lô Văn Quỳ ở bản Tỉn Pu, xã Quang Phong kể cùng chúng tôi trong một ngày chớm sang thu. Ông bảo rằng trên ngọn đồi tên gọi Tẻn Nêu là nơi ngày trước trai gái Mường Quàng và những mường lân cận tụ tập mở hội ném còn, múa sạp vào mùa sim chín. Người bản địa gọi ngày này là Cắng Kím, hội hái sim để tưởng nhớ nàng Đỏn và chàng Tạo Hiền trong câu chuyện xưa nghe vừa hư, vừa thực.

Chuyện kể rằng, ngày xưa ở bản Tỉn Pu, Mường Quàng có nàng Đỏn đẹp người, tốt nết. Nàng có nước da như trứng bóc nên mới có tên gọi như vậy. Đến tuổi lấy chồng, trai mường xa, bản gần đến cầu hôn, nàng chẳng ưng ai. Cho đến này nàng gặp Tạo Hiền là con quý tộc ở mường Cắm Lứ, tài năng hiền hậu mới chịu xiêu lòng.

Tạo Hiền cho ông bà mối đến hỏi nàng Đỏn làm vợ. Cha mẹ nàng lại không dám ưng thuận vì lo ngại con gái mình không biết làm dâu quý tộc. Tình cảm giữa nàng Đỏn vào Tạo Hiền thì ngày càng thắm thiết. Thương con, cha mẹ nàng liền chấp nhận cho Tạo Hiền đón nàng Đỏn về làm vợ mà không cần sính lễ, chỉ yêu cầu chàng phải vượt qua thử thách cõng nàng vượt qua ngọn núi Pù Kẹp cao nhất Mường Quàng. Tạo Hiền vui vẻ nhận lời và cõng nàng Đỏn tức tốc vượt núi.

Trước khi lên đường, nàng Đỏn lo ngại chồng sẽ khát nước nên đã nhúng ướt mái tóc của mình để lấy nước cho chàng uống. Đến ngọn đồi Tẻn Nêu, nàng bảo chàng dừng nghỉ thì mái tóc đã khô rong vì nắng nóng. Nàng Đỏn bảo chồng ngồi chờ để mình xuống suối lấy nước. Đang múc nước thì con trăn lớn nuốt nàng vào bụng. Tạo Hiền chờ không thấy vợ trở lại mới về bản báo tin dữ. Dân bản đi tìm thấy con trăn nằm ngủ cạnh suối liền dùng tên độc bắn chết mổ lấy xác nàng Đỏn ra. Tạo Hiền đưa vợ lên đồi Tẻn Nêu chôn cất, từ đó ở vậy không lấy ai nữa. Về sau ngọn đồi nơi nàng Đỏn nằm nghỉ mọc lên thứ cây có hoa tím biếc, chính là loài hoa sim.

Ông Quỳ nhớ lại: Ngày trước mỗi khi sim trên đồi chín, thường là Rằm tháng Bảy trai gái Mường Quàng lại rủ nhau lên đồi Tẻn Nêu mở hội hát giao duyên và múa sạp… Trai gái ở những bản mường xa cũng chờ đến ngày này về chơi hội với mong ước có được mối tình đẹp như nàng Đỏn và chàng Tạo Hiền.

Chuyện nàng Nguộc

Một ngọn đồi khác ở bản Cu (Quang Phong – Quế Phong) có ngôi miếu thờ nàng Nguộc. Ông Lang Văn Ngọ, người cung cấp thông tin chính về chuyên đề này kể rằng: Nàng là con gái của tạo mường tên là Biên Cu, sinh ra đã có sẵn bản chất thông minh, chăm chỉ thêu thùa lại còn đem nghề này truyền dạy lại cho dân bản, nên được nhiều người quý mến. Nàng Nguộc có nước da kỳ lạ, trong suốt như thủy tinh, nên nhiều người vì thế mà yêu thích, muốn cầu hôn.

Ngày ấy trong vùng có một viên tướng Tàu tên gọi Lưu Thông đến vùng Mường Quàng khai thác mỏ. Lưu Thông có con trai tên gọi Lưu Phú. Ông Biên Cu thấy người Tàu khai thác vàng nên tìm cách làm quen cốt để thu lợi. Sẵn mối quan hệ với tạo mường, Lưu Phú thường ghé thăm nhà ông Biên Cu. Những cuộc gặp với nàng Nguộc khiến anh chàng nảy sinh tình cảm. Dù không nói ra nhưng nàng Nguộc cũng thầm cảm mến người con trai phương Bắc tài hoa nhưng không biết tỏ rõ tình ý thế nào. Nàng Nguộc buồn phiền lăn ra ốm, Lưu Phú là người giỏi thuốc thang nên đến chăm sóc từ đó hai người có cơ hội gần gũi.

