Khám phá nhà hàng sinh thái "3 trong 1"
(Baonghean) - Mệt mỏi với cuộc sống đô thị ồn ào và xô bồ, nên những điểm đến du lịch mang tính đồng quê, trở về với thiên nhiên lại đang được nhiều người lựa chọn. Nắm bắt được xu thế đó, anh Tùng và chị Dương ở Nghi Khánh - Nghi Lộc đã đầu tư nhà hàng sinh thái, vừa nuôi cá đặc sản vừa phục vụ ẩm thực cho du khách.
Một góc của nhà hàng Tùng Dương. |
Theo tuyến đường Nam Cấm chúng tôi về với xã Nghi Khánh (Nghi Lộc) để tìm hiểu về khu nhà hàng sinh thái đang được đông đảo sự yêu thích của người dân trong tỉnh cũng như khách du lịch gần xa. Đó là nhà hàng của anh Võ Minh Tùng và chị Nguyễn Thị Dương, nằm cách cầu Khe Đầm khoảng 100m về hướng Bắc. Khu nhà hàng này có rất nhiều điểm thú vị khiến ai đã từng một lần tới đây đều khó quên. Được bao quanh bởi diện tích 2,5 ha ao, nhà hàng như một ốc đảo nổi bật giữa màu xanh của nước, của mây trời. Được chia làm hai khu riêng biệt, phần “đất liền” duy nhất được đặt làm nhà bếp và nơi để xe của khách, còn phần “thủy tạ” là 11 gian hàng được kiến thiết đẹp mắt, tinh tế bằng tre để khách hàng có thể vừa thưởng thức những món ăn đặc sản của nhà hàng vừa cảm nhận được thiên nhiên. Cái nắng, cái oi bức của thời tiết dường như bị xóa tan bởi các cơn gió mát lành; mọi sự mệt mỏi, xô bồ của cuộc sống dường như biến mất khi tới đây. Điều đặc biệt thú vị khác nữa đó là ở đây, “thượng đế” có thể tự câu cá để chọn cho bữa ăn của mình, thậm chí nếu bạn là một tay câu cá “có hạng” thì có thể mua phần cá của mình câu được về nhà, nhà hàng sẽ bán theo giá thị trường.
Trò chuyện với anh Võ Minh Tùng và chị Nguyễn Thị Dương – chủ nhân của khu nhà hàng này, anh chị cho biết: “Vợ chồng chúng tôi đều xuất phát từ nông dân, trước kia cũng đã thử rất nhiều nghề nhưng rồi vẫn không thoát được chữ nghèo. Rồi tôi đi xuất khẩu lao động 3 năm tại Hàn Quốc về có góp được chút vốn, thiết nghĩ, giờ lấy số tiền này chỉ để xây nhà cao cửa rộng xong không còn có gì để làm “cần câu cơm” thì cũng không thể duy trì cuộc sống được. Vì thế vợ chồng chúng tôi dùng số tiền đó để làm ăn. Năm 2001 gia đình đấu thầu được 2,5 ha ao nước ngọt này và 400m2 ao nước mặn đối diện bên kia đường.
Chúng tôi đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng ở diện tích nước mặn nhưng vì tôm rất nhạy cảm với môi trường và hay bị bệnh nên đầu tư không hiệu quả. Chủ yếu là lỗ và hòa vốn, năm được lợi nhuận cao nhất cũng chỉ có 50 triệu đồng. Từ đó vợ chồng chúng tôi dồn vốn đầu tư cho diện tích 2,5 ha ao nước ngọt bên này để nuôi cá vược. Nuôi cá vược khó nhưng chủ động được thực phẩm phục vụ du khách cả mùa mưa bão, giá cả hợp lý. Hiện nay khách hàng chuộng cá vược vì thịt ngon, thơm và bổ dưỡng. Tất nhiên nuôi cá nước mặn trong bờ cần phải kỹ thuật cao và chi phí đầu tư giống cao hơn nhiều”.
Ông Võ Minh Tùng - chủ nhà hàng. |
Để chứng minh nuôi cá vược không dễ, anh Tùng nói rõ thêm: “Tiền cá giống (loại cá đạt 1 cm chiều dài) là 10 nghìn đồng, đắt so với loài cá giống nước ngọt thông thường đến gần 8 lần, nhưng bù lại, khi đã nuôi đúng kỹ thuật thì chúng rất ít bị dịch bệnh lại phát triển khá nhanh và khi xuất bán được giá. Khi cá trưởng thành, mỗi con từ một vài cân là xuất bán. Cá lớn đến 4 hoặc 5 kg thì lãi hơn nhưng khó tiêu thụ vì lớn tiền. Giá cá từ 90 đến 120 nghìn đồng/kg. Từ năm 2010, khi phát hiện và nuôi thử loại cá này trên đất liền thành công, vợ chồng chúng tôi đã đầu tư nuôi hẳn một ao gần 1 ha. Ao lớn chúng tôi vẫn nuôi cá nước ngọt khác như cá chép, cá mè, trôi, trắm để khách ăn bình dân và tìm thú vui câu cá giải trí.
Việc tự cung được nguồn thực phẩm tươi sống này là một lợi thế với chúng tôi vì các nhà hàng khác trên địa bàn do diện tích nhỏ hẹp và ao không có nước vào ra nên không nuôi được cá, phải nhập cá từ các đầu mối. Đối với cá vược, các nhà hàng khác phải nhập từ các hộ nuôi cá lồng trên biển có nhiều điểm bất lợi chỉ riêng quá trình vận chuyển cá bị bong tróc vảy đã làm mất giá. Mặt khác nuôi cá lồng trên biển chỉ được mùa lặng, khi mùa mưa bão, sóng cả gió to thì ngư dân không nuôi nữa, nên nguồn cung thiếu. Vì những lẽ đó, vợ chồng đầu tư thêm cơ sở vật chất để phát triển cả chu kỳ khép kín: sản xuất nhiều loại cá, dịch vụ tốt với tư cách nhà hàng và chăm lo khâu giải trí như câu cá, phong cảnh. Khách chỉ thả câu xuống, chỉ ít phút sau có cá đưa lên thưởng thức hoặc mang về.
HIện nay, du khách đến đây không chỉ trong tỉnh, mà còn cả nhiều vùng, miền khác. Nhiều khách còn yêu cầu cho thuê một căn nhà tạm trong khu nhà hàng sinh thái này để ở qua đêm. Có những lúc đỉnh điểm của mùa du lịch, nhà hàng tiếp lên đến 150 lượt khách.
Ông Nguyễn Đình Sửu – Chủ tịch UBND xã Nghi Khánh cho biết: “Mô hình nhà hàng sinh thái “Tùng Dương” của gia đình anh Võ Minh Tùng là một mô hình tổng hợp, cũng có thể gọi là mới vì nó kết hợp “3 trong 1”, vừa sản xuất, nhà hàng và giải trí. Trên địa bàn xã hiện có hơn 100 doanh nghiệp dịch vụ, nếu xét về lĩnh vực nhà hàng thì đây chưa phải là nhà hàng lớn nhất nhưng xét toàn diện về phát triển lâu dài và tính độc đáo nữa thì nó vẫn là một mô hình ấn tượng nhất”.
Hoàng Thanh Quỳnh