Lưu Thông biết chuyện tình cảm của con trai với người con gái bản địa, không ngăn cấm cũng không cho cưới hỏi. Ông ta chỉ lao vào việc vơ vét của cải. Lưu Phú không cưới được nàng Nguộc nhưng tình cảm thắm thiết giữa hai người thì ai cũng biết. Của cải vật chất làm ra chàng không đem về nước mà bỏ ra thuê người khai hoang ruộng nước, đào mương máng, đắp đập cho người dân sản xuất nông nghiệp. Lưu Phú được người dân trong vùng nể trọng.

Đến ngày nọ, nàng Nguộc bị một trận sốt rét, Lưu Phú lại trổ tài cứu chữa nhưng không qua khỏi. Cái chết của nàng khiến chàng đau buồn rồi cũng lâm bệnh mà chết theo. Người dân thương tình lại nhớ công đức giúp Mường Quàng khai khẩn ruộng đất và truyền nghề thêu thùa của cặp đôi tình nhân. Lưu Phú được chôn cất ở bản Xàn, nay là bản Hủa Khổ còn nàng Nguộc thì chôn cất trên ngọn đồi ở bản Cu. Từ đồi cao, nàng Nguộc có thể trông về chốn yên nghỉ của người yêu.

Chúng tôi tìm đến bản Hủa Khổ nhưng chẳng ai còn biết vị trí ngôi mộ của Lưu Phú ở đâu nữa. Ông Lang Văn Lâm trú bản Cu cho biết bản thân là hậu duệ đời thứ 9 của bà Nguộc. Ông kể một giai thoại có nhiều khác biệt so với câu chuyện của ông Lang Văn Ngọ về nàng Nguộc. Ông Lâm kể rằng ngày ấy bà Nguộc có nước da trong suốt nên có “tạo mường” người Kinh yêu thích. Nàng không chấp nhận nên bị người này săn đuổi khắp nơi. Nàng phải chạy lên ngọn núi Kết Lịn nơi có bản của người Khơ mú để sinh sống. Bà còn làm cho mình xấu đi bằng cách bôi tro bếp lên mặt nhưng vẫn lộng lẫy hơn hết thảy gái bản. “Tạo mường” người Kinh cũng không buông tha, nàng Nguộc lại một lần nữa phải trốn chạy cuối cùng chết bệnh ở bản Na Cấn thuộc xã Cắm Muộn ngày nay. Thấy người đẹp chết thảm, vị quan nọ ân hận, đau buồn rồi cũng chết theo.

Ông Lang Văn Lâm cho biết hàng năm cứ vào một ngày đẹp đầu tháng Hai âm lịch dòng họ Lang và người dân bản Cu lại tổ chức cúng miếu thờ nàng Nguộc gọi là đền Miếu. Vào ngày lễ đền Miếu dân bản góp tiền mua chung 1 con lợn, mỗi nhà gói 10 cặp bánh chưng đem đến cúng cho bà để gợi nhớ công ơn đã truyền lại nghề thêu thùa cho người dân, cũng là dịp dân bản cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, người và súc vật không bị bệnh tật. Ngày trước cứ 3 năm dân bản lại mổ trâu cúng đền. Nhận thấy việc này gây tốn kém tiền của nên dân bản đã bỏ lệ này từ nhiều chục năm nay.

Vừa kể lại chuyện xưa của dòng họ, ông Lang Văn Lâm vừa dẫn chúng tôi lên ngọn đồi Kết Lịn, nơi có miếu thờ nàng Nguộc. Ngôi miếu được dựng tạm bợ bằng tre nứa nên chỉ sau một thời gian ngắn đã cũ nát. Ông Lâm cho biết hàng năm sắp vào ngày cúng đền người dân mới chặt tre nứa, lá cọ làm lại miếu thờ. Hiện tại con cháu trong dòng họ và dân bản chưa có điều kiện để dựng một ngôi miếu kiên cố hơn nhưng lệ cúng bà Nguộc hàng năm thì chưa bao giờ ngắt quãng. Dù có khó khăn đến đâu thì vào tháng Hai hàng năm người họ Lang và dân bản Cu cũng mổ lợn cúng đền Miếu.

HỮU VI – ĐÀO THỌ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Khám phá Mường Quàng - Bài 4: Hội "Cắng Kím" và chuyện tình nàng Nguộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO